Cân nhắc kỹ càng việc tăng học phí

Thứ Năm, 14/05/2009, 15:53
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh đề án tăng học phí “cần thực hiện theo lộ trình cùng với lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo”. Ông cũng cho rằng: Việc áp dụng khung học phí mới ngay từ năm học 2009 - 2010 là điều cần cân nhắc…

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố "Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo" (còn gọi đề án tăng học phí), ngày 12/5, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có phiên họp thẩm tra sơ bộ bản đề án này. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết:

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ GD&ĐT báo cáo, Thường trực Ủy ban đã thẩm tra sơ bộ. Trong thời gian họp Quốc hội (từ 20/5 tới giữa tháng 6), Ủy ban sẽ tổ chức phiên họp toàn thể để có ý kiến chính thức trước khi trình Quốc hội.

Qua ý kiến ban đầu, nhìn chung, Thường trực Ủy ban ủng hộ đề án này. Tuy nhiên, đề án xác định nguyên tắc học phí và các khoản chi khác cho con em đi học không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình nhưng không nói rõ 6% đó là chi phí cho mỗi người con hay tất cả các con trong gia đình đi học. Thứ hai, đề án chưa phân biệt khu vực giáo dục phổ cập với khu vực mở rộng. Đề án không quy định mức trần học phí và cơ cấu các khoản chi từ học phí cho các trường ngoài công lập. Việc áp dụng khung học phí mới ngay từ năm học 2009 - 2010 là điều cần cân nhắc…

- Bộ GD&ĐT khẳng định: Nguyên tắc xác định học phí đối với chương trình đại trà ở giáo dục mầm non và phổ thông là học phí và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập không vượt quá 6% thu nhập của hộ gia đình. Quan điểm của Giáo sư về chủ trương này?

- Theo kết quả khảo sát của Bộ, chi phí cho con đi học phổ thông ở các nước phát triển chiếm từ 2% đến 10% thu nhập hộ gia đình, ở các nước đang phát triển chiếm từ 1,9% đến 7,95%. Ở Việt Nam, tính ra một gia đình thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng phải chi cho con đi học 120.000đ/tháng; thu nhập bình quân dưới 650.000 đ/tháng không đủ tiền cho con đi học, sẽ được miễn học phí; thu nhập bình quân dưới 508.000đ/tháng thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ từ 13.000đ/tháng đến 50.000 đ/tháng. Giải pháp này theo tôi là hợp lý. Ngân sách Nhà nước chi 20% cho giáo dục, mỗi nhà chi 6% cũng là bình thường.

- Khung học phí đại học so với mức hiện hành là cao từ 2-3 lần. Mức này liệu đã phù hợp trong điều kiện hiện nay?

- Khung học phí đại học, cao đẳng được xây dựng từ năm 1998 cho đến nay chưa thay đổi, trong khi đó mức giá tiêu dùng bình quân đã tăng 1,62 lần. Nói chung, học phí thu thấp thì ngân sách phải bù nhiều. Mỗi năm nước ta chỉ có chừng 10% học sinh tốt nghiệp phổ thông được vào đại học, cao đẳng. Không tăng học phí để bù đắp cho ngân sách có nghĩa là phải lấy đóng góp của toàn dân trợ giúp 10% này. Vấn đề làm nhiều người băn khoăn là khả năng chi trả của sinh viên nghèo thì nay Chính phủ đã giải quyết được bằng cách cho sinh viên vay tín dụng. Tuy nhiên, trần của khung học phí mới ở đại học, cao đẳng cao gấp 3 - 4 lần mức trần và gấp 5 - 7 lần mức sàn hiện nay, học phí của các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề cũng cao hơn mức hiện nay nhiều. Theo tôi, cần thực hiện theo lộ trình cùng với lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo.

Chính sách đối với giáo viên có gì đáng chú ý, thưa Giáo sư?

- Đề án có nhiều ưu đãi với HSSV nhưng chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn chưa rõ. Đầu năm nay, tôi được mời dự một hội nghị về giáo dục nông thôn do WB tổ chức ở  Philippines. Tôi đặc biệt chú ý đến báo cáo của hai đoàn Hàn Quốc và Trung Quốc vì cả hai nước đều áp dụng chính sách rất đặc biệt đối với giáo viên phục vụ ở nông thôn: được cấp nhà công vụ và trang bị tối thiểu… Để nâng cao chất lượng giáo dục, rất cần chú ý cải thiện đời sống, điều kiện làm việc của giáo viên ở những vùng này.  

- Xin cảm ơn Giáo sư!

Phan Trường
.
.
.