Cẩn trọng với các bãi đá nổi, bãi bồi ven sông Hồng

Chủ Nhật, 07/04/2013, 22:15
Đã hơn 2 tuần trôi qua, nhưng khi nhắc lại sự việc đau lòng xảy ra tại khu vực bãi đá nổi ven sông Hồng, đoạn thuộc phường Nhật Tân (quận Tây Hồ - Hà Nội), nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng trước việc nam sinh viên xấu số Vũ X.V., 23 tuổi, sinh viên một trường đại học đóng trên địa bàn Hà Nội bị đuối nước.

Trước đó, chiều 24/3, trong lúc cùng nhóm bạn ra đây vui chơi, chụp ảnh kỷ niệm, V. và 2 bạn sinh viên (một nam, một nữ) bất ngờ bị sụt cát. Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhóm bạn đi cùng chỉ kịp cứu được người bạn của V., còn V. đã tử nạn.

Vụ việc trên thêm một lần nữa cảnh báo về những nguy cơ tai nạn đuối nước đi kèm với các bãi đá nổi, bãi bồi ven sông. Một câu hỏi đặt ra, liệu ý thức của một bộ phận giới trẻ đã được nâng cao?

Trả lời câu hỏi trên, chiều 5/4, trở lại bãi đá ven sông Hồng, chúng tôi không khỏi giật mình bởi vào thời điểm này, mặc cho chính quyền địa phương gắn biển báo cấm với nội dung “Khu vực nguy hiểm, cấm bơi lội, tắm, giặt” vẫn có hơn chục bạn trẻ nô đùa, té nước chụp ảnh trên nền bãi cát, bãi đá nổi trải dài ven sông ở đây. Người đứng, người ngồi với các kiểu tư thế để chụp ảnh, bất giác khiến nơi đây dường như trở thành không gian lý tưởng để giải trí của các bạn trẻ.

Đáng chú ý, ghi nhận ở đây khoảng 20 phút, chúng tôi còn bắt gặp 4 - 5 cặp nam nữ lui tới bãi đá này để chụp ảnh cưới. Nhiều đôi còn lội nước, ra tận những gò đất nổi giữa mặt sông ở phía xa, mặc cho nguy cơ sụt lún có thể xảy ra.

Mặc dù đã có biển cảnh báo, song khu vực bãi đá nổi sông Hồng (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ - Hà Nội) vẫn đông bạn trẻ đến vui chơi, chụp ảnh (ảnh chụp chiều 5/4).

Không chỉ bãi đá nổi sông Hồng, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ - Hà Nội), theo ghi nhận của PV Báo CAND, tại một số bãi đá, bãi bồi nổi ven sông như bãi nổi Trung Châu (Đan Phượng), bãi nổi Tự Nhiên (huyện Thường Tín), bãi nổi Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) v.v... vào thời điểm hiện tại, khi mùa mưa bão đang đến gần, nhiều bạn trẻ đã tìm đến những nơi này để vui chơi, chụp ảnh mà quên đi nguy hiểm đuối nước rình rập. Nhiều bạn trẻ cho hay, vì muốn có bức ảnh, không gian lý tưởng để vui chơi, nên đã đến những bãi đá, bãi bồi này để chụp ảnh kỷ niệm.

Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao thời gian qua, phớt lờ những cảnh báo từ chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, một bộ phận bạn trẻ vẫn tìm số điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

Trở lại vấn đề liên quan đến bãi đá sông Hồng, chiều 5/4, khi trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ - Hà Nội) cũng tỏ ra lo ngại trước việc nhiều bạn trẻ phớt lờ các biển cấm, khuyến cáo của UBND phường, nhất là kể từ sau vụ việc đau lòng xảy ra đối với sinh viên Vũ X.V.

Theo ông Ngọc cho hay, thời gian trước, tại khu bãi đá, bãi đất bồi ven sông Hồng này cũng đã xảy ra một số vụ tai nạn sụt cát tương tự gây chết người. Nhận thức rõ nguy cơ tai nạn đi kèm tại khu vực này, chính quyền địa phương đã cho lắp đặt hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm đối với người dân (chủ yếu là các bạn trẻ ham thích chụp ảnh) khi lui tới khu vực này.

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ chủ quan cho rằng, khi lội dưới bãi đá, bãi bồi ngập nước ở mức 20 - 30 phân sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng – đuối nước. Và suy nghĩ này là rất sai lầm. Bởi, mạch nước chảy dưới bề mặt cát, đá bồi thường xuất hiện vòng xoáy ngầm. Nếu không am hiểu địa hình, rất dễ bị sa vào dòng xoáy đó. Và rồi, khi không được giúp đỡ, kéo lên kịp thời, tai nạn đuối nước xảy ra là điều khó tránh khỏi

Trần Huy
.
.
.