Cần phạt nặng hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ

Thứ Ba, 20/09/2005, 07:57

Mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng, nhưng hầu hết các vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ khi bị phát hiện, xử lý chỉ bị phạt từ 5 - 12 triệu đồng.

“Để trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định TRIPS (Hiệp định về khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ ). Trong tất cả các hợp đồng liên doanh đầu tư, chuyển giao mua bán kỹ thuật công nghệ, thương mại, đối tác nước ngoài luôn đưa các điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vào hợp đồng… Như vậy, quyền SHTT trở thành điều kiện bắt buộc cho các quốc gia khi hội nhập sân chơi thương mại quốc tế", bà Trương Thuỳ Trang - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh cho biết tại cuộc tọa đàm về "SHTT với doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”.

Thực tế cho thấy, dù đã được các ngành chức năng cảnh báo về rủi ro trong vi phạm SHTT, nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn ít chú trọng vấn đề này và đã có nhiều vụ tranh chấp xảy ra, gây tổn thất đến uy tín của doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn là nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan làm rối loạn thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, lực lượng QLTT cùng với Công an các cấp đã tích cực kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm SHTT. Nhưng vì lợi ích trước mắt nên nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm SHTT ngày càng tăng.

Như vụ sản xuất, lắp ráp đồng hồ đeo tay giả các nhãn hiệu nổi tiếng ở đường Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, QLTT 3B và Công an phường 14, quận 3 đã bắt quả tang tại đây đang tổ chức làm giả các nhãn hiệu đồng hồ: Omega, Benrus, Rolex, Tudor, Omos, Blane - Pain… Tại hiện trường có 1.204 mặt đồng hồ các hiệu, 1.870 phụ kiện lắp ráp đồng hồ và nhiều phương tiện làm giả đồng hồ. Tất cả tang vật đã bị cơ quan chức năng thu giữ để xử lý.

Tại hội thảo "Thực thi quyền SHTT" tổ chức ngày 13/9 tại Tp. Hồ Chí Minh, Đại tá Phạm Hùng Chiến - Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết: Hiện nay, tình hình tội phạm xâm phạm quyền SHTT, sản xuất và buôn bán hàng giả đang có chiều hướng gia tăng với những thủ đoạn tinh vi. Từ năm 1986 đến nay, lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV phát hiện và xử lý 5.574 vụ xâm phạm SHTT thì trong đó chủ yếu là các vụ hàng giả, vi phạm SHTT.

Việc xử lý của các cơ quan chức năng còn quá nhẹ so với tính chất vi phạm là một trong những kẽ hở để các tổ chức, cá nhân tiếp tục vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả và SHTT. Chẳng hạn như những vụ vi phạm về kiểu dáng của các loại xe hãng Honda với số lượng vi phạm khoảng hơn 3.000 xe.

Theo quy định, mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng, nhưng hầu hết các vụ vi phạm khi bị phát hiện, xử lý chỉ bị phạt từ 5-12 triệu đồng... Trong khi những trường hợp vi phạm thường có số lượng lớn với hàng trăm chi tiết (vi phạm nhiều nhất là chi tiết nhựa, trị giá khoảng 1 triệu đồng/bộ) thì với mức phạt như trên chẳng thấm vào đâu.

Xử lý vi phạm SHTT cần theo hướng giảm dần giải quyết xử phạt hành chính như hiện nay, tăng tỷ lệ xử lý tại tòa án và có những hình phạt thật nặng ngay lần đầu phát hiện trường hợp vi phạm để họ không còn ý định tái phạm. Đó là kiến nghị của nhiều doanh nghiệp khi nói về vấn đề bảo hộ quyền SHTT

Thúy Hà
.
.
.