Cần phát động chiến dịch hành khách giám sát lái xe

Thứ Hai, 04/06/2012, 09:01
Sau khi đăng loạt bài “Để tránh tai nạn, hành khách tự bảo vệ mình như thế nào?”, nhiều ý kiến cho rằng: Ủy ban ATGT Quốc gia và các ngành có liên quan cần phải phát động chiến dịch “hành khách tham gia giám sát lái xe” để ngăn ngừa và hạn chế vi phạm cũng như TNGT. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần phải nhập cuộc một cách quyết liệt hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Đang nghiên cứu để triển khai vấn đề hành khách giám sát lái xe như Báo CAND nêu

Hiện nay trách nhiệm của các đơn vị vận tải về quản lý đội ngũ lái xe, bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay chúng tôi cũng đang lập đề án đổi mới quản lý hoạt động vận tải theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.

Trong đề án đó, chúng tôi sẽ xử lý sâu hơn nữa về trách nhiệm quản lý của đơn vị kinh doanh vận tải đối với đội ngũ lái xe khách như Báo CAND đề cập. Đây là một đề tài hay và hiện nay chúng tôi cũng đang nghiên cứu. Ý tưởng của chúng tôi, trong đề án đổi mới quản lý vận tải theo hướng hiện đại dự kiến áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động vận tải.

Theo đó tất cả cam kết liên quan đến chất lượng vận tải như tổ chức quản lý, giá cước, thông tin về hành trình của đơn vị vận tải sẽ được đăng tải trên hệ thống cơ sở dữ liệu để trên cơ sở đó hành khách có thể lựa chọn hành trình phù hợp, và giám sát việc chất lượng dịch vụ mà đơn vị kinh doanh đã cam kết thực hiện.

Tôi cho rằng đấy là giải pháp quan trọng nhất trong việc quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Vì chỉ khi nào tạo được cơ chế, để thị trường tự đào thải những xe kém chất lượng, không an toàn thì lúc đó sự chuyển biến mới vững chắc.

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải hành khách để hạn chế TNGT. (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam: Trung tâm quản lý thiết bị, thông tin - dữ liệu chung sát cánh cùng hành khách ngăn chặn vi phạm

Việc ngăn chặn hành vi vi phạm của các tài xế xe khách, vai trò của hành khách là hết sức quan trọng. Bởi, chính hành khách là người phát hiện, giám sát lỗi vi phạm của tài xế. Tuy nhiên, để ngăn ngừa triệt để những lỗi vi phạm có liên quan đến tài xế, việc lắp thiết bị giám sát hành trình – “hộp đen” là rất cần thiết. Đây chính là một trong những cứ liệu để chủ doanh nghiệp, cơ quan chức năng sử dụng xử lý các lỗi vi phạm của tài xế.

Bên cạnh vai trò của hành khách, “hộp đen” cần gắn chặt với Trung tâm quản lý thiết bị, thông tin – dữ liệu chung. Trung tâm này sẽ quản lý phát hiện, xử lý mọi diễn biến liên quan đến “hộp đen” qua hệ thống quản lý trực tuyến. Qua đó giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, ngăn chặn tai nạn xe khách xảy ra. 

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an): Doanh nghiệp vận tải phải quan tâm tới đạo đức nghề nghiệp của lái xe

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ- đường sắt (Bộ Công an).

Thời gian qua, trong hoạt động vận tải hành khách, một số doanh nghiệp vận tải nhỏ, tư nhân chất lượng xe còn kém, chưa quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp của người lái xe; ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của lái xe chưa cao; tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu vẫn diễn ra nhiều; cộng với thói quen của người dân khi có nhu cầu đi xe không vào các bến xe để mua vé, mà đứng ở các ngã ba, ngã tư, các cây xăng trên quốc lộ để đón xe còn diễn ra phổ biến…

Đây chính là những nguyên nhân tiềm ẩn TNGT liên quan đến xe khách như hiện nay. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của lái xe, hành khách cũng cần “sửa” ngay những hành vi tiếp tay cho vi phạm tài xế xe khách như: không tố giác lái xe, không vào bến mua vé…

Ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Bến xe Lương Yên (Hà Nội): Hành khách hãy mạnh dạn lên tiếng, tự bảo vệ mình

Đối với các nhà xe vi phạm (tự ý nâng giá vé sai quy định, phóng nhanh vượt ẩu, nhồi nhét hành khách), Bến luôn quán triệt việc xử lý nghiêm các vi phạm. Tuy nhiên, do đặc thù quản lý, thế nên trong quá trình tham gia vận tải hành khách trên tuyến, việc lãnh đạo Bến phát hiện vi phạm của lái xe chỉ có thể thông qua hành khách (chiếm đa phần)… Mặt khác, để ngăn ngừa những phát sinh không đáng có, hành khách cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm hướng dẫn vào bến mua vé. Lẽ vì, khi có vé, tức là hành khách đã có những quyền lợi riêng đi kèm với mình… 

Hành khách cần lên tiếng để hạn chế những vụ tai nạn thảm khốc. Ảnh: Trần Huy.

Ngày 1/6, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội đã gửi kiến nghị đến Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT, Bộ Công an... trong đó nêu rõ: Trong những ngày gần đây, trên báo chí phản ánh nhiều phương tiện vận tải chạy tuyến Bắc - Nam, nhà xe dồn khách lên xe quá tải, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng và “hành xác” hành khách trên tuyến đường dài hơn 1.000km.

Trước tình trạng này, Hiệp hội đề nghị cơ quan quản lý tuyến xử lý nghiêm khắc các doanh nghiệp để xảy ra vi phạm. Ngoài việc xử phạt hành chính, cần thu hồi giấy phép kinh doanh, cắt tuyến nốt để loại ra khỏi tuyến những đơn vị không đủ năng lực quản lý.

Ngoài phương án lâu dài nói trên, trước mắt, Hiệp hội cũng đề xuất và kiến nghị một số giải pháp thực hiện trong 6 tháng còn lại của Năm an toàn giao thông – 2012, cụ thể:  Đề nghị Tổng cục Đường bộ công bố “Đề án quản lý hiện đại vận tải đường bộ” để phổ biến rộng rãi cho các cơ quan quản lý tuyến, người tham gia giao thông biết, bàn bạc, thảo luận và thực hiện.

Trước mắt: Tổng cục Đường bộ Việt Nam chọn tuyến vận tải đường bộ Bắc - Nam làm tuyến trọng điểm, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực quản lý, năng lực phương tiện, năng lực tài chính tham gia tuyến vận tải Bắc - Nam. Đối với các doanh nghiệp nhỏ lẻ không đủ năng lực, cần cơ cấu lại tổ chức: sáp nhập thành các đơn vị lớn hoặc ngừng hoạt động trên tuyến.

Chọn tuyến vận tải: Hà Nội – Sài Gòn là tuyến mẫu, các tỉnh, thành lựa chọn những bến xe có năng lực để tổ chức tiếp nhận phương tiện, bán vé cho khách trên tuyến, bố trí nơi dừng nghỉ cho khách và các dịch vụ phục vụ vận tải.

Đến cuối năm 2012, Tổng cục Đường bộ thẩm định lại và chấp thuận cho các đơn vị tiếp tục hoặc tham gia bổ sung hoạt động trên tuyến; đối với tuyến xương cá dọc QL1 Bắc – Nam, đề nghị Tổng cục Đường bộ giao cho cơ quan quản lý tuyến tỉnh, thành thẩm định kỹ và bảo lãnh trước khi trình Tổng cục Đường bộ chấp thuận (sau khi đã khảo sát lưu lượng hành khách, số lượng phương tiện tham gia, năng lực quản lý của đơn vị vận tải và sắp xếp tần suất phù hợp); đối với các tỉnh, thành, đề nghị mỗi địa phương chọn một số tuyến trọng điểm để xây dựng tuyến mẫu, sau đó triển khai dần ra các tuyến…

Thanh Huyền- Trần Huy
.
.
.