Cần đấu thầu việc thu gom rác tại Hà Nội

Chủ Nhật, 03/04/2005, 08:26
Ông Đàm Huân, Phó phòng Kinh tế - Kế hoạch quận Long Biên cho biết, ngân sách vệ sinh môi trường của toàn quận năm nay là 15 tỷ đồng, nhưng thực hiện mô hình xã hội hoá thu gom rác thải, dự kiến kinh phí sẽ giảm một nửa.

Công tác xã hội hoá thu gom, vận chuyển rác thải được UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện từ năm 2003, thí điểm tại một số phường của quận Thanh Xuân. Năm 2005, tiếp tục đấu thầu tại hai quận mới Long Biên và Hoàng Mai.

Quận Long Biên đã triển khai đấu thầu thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ tháng 1. Chỉ mới hoạt động theo mô hình mới 2 tháng nhưng so với trước đây, bộ mặt đô thị đã được cải thiện đáng kể. Từ một huyện được tách ra thành lập quận, vấn đề vệ sinh môi trường đô thị thời gian đầu được coi là vấn đề "nóng".

Việc tổ chức đấu thầu thu gom, vận chuyển rác thải tại quận Tây Hồ, Hoàng Mai và Long Biên đã xoá bỏ những bất cập trong công tác vệ sinh môi trường đô thị. Cụ thể là xoá bỏ được sự không công bằng giữa các phường (các thị trấn và các xã cũ); đồng thời buộc các đơn vị tham gia đấu thầu phải có trách nhiệm hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn và mức chi phí bỏ ra thấp nhất.

Trước khi thực hiện mô hình xã hội hoá thu gom, vận chuyển rác thải, công tác vệ sinh môi trường đô thị trong 7 quận nội thành do Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội đảm nhận. Tại các huyện ngoại thành do các xí nghiệp môi trường đô thị trực thuộc UBND huyện phụ trách, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội có hơn 3.000 công nhân viên mỗi ngày thu gom 1.600 - 1.700 tấn rác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trung Dũng, Phó phòng Tổ chức lao động - Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, từ khi thực hiện đấu thầu, địa bàn hoạt động của Công ty bị thu hẹp lại, công nhân viên không có việc làm.

Năm 2003, khi bắt đầu thực hiện xã hội hóa, 132 công nhân của Công ty do không có việc làm đã được chuyển sang HTX Dịch vụ Thăng Long. Nếu theo tiến trình xã hội hoá, Công ty sẽ dư ra gần 400 công nhân.

"Thu nhập hiện nay của công nhân Công ty trung bình 1 triệu đồng/tháng. Nếu không có việc làm, chúng tôi cũng không biết bố trí số lao động dư thừa vào việc gì, cũng không thể "đẩy" công nhân ra đường được", ông Dũng cho biết.

Việc địa bàn bị thu hẹp và số công nhân viên dư thừa của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội là một thực tế. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa lợi ích của 400 lao động và lợi ích của hàng triệu người dân thì việc tiếp tục tổ chức xã hội hoá thu gom rác là cần thiết. Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cũng có thể tham gia đấu thầu như các đơn vị khác và nếu trúng thầu, Công ty vẫn có thể đảm bảo đủ việc làm cho công nhân của mình.

Sáng 16/3, chúng tôi đã khảo sát dọc một số tuyến đường "nóng" về rác thải trên địa bàn Hà Nội. Dọc theo đường 69 - Cổ Nhuế và đường vào Chèm, huyện Từ Liêm, nhiều "bến rác" vẫn tồn tại ngay sát khu dân cư, gây ô nhiễm. Ngay đầu đường xóm 1, xã Cổ Nhuế là bãi đậu của gần chục xe chứa rác đầy ắp, thậm chí, những túi rác được quăng ngổn ngang dưới lòng đường.

Qua lối rẽ đường Nông Lâm vào Học viện Tài chính - Kế toán thuộc xã Đông Ngạc, Từ Liêm cũng nằm án ngữ những chiếc xe kéo rác chiếm gần hết nửa mặt đường. Người dân đi qua đoạn đường này phải đi vòng, "nhường" chỗ cho rác...

Nếu việc đấu thầu được tiến hành ở tất cả các địa bàn thì có lẽ những đống rác lem nhem này sẽ không còn

Ngọc Yến - Lại Nhung
.
.
.