Cần khẩn cấp bảo vệ rừng ngập mặn ở ĐBSCL

Thứ Hai, 30/07/2012, 19:42
Mỗi địa phương phải rà soát lại quy hoạch hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, quy hoạch sử dụng đất để thống nhất quản lý giữa lâm nghiệp, thủy lợi, đê điều, thủy sản.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có khoảng 92.000ha diện tích rừng ngập mặn (Cà Mau chiếm 70,2%, còn lại phân bố rải rác dọc theo ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Tiền Giang). Trong đó rừng đặc dụng chiếm 12,3%, rừng phòng hộ chiếm 56,6%, rừng sản xuất chiếm 31,1%. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích rừng ngập mặn có chiều hướng giảm, do nạn phá rừng gia tăng. Vì vậy, nếu không có biện pháp bảo vệ rừng sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với những tỉnh ven biển…

Khi thu nhập của người dân được nâng cao, họ sẽ ra sức trồng và bảo vệ rừng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNN) cho biết, từ năm 2000-2010, tổng diện tích rừng trồng bị thiệt hại tại ĐBSCL là 11.785 ha do nạn chặt phá. Tình hình phá rừng ngập mặn ở một số nơi tăng lên. Tại Bến Tre, năm 2011 số vụ vi phạm pháp luật về nạn chặt phá rừng tăng 23 vụ so với năm 2010; Bạc Liêu trong năm 2011 xảy ra 37 vụ chặt cây rừng…

Tình trạng xói lở bờ biển và lan truyền của nước mặn vào sâu trong nội đồng cũng ảnh hướng đến sự sống của rừng ngập mặn. Ngoài ra, do ý thức bảo vệ rừng của người dân còn kém nên đã xảy ra hiện tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để nuôi tôm, khai thác lâm đặc sản (bắt sâm đất ở Bến Tre, khai thác nghêu, cá kèo, cua giống… ở Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng) nên làm cho một số khu rừng ngập mặn bị đảo lộn.

Ông Nguyễn Quang Dương, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm diện tích và chất lượng rừng ngập mặn. Trong đó, do hệ thống tổ chức, cơ chế chính sách và các giải pháp để bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn ven biển còn chưa phù hợp”.

Hằng năm, các tỉnh ĐBSCL đã trồng lại rừng để bù vào diện tích mất đi, từ năm 1998-2010, toàn vùng đã trồng rừng mới và đã trồng lại được hơn 18.000ha rừng phòng hộ (chủ yếu là các loại cây rừng ngập mặn). Tuy nhiên, do sự lựa chọn cây trồng không phù hợp dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng.

Ông Võ Đình Tuyên, Chuyên viên chính Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) cho rằng cần cố gắng giữ lại nguồn rừng đã có và tìm nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Từ đó, trả nguồn vốn hàng năm cho người giữ rừng để họ đảm bảo thu nhập, ra sức bảo vệ rừng. Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT (nguyên là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp) thì mỗi địa phương phải rà soát lại quy hoạch hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, quy hoạch sử dụng đất để thống nhất quản lý giữa lâm nghiệp, thủy lợi, đê điều, thủy sản. Đồng thời cần quan tâm đến vấn đề kinh tế cho nhân dân và ngăn chặn triệt để nạn chặt phá rừng

V.Vĩnh - C.K.
.
.
.