Cần thi công khẩn trương dự án "Vệ sinh môi trường nước TP HCM"

Thứ Hai, 28/04/2008, 16:19
Dự án "Vệ sinh môi trường nước TP Hồ Chí Minh", là một dự án đặc biệt quan trọng nhằm giải quyết tình trạng ngập úng trên toàn khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có diện tích hơn 33km2, nằm trong địa bàn các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp.

Khi dự án hoàn thành, môi trường sống của hơn 1,2 triệu dân sẽ được cải thiện, nạn ô nhiễm trên kênh rạch sẽ được giải quyết, sức khỏe cộng đồng được nâng cao,  bộ mặt đô thị được chỉnh trang, giá trị đất dọc hai bờ kênh cũng được tăng lên gấp bội.

Theo các hiệp định đã được ký kết, thời gian thực hiện dự án bắt đầu từ năm 2002 và kết thúc vào cuối năm 2007 nhưng do nhiều nguyên nhân, cho đến nay, dự án mới chỉ đạt khoảng 30-40% kế hoạch.

Hai gói thầu quan trọng làm ì ạch

Gói thầu số 7 "Xây dựng tuyến cống bao, thiết bị tách dòng và miệng xả ngầm" do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận gặp phải nhiều khó khăn về địa chất, thiết bị hư hỏng nặng nên tiến độ hết sức chậm chạp, đến nay mới đạt khoảng 60% khối lượng công việc. Để khắc phục, UBND TP Hồ Chí Minh đã phải tổ chức họp với các bên liên quan để tìm ra giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Theo đề nghị của Sở GTCC, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định cho nhà thầu vay 1 triệu USD để giải quyết khó khăn về tài chính. Tại gói thầu số 8 "Xây dựng trạm bơm", nhà thầu xây dựng phải lắp đặt bơm nước thải công suất 64.000m3/h, cung cấp và lắp đặt các công trình cơ điện gồm 6 khung lược rác cơ học và 12 máy bơm chìm có công suất 6.400m3/h. Gói thầu này cũng thi công ì ạch.

Tiến độ thi công các gói thầu không đồng đều

Công tác cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (gói 10) bao gồm nạo vét 1 triệu m3 đất bùn, mở rộng và xây dựng gần 17km kè hai bên bờ kênh nhằm nâng cao khả năng tiêu thoát nước, giảm ngập úng.

Bên cạnh đó còn có 10 gói thầu thi công, thay thế và mở rộng hệ thống cống trên toàn lưu vực. Các gói thầu này phải đào khoảng 64km đường để lắp đặt cống thoát nước cấp 2, cấp 3 với đường kính 600mm trở lên đối với cống tròn, cống hộp phải có kích thước 2mx5m nhằm tăng công suất thủy lực của hệ thống thoát nước mưa.

Do hệ thống cống thoát nước mưa nằm trong địa bàn 7 quận nội thành, nên các nhà thầu phải thi công trong hoàn cảnh đường sá chật chội, nạn kẹt xe ngày càng gia tăng khi TP cho phép chắn đường bằng rào tôn khu vực thi công.

Để đảm bảo cuộc sống cho người dân TP, hiện tại, các nhà thầu chỉ được phép đào đường và đặt cống từ 21h đến 5h sáng. Các xe chở đất, cát, đá phục vụ thi công chỉ được phép chạy ban đêm nên suốt cả ngày các công trình dường như không hoạt động.

Khó khăn lớn nhất mà các nhà thầu đang gặp phải là có quá nhiều công trình ngầm (ống nước, ống cáp điện, cáp quang, cống thoát nước, hố ga…) chôn dọc ngang ở nhiều tuyến phố, giải quyết các sự cố này là cả 1 sự nan giải bởi thiếu sự phối hợp cần thiết của các đơn vị liên quan. Mặt khác, khi toàn TP trở thành "đại công trường", việc cung cấp ống cống, cát đá, nhựa đường… cũng trở nên hết sức căng thẳng. 

Theo đánh giá của Ban QLDA, hiện có nhiều nhà thầu đã và đang hết sức cố gắng, tổ chức sản xuất hợp lý và có nhiều sáng tạo nên đạt chất lượng cao. Điển hình như các gói thầu 11A2, 11A1, 12B1 do các nhà thầu Công ty cổ phần Kỹ thuật xây dựng HN; liên doanh Công ty cổ phần Tàu cuốc và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5; Tổng Công ty Xây dựng số 1 đã và đang dẫn đầu về năng suất lao động, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, tái lập mặt đường nhanh, đẹp, bảo đảm an toàn cho lưu thông.

Thế nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều gói thầu (như các gói thầu 12A, 13A của Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng) chẳng hiểu vì lý do gì cứ ì ạch. Nhiều gói thầu khác thì trong tình trạng "rùa bò".

Ban QLDA và Sở GTCC đang đề nghị UBND TP cho phép các xe tải tham gia thi công được hoạt động vào ban ngày để các nhà thầu có thể thi công liên tục, vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa giảm bớt chi phí thiết bị, nhân lực để cuối tháng 5/2008 hoàn thành các hạng mục cần thiết để Ngân hàng Thế giới xem xét, chính thức gia hạn tài trợ vốn cho dự án đến hết năm 2009

Lê Anh
.
.
.