Cần xã hội hóa dịch vụ hành chính công

Thứ Tư, 30/07/2008, 08:36
Sau hai bước đột phá lớn trong dịch vụ công chứng, chỉ một thời gian ngắn, những gì được coi là bức xúc nhất trong lĩnh vực này gần như được giải quyết toàn bộ. Không còn cảnh chen nhau, xếp hàng chờ đợi, đi đi lại lại, hay "cò" quây kín cổng... người dân đã được hưởng lợi từ việc xã hội hoá hoạt động công chứng.

Mấy ngày hôm nay, báo chí liên tục ca ngợi về sự tiện lợi ở Phòng Công chứng tư, sự hài lòng của người dân. Vậy thì tại sao trước đây công chứng công chưa làm được điều đó? Và điều gì sẽ xảy ra nếu các phòng công chứng tư chạy theo xu hướng lợi nhuận?

Hiệu quả từ hai bước đột phá

Bắt đầu từ 1/7/2007, hoạt động công chứng thực hiện theo Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Đây là bước đột phá lớn, mang lại sự thuận tiện tối đa cho người dân. Trách nhiệm công chứng, chứng thực được san đều từ công chứng Nhà nước cho đến Phòng Tư pháp cấp quận, huyện và tới cả UBND cấp xã, phường.

Ngay sau khi thực hiện quy định mới, chúng tôi đã ghi nhận được sự thay đổi rõ rệt ở các phòng công chứng Nhà nước, nơi vẫn được coi là một trong những trọng điểm bức xúc trong dịch vụ hành chính công. Phòng công chứng vắng hoe, người đi làm công chứng không còn phải chờ đợi, xếp hàng như trước. Những đám "cò" vốn ăn theo hoạt động công chứng thì đã phải lục tục chuyển nghề.

Vào những ngày cuối tháng 7/2008, các văn phòng công chứng tư chính thức đi vào hoạt động. Bước khởi động của các văn phòng này đã được đánh giá cao bởi sự thân thiện và chăm sóc khách hàng chu đáo. Đó là thái độ tận tình của các cán bộ Phòng Công chứng, và đặc biệt là có cả cà phê, nước uống để đón tiếp khách. Những ngày đầu, việc công chứng có vẻ suôn sẻ và hiệu quả khi mọi thứ đều diễn ra thuận tiện, tạo điều kiện hết mức cho khách hàng. Điều đó có tác động không nhỏ đến hoạt động của công chứng công.

8h ngày 29/7, có mặt tại UBND phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, chúng tôi thấy có 7 người dân đang chờ làm thủ tục chứng thực. Chị Trần Phương Nga, cán bộ công chứng của phường nói: "Công chứng tư không ảnh hưởng đến hoạt động này ở phường mà chỉ tác động đến Phòng Công chứng Nhà nước".

Từ 1/7/2007, xã, phường được giao thêm nhiệm vụ chứng thực những giấy tờ, chứng chỉ, văn bản có bản gốc đi kèm. Thời điểm đầu, trung bình mỗi ngày tại đây sao y bản chính khoảng 100 văn bản. Thời gian gần đây số lượng này chỉ còn khoảng một nửa.

10h ngày 29/7, Phòng Công chứng Nhà nước số 1 trên phố Bà Triệu, Hà Nội vẫn còn khoảng chục "cò" lượn lờ trước cửa. Họ áp sát bất kỳ vị khách nào xuất hiện tại đây. Nhưng khác với thời gian trước, bây giờ khách hàng đều đi thẳng vào bên trong và được cán bộ Phòng Công chứng tiếp nhận hồ sơ ngay tức khắc. 10h ngày thứ 3 đầu tuần mà cả Phòng Công chứng chỉ có chục khách hàng.

Chớ vội mừng sớm

Mới bắt đầu hoạt động, các phòng công chứng tư đã khiến người dân thực sự cảm thấy thoải mái và tiện lợi, thông thoáng về thủ tục, công chứng viên hướng dẫn tận tình, chu đáo. Vậy tại sao trước đây dịch vụ công chứng công không làm được điều đó?

Câu hỏi này được một Trưởng phòng Công chứng Nhà nước trả lời rất rõ rằng, trước đây lượng việc ở các phòng công chứng công quá nhiều, cán bộ Phòng Công chứng không có nhiều thời gian tiếp đón khách hàng nên tất yếu dẫn đến sự không hài lòng của người dân. Còn về nước hay cà phê phục vụ khách như các phòng công chứng tư mới áp dụng, ông khẳng định luôn rằng, công chứng công sử dụng ngân sách Nhà nước, phải tuân theo quy định Nhà nước về chế độ đón tiếp công dân nên không thể so sánh với công chứng tư được.

Thời gian trước, khi người dân có nhu cầu công chứng, chứng thực bản sao các loại giấy tờ luôn mang tâm lý e ngại khi bước chân vào phòng công chứng. Bị phản ánh nhiều về thái độ làm việc, cung cách phục vụ người dân, nhiều cán bộ Phòng Công chứng Nhà nước phải nhờ báo chí giải thích hộ bởi tất cả nguyên nhân đều do sự quá tải. Trước đây, cả Hà Nội chỉ có 6 phòng công chứng Nhà nước, tất cả tài liệu công chứng, chứng thực của thành phố đều dồn về các phòng công chứng này.

Sự ra đời của các phòng công chứng tư là một chủ trương đúng của Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Nhưng, nhiều cán bộ lâu năm làm việc trong lĩnh vực công chứng tỏ ra e ngại về kiến thức pháp luật và kinh nghiệm của cán bộ công chứng tư. Khi dịch vụ công được xã hội hoá, lợi nhuận cạnh tranh dễ dẫn đến sự dễ dãi trong công việc. Và điều mà các phòng công chứng công lo lắng là do chưa được nối mạng giữa các phòng công chứng tư sẽ khó ngăn chặn được giao dịch không hợp lệ.

Một cán bộ công chứng nhà nước lấy ví dụ một khách hàng khai giá tài sản rồi đem công chứng, phát hiện mình khai "hớ", sẽ bị áp dụng mức thuế cao, họ muốn sửa lại cho có lợi hơn nên đến một phòng công chứng khác, khai lại, công chứng lại. Hay một mảnh đất có thể lập nhiều hồ sơ khác nhau để vay vốn ngân hàng...

Công chứng tư hoạt động tạo được hiệu quả xã hội tốt, nhưng chúng ta chưa vội mừng trước kết quả ban đầu đạt được. Cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ và sự nối mạng giữa các phòng công chứng công - tư để đảm bảo an toàn trong giao dịch. Các văn phòng công chứng tư đừng vì lợi nhuận, khao khát khách hàng mà bỏ qua quy định của pháp luật.  Chúng ta hãy chờ xem các công chứng viên làm nghiệp vụ như thế nào

Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.