Cần minh bạch thông tin trong kinh doanh đa cấp

Thứ Hai, 17/06/2019, 08:04
Đó là nội dung trọng tâm được đưa ra tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Báo chí với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp - Minh bạch và công bằng thông tin” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 14-6. Mô hình kinh doanh đa cấp có lịch sử lâu đời ở Mỹ nhưng khi về Việt Nam đã bị nhiều biến tướng.


Theo nhà báo Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, trong thời gian vừa qua, hoạt động kinh doanh đa cấp đang được dư luận hiểu là một hoạt động kinh doanh không minh bạch, còn mang tính “chộp giật”. Thực tế cho thấy, bên cạnh một số doanh nghiệp làm ăn chưa minh bạch còn nhiều doanh nghiệp đa cấp làm ăn chính đáng.

Theo bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội bán hành đa cấp Việt Nam, năm 2017 doanh thu của ngành là 8.000 tỷ đồng. Năm 2018, mặc dù số doanh nghiệp bị giảm từ 67 xuống còn còn 23 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp nhưng doanh thu vẫn là hơn 10.000 tỷ đồng.

Lực lượng Công an điều tra, làm rõ một đường dây kinh doanh đa cấp biến tướng lừa đảo qua mạng.

“Khi nói về vấn đề kinh doanh đa cấp bất chính, nhiều người chỉ dùng một cụm từ chung chung là bán hàng đa cấp nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính bị ảnh hưởng. Hành vi bán hàng đa cấp bất chính là việc lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp nhưng nói quá về công dụng sản phẩm, cao hơn là lừa đảo. Tuy nhiên, khi báo chí đưa tin thì lại chỉ nói chung chung là bán hàng đa cấp”, ông Phạm Văn Cao, Trưởng phòng Điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết.

Nhà báo Nguyễn Thiêm, Phó trưởng Ban Chuyên đề Báo Công an nhân dân chia sẻ, có một thực tế là khi báo chí tiếp cận đề tài liên quan đến kinh doanh đa cấp phần lớn lại là từ nạn nhân tố cáo lừa đảo. Mô hình kinh doanh đa cấp là một mô hình tiên tiến tuy nhiên khi về đến Việt Nam đã bị biến tướng.

Người dân chưa nhận rõ đặc thù loại hình kinh doanh, nhà nước chưa có hành lang pháp lý để quản lý. Ví dụ như vụ việc MB24 kinh doanh gian hàng ảo trên mạng dưới hình thức đa cấp, người dân không biết dùng máy tính và không hiểu kinh doanh như thế nào nhưng vẫn tham gia.Lý do người dân tham gia là do lợi nhuận “khủng”.

Như vậy, lỗi đầu tiên là do doanh nghiệp không đưa tin chính xác, chỉ đưa ra lợi nhuận cao để lôi kéo người dân. Theo nhà báo Nguyễn Thiêm, yêu cầu trước tiên là doanh nghiệp phải rất minh bạch, cung cấp cho tất cả người tham gia khi tham gia phải có kiến thức như thế nào, chuẩn bị tiềm lực ra sao, chứ không chỉ tuyên truyền về lợi nhuận “khủng” như thời gian vừa qua.

Còn luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, người đã có nhiều năm làm việc liên quan tới các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp, đã thụ lý các vụ việc với nhiều nạn nhân chia sẻ: “Thông tin tiêu cực đang làm mô hình kinh doanh đa cấp trở nên… xấu xí. Người dân chỉ cần nghe thấy bán hàng đa cấp là chạy. Nguyên nhân trước hết là do bản thân doanh nghiệp”.

Hiện nay, nhằm tập trung tính minh bạch của bán hàng đa cấp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phải có website cung cấp thông tin thường xuyên, có hệ thống công nghệ thông tin quản lý người tham gia, chi trả hoa hồng phải qua ngân hàng. Hoạt động bán hàng đa cấp đi vào bản chất. Như vậy, theo Nghị định 40, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp muốn hoạt động được thì phải minh bạch mọi thông tin ngay từ ban đầu.

Nguyễn Hương
.
.
.