Cần hành lang pháp lý tốt hơn để bảo vệ nhà báo

Thứ Bảy, 11/07/2015, 11:51
Ngày 10/7, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội (UBVHGDTNTN&NĐ) đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về dự án Luật Báo chí sửa đổi.

Nhức nhối vấn đề vi phạm bản quyền

Tại Hội nghị, Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương đã thẳng thắn đặt ra một số vấn đề mà Luật Báo chí sửa đổi cần quan tâm, chú trọng. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến vấn nạn vi phạm bản quyền trong lĩnh vực báo chí đang trở nên nhức nhối. Hệ quả là ngày càng tạo ra một đội ngũ những người làm báo a dua, cắt dán và sao chép. Tình trạng này phổ biến nhất ở các trang thông tin điện tử tổng hợp (ĐTTH) đòi hỏi cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp để ngăn chặn và xử lý.

Đồng quan điểm này, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Media JSC cho rằng: Bản quyền trong hoạt động báo chí đang là nỗi nhức nhối lớn hiện nay, tuy nhiên, vấn đề này mới chỉ được đặt ra một cách hời hợt và thiếu tác dụng thực tế trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.

Theo phân tích của ông Vinh, báo chí là một phần của kinh tế sáng tạo. Giá trị của báo chí hoàn toàn nằm ở khả năng bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ các tác phẩm báo chí. Mất quyền tác giả, quyền sở hữu, báo chí mất người đọc, mất luôn doanh thu quảng cáo và các cơ hội khác. 

Trên thực tế, mặc dù có đầy đủ hệ thống pháp lý, luật sở hữu trí tuệ nhưng khả năng thực thi, bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí hầu như là không thể. Các cơ quan báo chỉ có thể dựa vào ý thức tự giác của đồng nghiệp, các hoạt đông vận động tự thân. 

Luật Sở hữu trí tuệ quá rộng và không có văn bản dưới luật nào trực tiếp điều chỉnh hành vi trong lĩnh vực báo chí như đăng lại bao nhiêu phần trăm, dịch bao nhiêu phần trăm từ bản gốc, trích dẫn thế nào, chỉnh sửa hình ảnh ra sao thì coi như vi phạm bản quyền… Đó là lý do vì sao tình trạng đạo tác phẩm báo chí, vi phạm bản quyền diễn ra thường xuyên, liên tục và không có hướng giải quyết. Trong đó, các trang tin ĐTTH là đơn vị xâm phạm bản quyền nhiều nhất.

“Nguyên nhân là các trang tin ĐTTH được luật khuyến khích vi phạm bản quyền. Trên thực tế, các trang tin ĐTTH này do luật không cho phép họ làm nội dung, sẽ nghiễm nhiên xào lại, cóp nhặt bài vở của các trang khác chứ họ không thể tồn tại chỉ với nội dung của 5 tờ báo. Vì số lượng loại website này quá nhiều nên khả năng ngăn chặn nó là rất khó. Nếu luật làm chặt, họ buộc phải làm nội dung thì lại vi phạm giấy phép. Vì vậy, tôi kiến nghị loại bỏ khái niệm trang tin ĐTTH trong dự thảo luật” - ông Vinh đề xuất.

Tác nghiệp trong một hành lang pháp lý mong manh sẽ khiến nhà báo ngần ngại hơn với tiêu cực và tham nhũng. Ảnh minh họa: Thảo Nguyên.

Cần xây dựng quy chế cụ thể

Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT đặt vấn đề: Mặc dù dự thảo Luật Báo chí sửa đổi có cả một chương quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của nhà báo. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ thì nhiều mà quyền hạn của nhà báo thì lại quá ít. Nói cách khác, đây là một vấn đề lớn nhưng chưa được dự thảo Luật Báo chí sửa đổi làm rõ.

Thực tế cho thấy, trong vài năm trở lại đây, các vụ việc, hành vi ngăn chặn, cản trở, thậm chí là hành hung, truy sát nhà báo tác nghiệp diễn ra ngày càng nhiều, mức độ và tính chất vi phạm ngày càng lớn nhưng các điều kiện, quy định xử phạt còn mơ hồ và thiếu cơ sở, không đảm bảo an toàn cho nhà báo tác nghiệp, thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.

“Nên coi tác nghiệp của nhà báo là những người thi hành công vụ hoặc bổ sung tội cản trở nhà báo tác nghiệp bởi hành lang pháp lý mong manh cũng sẽ khiến các nhà báo ngần ngại hơn với các vụ điều tra tiêu cực. Vai trò phản biện của báo chí vì thế cũng sẽ bị suy giảm” - ông Doãn cho hay.

Cũng theo ông Doãn, ngoài các cơ quan báo chí-đối tượng chính chịu tác động trực tiếp, dự thảo Luật Báo chí sửa đổi cũng cần phải tính đến việc mở rộng ra đối với các đối tượng hoạt động mang tính chất báo chí. Đó có thể là các trang tin ĐTTH, mạng xã hội… bởi thực tế cho thấy, có những tài khoản cá nhân trên mạng xã hội hiện có tác động lan tỏa còn lớn hơn nhiều cơ quan báo chí.

“Việc quản chặt báo chí, không cho phép đề cập đến các vấn đề nhạy cảm, trong khi vẫn thả lỏng cho các trang mạng vô hình trung sẽ khiến độc giả không đọc báo chí chính thống mà quay sang tìm kiếm thông tin trên mạng để thỏa mãn nhu cầu”- ông Doãn nhấn mạnh.

Từ phía đơn vị chủ trì hội nghị, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cũng khẳng định: Mục đích của việc ban hành Luật Báo chí sửa đổi không chỉ là để quản lý tốt hơn báo chí mà còn tạo điều kiện cho báo chí phát triển và hội nhập. Do vậy, các vấn đề mà các đại biểu đề cập trong hội nghị hôm nay như vấn đề bản quyền, cơ chế bảo vệ nhà báo tác nghiệp cũng như cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí, trong đó có việc các cơ quan chức năng “né” cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai cho báo chí sẽ được đưa vào kiến nghị để ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo Luật Báo chí sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào tháng 8 tới.

Không nên tiếp tục bao cấp tràn lan cho báo chí

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cho rằng: Đại bộ phận báo, đài hiện nay vẫn được nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần về nhân sự, trụ sở, trang thiết bị, chi phí in ấn và được phát hành tới các đơn vị hành chính, tổ chức xã hội cũng bằng ngân sách nhà nước. Số cơ quan báo chí tự cân đối được thu chi chỉ khoảng trên dưới 10 đơn vị với khoảng vài chục ấn phẩm báo chí, một vài đài PTTH có khán giả thường xuyên. Bên cạnh đó, rất nhiều Bộ, ngành đang chạy đua thành lập các đài truyền hình riêng của mình. Có thể nói đây chính là hệ quả của chính sách bao cấp tràn lan, thiếu quy hoạch hợp lý trong một thời gian dài, gây lãng phí lớn về thời gian, công sức, tiền của cần sớm được khắc phục. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này không những không đưa ra được quy định điều chỉnh tình trạng nói trên mà còn tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và chi phí xã hội bằng quy định tại Điều 7 về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí với nguồn thu chính từ hỗ trợ ngân sách nhà nước.

Huyền Thanh
.
.
.