Cần xử lý nạn "xe điên" trên đường phố Hà Nội

Thứ Bảy, 13/09/2014, 12:29
Từ trước tới nay người ta vẫn quen nghe những vụ "trâu điên" hay "bò điên" sổng chuồng húc người ở địa phương này, địa phương kia thì thời gian gần đây người đi đường tại Thủ đô Hà Nội lại luôn bị ám ảnh bởi hai từ "xe điên" trên đường phố. Những chiếc xế hộp, phần lớn là xe sang đắt tiền bỗng dưng "lồng" lên hung hãn đâm đúc vào các phương tiện trên đường phố đông đúc. Đang đi đúng tốc độ, làn đường, thậm chí đang dừng lại bên hè đường cũng bỗng nhiên gặp những tai nạn thảm thương từ những chiếc "xe điên".

Dư luận những ngày qua vẫn chưa hết bức xúc với vụ việc chiếc "xe điên" BKS 29N - 9035 gây tai nạn liên hoàn tối 10/9 trên tuyến đường Đội Cấn - Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Sau khi đã đâm húc một loạt xe máy khiến nhiều người bị thương, trong đó có người gãy chân, chiếc xe này đã tăng ga bỏ chạy và tiếp tục gây ra những vụ đâm húc những phương tiện khác. Đêm 27/8, trên tuyến đường Bà Triệu, một "xe điên" hiệu Ford Escape khác cũng đã đâm liên hoàn khiến 4-5 xe máy tại đây ngã dúi dụi sau đó phóng hết tốc lực để bỏ chạy…

Từ đầu năm 2014 đến nay tại Hà Nội đã có cả chục vụ tai nạn do "xe điên" gây ra. Hầu như tháng nào cũng có trường hợp "xe điên" "loạn đả" đường phố. Nạn nhân thường là người đi xe máy cùng chiều, thậm chí cả những trường hợp người điều khiển xe máy đang dừng ven đường, rồi xe máy đang dựng trên hè phố cũng trở thành nạn nhân của "xe điên". Đâm hư hỏng phương tiện, gây thương tích cho người đi đường, thậm chí đã có trường hợp "xe điên" đâm chết một lúc 3 người như vụ TNGT xảy ra chiều 26/5/2013 tại quốc lộ 32 đoạn qua xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) khiến 3 người đi đường thiệt mạng.

Sau hàng loạt vụ "xe điên" náo loạn đường phố, giờ đây người dân Thủ đô mỗi khi tham gia giao thông lại nơm nớp nỗi lo sợ gặp phải những chiếc "xe điên"  bất thần xuất hiện. Đó là những vụ tai nạn mà dù có cẩn thận đến mấy khi tham gia giao thông thì người đi đường cũng có thể gặp nạn từ…phía sau. Nguyên nhân của những vụ xe điên thường được các tài xế sau đó giải thích là do đạp nhầm chân ga, chân phanh hay thiếu bình tĩnh khi điều khiển phương tiện hoặc là uống rượu quá chén…

Rõ ràng nạn "xe điên" chủ yếu là lái xe đào tạo thiếu bài bản và người điều khiển say rượu bia. Chính vì vậy để ngăn chặn nạn "xe điên" cần phải xem xét cả trách nhiệm của những cơ sở đào tạo đã cấp bằng lái cho những lái xe non kém về tay nghề để xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó lực lượng CSGT CATP Hà Nội cần phải bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra tình trạng lái xe uống rượu bia trên các tuyến phố nội thành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Thanh Tuấn
.
.
.