Cần xác định tiêu chí công nhận liệt sĩ “hy sinh dũng cảm”

Thứ Năm, 13/03/2014, 14:16
Bắt đầu từ 8/3, Nghị định 06 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội có hiệu lực thi hành. Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với cá nhân, tổ chức tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, trong đó cá nhân bị chết do trực tiếp tham gia công tác này được xem xét công nhận liệt sĩ. Đây là hành lang pháp lý quan trọng, vấn đề tiếp theo là các cơ quan Nhà nước cần có sự thống nhất trong xác định tiêu chí “hy sinh dũng cảm”để công nhận liệt sĩ.

Chế độ cho người bảo vệ an ninh, trật tự bị thương, hy sinh

Chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự là vấn đề được bàn luận nhiều, nhất là khi họ chịu thiệt hại từ việc bảo vệ an ninh, trật tự (như bị chết, thương tật do cứu người, bị thiệt hại tài sản khi tham gia cứu nạn...). Nghị định chính là “chìa khóa” tháo gỡ những vướng mắc trong giải quyết chế độ, chính sách, cũng là nguồn lực động viên quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Tại Điều 10, Nghị định quy định: Cơ quan, tổ chức tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự được bảo vệ về danh dự, tài sản; cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản theo quy định của pháp luật. Nếu có thành tích thì được khen thưởng.

Đặc biệt, tại khoản 3 điều 10 ghi rõ: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân do tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự mà bị tổn hại về danh dự thì được khôi phục, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; cá nhân bị chết do trực tiếp tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự thì được xem xét công nhận là liệt sĩ, nếu bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được xem xét để hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng”.

Điều 17, Nghị định số 31, ngày 19/4/2013 của Chính phủ quy định điều kiện xác nhận liệt sĩ gồm người hy sinh trong các trường hợp như: chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá (tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu); làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị. Trường hợp bị chết trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ.

Điều 17 cũng quy định nhóm trường hợp được công nhận liệt sĩ khi trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; do ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật... Không xem xét xác nhận liệt sĩ đối với những trường hợp chết do tự bản thân gây nên hoặc do vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của cơ quan, đơn vị...

Thực tế, những vụ người dân bị chết do tham gia cứu nạn, hành động gây xúc động lớn trong dư luận thì việc làm thủ tục, hồ sơ công nhận liệt sĩ khá thuận. Điển hình như trường hợp làm thủ tục đề nghị công nhận liệt sĩ và truy tặng bằng Tổ quốc ghi công cho anh Trần Hữu Hiệp (25 tuổi), xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa về hành động cao cả xả thân cứu người (tối ngày 2/8/2013 trong vụ ca nô chìm tại vùng biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có anh Hiệp). Anh Hiệp đã cứu sống được 5 người và nhường áo phao đang mặc trên người của mình cho một phụ nữ, sau đó vì kiệt sức đã hy sinh. Nhiều trường hợp khác, cá nhân hy sinh khi cứu người bị nạn cũng đã được các cấp làm thủ tục đề nghị công nhận liệt sĩ kịp thời...

Anh Trần Hữu Hiệp hy sinh cứu người, được công nhận liệt sĩ.

Tuy nhiên, không ít trường hợp cá nhân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (như cứu người chết đuối, chữa cháy, cứu nạn trong các vụ tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tham gia bắt cướp, trộm...) bị chết hoặc bị thương nhưng việc giải quyết chế độ, chính sách lại quá nhiều vướng mắc. Quan điểm của cơ quan Nhà nước khi giải quyết vấn đề này cũng chưa thống nhất, chẳng hạn để lập hồ sơ đề nghị truy tặng liệt sĩ, ngành Lao động, Thương binh, Xã hội nhấn mạnh yếu tố “dũng cảm”, trong khi căn cứ xác định thế nào là dũng cảm cũng không nhất quán. Tuy nhiên, việc làm thủ tục công nhận liệt sĩ ở không ít trường hợp vẫn kéo dài vì các cơ quan Nhà nước vẫn tranh luận yếu tố dũng cảm.

Chẳng hạn, trường hợp anh Phạm Đức Ninh (Công an viên xã Phú Trung, Bù Gia Mập, Bình Phước) hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, trong khi Công an địa phương xác định việc anh Ninh hy sinh cần được công nhận liệt sĩ thì phía Cục Người có công lại lập luận khác khiến hồ sơ đưa đẩy kéo dài. Hay trường hợp Thiếu tá Trần Duy Nghĩa, Công an phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ vào ngày 4/2/2011, quan điểm dũng cảm hay không dũng cảm cũng không thống nhất giữa Cục Người có công với các cơ quan chức năng...

Xác định tiêu chí “dũng cảm”: Phải thống nhất

Tham gia bảo vệ an ninh, trật tự là nghĩa vụ của người dân nhưng trong môi trường ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy hiểm thì để động viên, khích lệ người dân tham gia, tất yếu phải gắn với việc bảo đảm quyền lợi, nhất là khi họ bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Việc Nghị định của Chính phủ quy định chính sách tổ chức, cá nhân khi tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự là hành lang pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, như chúng tôi phân tích trên, cần phải có hướng dẫn rõ ràng hơn về các căn cứ xác định trường hợp công nhận liệt sĩ khi cá nhân tham gia phòng, chống tội phạm, tham gia cứu nạn, cứu hộ bị hy sinh. “Dũng cảm” là tính từ dùng để chỉ tính cách của con người có tính cách gan dạ, tự tin, không run sợ trước những nguy hiểm, khó khăn. Thế nhưng, tính từ này phải được lượng hóa trong những trường hợp cụ thể chứ không thể hàm ý chung chung để luận giải nghĩa nào cũng được. Chẳng hạn, có người nói dũng cảm khi cứu người chết đuối, cứu người bị tội phạm tấn công, dũng cảm khi chữa cháy... thì hành vi như thế nào được coi dũng cảm. Nếu chỉ trừu tượng thì việc xét công nhận liệt sĩ vẫn rất khó khăn khi cơ quan chức năng vẫn mỗi nơi một ý.

Có  thực tế rằng, chỉ những vụ việc khi dư luận đặc biệt quan tâm (như các vụ xả thân cứu nhiều người bị đuối nước gây xúc động mạnh trong xã hội) thì việc hy sinh của người xả thân cứu người nhanh chóng được cơ quan chức năng hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, kèm với đó là các khen thưởng. Trong khi đời sống có bao nhiêu vụ ở mọi miền đất nước vì các lý do khác nhau mà sự hy sinh của họ chưa được báo chí, dư luận lên tiếng dù hành động của họ cũng bất chấp khó khăn, gian khổ xả thân cứu người, cứu của, không ngại ngần hiểm nguy. Sự hy sinh của họ đáng được tôn vinh và công nhận các danh hiệu, chính sách, nếu chỉ vì sự tắc trách hay quan điểm không thống nhất, rõ ràng thì hậu quả không chỉ thiệt thòi đối với thân nhân người đã mất mà còn làm ảnh hưởng lòng tin của người dân trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự

M. Đăng
.
.
.