Cần tôn vinh gần 400 dân công hi sinh khi đang đắp đê sông Mã

Thứ Sáu, 07/08/2009, 17:11
"Hãy tôn vinh cho những người đã hi sinh vì Tổ quốc" - Đó là tâm nguyện của hàng trăm cựu chiến binh, nhân chứng của sự kiện xảy ra lúc 8h ngày 14/6/1972, gần 2.000 dân công đang đắp đê sông Mã đoạn Hàm Rồng - Nam Ngạn (Thanh Hóa) bị máy bay Mỹ ném bom.

Trong số gần 400 người thiệt mạng (số liệu chưa thống kê đầy đủ), có hơn 300 cô gái ở độ tuổi đôi mươi, là các nữ sinh, giáo sinh, giáo viên ở các trường Trung cấp thương nghiệp, Trung cấp Y tỉnh Thanh Hóa, các trường của thị xã, huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa. Suốt 37 năm nay, hằng năm, gần 400 gia đình có nạn nhân của vụ thảm sát ấy đều lấy ngày 14/6 làm ngày giỗ chung hương khói tưởng niệm.

Ký ức bi tráng về ngày 14/6/1972

Mùa mưa năm 1972, nước sông Mã dâng cao, trong khi trước đó mấy tháng, bom Mỹ bắn phá cầu Hàm Rồng đã làm đê sông Mã bị tàn phá nghiêm trọng. Nguy cơ gây vỡ đê, ngập lụt khắp thị xã Thanh Hóa và vùng phụ cận là rất lớn. Để đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch phục vụ chiến trường miền Nam và phòng chống lũ lụt, ngay trong thời điểm máy bay Mỹ đánh phá dữ dội, chính quyền tỉnh Thanh Hóa vẫn phải huy động lực lượng khẩn cấp bồi đắp đoạn đê sông Mã xung yếu từ Nam Ngạn đến Hàm Rồng.

Đoạn đê Nam Ngạn - Hàm Rồng, hiện trường vụ thảm sát 37 năm trước.

Theo những nhân chứng kể lại, lực lượng tham gia đắp đê lúc đó có khoảng hơn 2.000 người, trong đó riêng huyện Đông Sơn có 1.000 người, còn lại là giáo viên, sinh viên, học sinh của các trường ở thị xã Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, vì những lực lượng khác đã tham gia vào các đơn vị chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Địa điểm đắp đê là đoạn đê hữu sông Mã, cách chân cầu Hàm Rồng chừng 1km. Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, công trường lại nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ nên Ban chỉ huy công trường phân công cứ 5 người làm một hầm chữ A dọc theo chân đê để tránh bom đạn. Các hoạt động đắp đê diễn ra vào ban đêm, nhưng để đảm bảo an toàn, bí mật và ưu tiên cho việc thông xe qua tiền tuyến, đoàn dân công quyết định chuyển giờ đắp đê vào lúc tảng sáng.

Sáng 14/6/1972 (tức ngày 4/5 Nhâm Tý), mọi người cùng nhất trí tranh thủ làm thêm giờ, dự định hôm sau thì cũng nghỉ ăn Tết Đoan Ngọ. Giây phút định mệnh xảy ra vào khoảng 8 giờ sáng, khi máy bay Mỹ ập đến thả 24 loạt bom trải dài cả cây số, như một trận cuồng phong, khiến nhiều người hi sinh tại chỗ, nhiều người vào được hầm cũng hi sinh vì bom rơi trúng hầm hoặc bị thương vì sức ép của bom.

Nhắc lại sự kiện này, ông Vũ Lê Thống, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Thanh Hóa khi ấy (tháng 6/1972) đang là hiệu trưởng Trường cấp III Lam Sơn, rưng rưng nước mắt: "Nhận được lệnh điều động tham gia đắp đê sông Mã, tôi cùng anh em giáo viên trong trường tức tốc di chuyển hơn 15km từ nơi sơ tán về Nam Ngạn, Hàm Rồng. Sáng 14/6/1972, khi chúng tôi đang làm nhiệm vụ, một tốp máy bay Mỹ từ biển Đông lao thẳng về cầu Hàm Rồng. Chúng tôi ngẩng đầu lên chỉ kịp nhìn thấy cánh máy bay to trải dài, rồi bom đạn nổ ầm trời trong tiếng động cơ gầm rú. Mấy chục phút sau, khi tiếng bom đã dứt, bầu trời chỉ là một màu đen kịt của khói bom, mùi cháy khét lẹt. Trên đầu, đất đá, gỗ cây, thậm chí cả những mảnh thi thể người lả tả rơi xuống”.

“Tôi nhìn quanh, thấy cảnh tàn hoang khủng khiếp, mà đến tận bây giờ vẫn còn nhớ như in. Anh Bình (quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) kêu la thảm thiết vì bị một mảnh bom găm vào xương sống (hiện bị thọt chân). Anh Dương Ngọc Khôi, cán bộ Đoàn thanh niên của Trường cấp III Lam Sơn, cũng đang vật vã vì bị mảnh bom chém mất một bên mông, máu phun hòa vào dòng bùn nhão. Nhiều người khác đang rên la, quằn quại trong bùn và máu. Tai bị ù đi vì sức ép, máu trong tai bắt đầu chảy ra, tôi bất tỉnh ngay trên công trường...".

Còn ông Lương Mộng Giác (khi đó là cán bộ Phòng Giáo dục thị xã, người trực tiếp dẫn các giáo viên, giáo sinh đi hộ đê) khẳng định: "Đến khoảng 13h30' cùng ngày, bản thân tôi đã đếm được 295 người chết. Con số còn cao và đau thương hơn ở những lần thống kê sau…".

Còn đối với bà Phạm Thị Khuyến (60 tuổi, lúc đó đang là y sĩ của Bệnh viện Việt - Trung đóng trên địa bàn Thanh Hóa) thì sự kiện của 37 năm trước ám ảnh như vừa xảy ra vào ngày hôm qua. Bà Khuyến bật khóc: "Khoảng 9h ngày 14/6, chúng tôi nhận được tin máy bay Mỹ ném bom làm chết rất nhiều người trên công trường đắp đê Nam Ngạn - Hàm Rồng. Lúc đó, cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Việt - Trung chỉ còn 12 người ở lại trực cấp cứu, do một số đã đi sơ tán hết. Toàn bộ anh em trong đội cấp cứu vội đưa xe cứu thương ra công trường để đón các nạn nhân về bệnh viện”.

“Do nạn nhân chết và bị thương quá nhiều, chúng tôi chỉ đưa được hai chuyến xe chở các nạn nhân về bệnh viện, còn lại anh em quyết định sơ cứu, cấp cứu ngay tại hiện trường. Khi mang dụng cụ y tế đến hiện trường đầy bùn đất, tôi thấy cảnh tượng những người chết mà quần áo của nhiều người không còn, cứ như thế nằm trong máu và bùn, những người bị thương thì nằm quằn quại trong đống bùn nhão kêu rên thảm thiết, xé lòng. Tôi và các đồng nghiệp vội gạt lớp bùn trên vết thương của các nạn nhân để lau, rửa bằng thuốc đỏ (một loại hóa chất dùng để sát trùng), rồi tiêm thuốc trợ lực, thuốc chống nhiễm trùng cho họ. Theo quy trình, mỗi khi tiêm xong cho một nạn nhân, chiếc xi lanh (loại bơm tiêm bằng kim loại) phải được khử trùng bằng nước sôi. Nhưng hôm đó số nạn nhân quá đông, lại cấp cứu ngay hiện trường, thiếu đủ thứ, nên chúng tôi chỉ còn cách rửa xi lanh bằng nước lã, rồi cứ thế tiêm cho các nạn nhân đến cuối giờ chiều. Sau đó, số bệnh nhân còn lại được chuyển về bệnh viện, chúng tôi tiếp tục cấp cứu họ suốt đêm hôm đó và những ngày sau, nhưng vẫn thêm nhiều người tử vong vì vết thương quá nặng".

"Hãy tôn vinh những người hi sinh vì Tổ quốc"

Chỉ biết là rất nhiều, rất đau thương, nhưng hiện nay, chưa có thống kê nào ghi lại chính xác con số về những người nằm xuống, bị thương trong cuộc oanh kích tàn khốc đó. Lật lại những trang báo ấn hành tháng 6/1972 từ Thư viện tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi chỉ tìm thấy những dòng tin ngắn về sự kiện này, mà không tìm được những con số chi tiết về sự hi sinh và thương vong cụ thể, vì những lí do khác nhau trong sự nghiệp kháng chiến.

Có một thực tế là, đến nay, nhiều nạn nhân trong vụ thảm sát của bom Mỹ ngày 14/6/1972 đã được giải quyết chế độ chính sách, nhưng vẫn còn nhiều nạn nhân chưa được hưởng chế độ gì, nên sau 37 năm, bức tranh bi tráng về sự kiện này chỉ được vẽ lại qua hồi ức của những người trực tiếp tham gia trên công trường còn sống sót sau loạt bom khốc liệt của kẻ thù.

Trong kí ức của những người còn sống, những người thiệt mạng phần đông là nữ, tuổi mười tám, đôi mươi, bởi loạt bom khốc liệt nhất rải đúng vào đội hình những nữ sinh, giáo sinh các trường Trung cấp thương nghiệp, Trung cấp Y tỉnh Thanh Hóa và giáo viên của thị xã, huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa đang chuyền đất đắp đê.

"Bạn bè, đồng nghiệp của chúng tôi đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa kịp đem kiến thức của mình cống hiến cho sự nghiệp cứu người, trồng người như tâm nguyện. Sau trận thảm sát kinh hoàng đó, hầu hết những người tham gia công trường còn sống đều bị thương, nhưng đều nỗ lực làm tốt hơn công việc để làm thay và tri ân người nằm xuống. Bản thân tôi chứng kiến, có nhiều giáo viên bị thương nặng, nhưng sau khi được điều trị tại bệnh viện đã vội vã trở lại bục giảng vì nhớ trường lớp và học trò. Những năm sau đó, một số người vì vết thương tái phát đã chết ngay trên bục giảng, tay vẫn còn cầm phấn trắng" - bà Nguyễn Thị Lan (giáo viên nghỉ hưu) bật khóc.

Các nhân chứng trong vụ thảm sát của máy bay Mỹ vào sáng 14/6/1972. Ảnh: Lê Quân.

Luôn đau đáu và là người đầu tiên đề xuất về việc tìm hiểu kĩ càng sự hi sinh bi tráng này để ghi ơn và tôn vinh những người có công với Tổ quốc là họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Bảo. Họa sĩ Phan Bảo là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa.

Ông Bảo cho biết: "Khi Thành ủy Thanh Hóa mời tôi tham gia vào Tổ tư vấn khoa học lịch sử, khảo cổ để viết lịch sử thành phố, ở phần về chiến tranh chống Mỹ, tôi đã đề xuất đưa sự kiện này vào. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi và Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa Hoàng Văn Hoằng rất ủng hộ và cổ vũ. Phối hợp với phóng viên các báo, đài, tôi cùng các đồng sự ở Công ty TNHH Tuấn Việt đã tìm gặp các nhân chứng, sưu tầm tư liệu. Ai cũng nhiệt tình và cố gắng hết mình, tất cả vì mong muốn duy nhất: Tri ân và tôn vinh những người đã hi sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Vì số đông những người hi sinh là nữ, đặc biệt phần lớn là những thiếu nữ trinh trắng, tôi cũng nêu ý tưởng tôn vinh họ bằng một ngôi đền mang biểu tượng hoa huệ trắng, đang chờ cơ quan chức năng xem xét để sớm triển khai".

Theo các tài liệu thống kê, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Thanh Hóa phải hứng chịu hơn 20.000 tấn bom đạn, có hơn 43.000 liệt sĩ, 19.000 thương binh, hơn 20.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam và hơn 20.000 người dân vô tội bị sát hại và bị thương. Chưa kể rất nhiều liệt sĩ ở các địa phương khác cũng chiến đấu và hi sinh trên đất Thanh Hóa, cùng hàng loạt cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, đường sá, cầu cống, nhà cửa bị tàn phá nặng nề.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: "Những hy sinh, mất mát của đồng bào chiến sĩ cả nước và Thanh Hóa nói riêng trong kháng chiến chống Mỹ để bảo vệ cầu Hàm Rồng, bảo vệ tuyến đê Nam Ngạn- Hàm Rồng là rất to lớn và đáng tự hào. Sự hi sinh của hàng trăm giáo viên, nữ sinh các trường học của tỉnh vào sáng 14/6/1972 bởi bom Mỹ rất cần được tôn vinh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng nhanh chóng sưu tầm tư liệu, lập danh sách thật chính xác để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết chế độ chính sách cho những người đã hi sinh, đang bị thương hay đã tham gia trong sự kiện này. Tỉnh sẽ xây dựng một công trình tưởng niệm các nạn nhân của sự kiện này để tỏ lòng tri ân, thành kính trước vong linh của những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Bên cạnh đó, cũng là hành động thiết thực thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau"

Lê Quân
.
.
.