Cần công khai chất phụ gia siêu ngọt trong bột nêm

Thứ Hai, 03/01/2011, 10:45
Việc thông báo rõ thành phần các chất làm nên bột nêm là rất cần thiết, để người tiêu dùng bị dị ứng với các chất hóa học có trong bột nêm tránh sử dụng. Bởi điều này, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng. Với những người nhạy cảm với bột ngọt mà sử dụng bột nêm, nhất là với liều lượng cao, có thể bị choáng, toát mồ hôi, người bàng hoàng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khi tham gia giao thông.

Thông tin về việc bột nêm có thể gây quái thai và rối loạn chuyển hóa vì thành phần có chất I&G được đưa ra trên một số báo gần đây đã khiến người tiêu dùng lo ngại, vì hiện nay, việc sử dụng bột nêm trong ăn uống đang khá phổ biến. Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã liên lạc với đại diện một số cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế, song đã không được như mong muốn, khi chỉ là những câu trả lời không rõ ràng, hoặc là triền miên những cuộc gọi mà không bắt máy của người có trách nhiệm. Vì thế, chúng tôi đã làm việc với một số đại diện của Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam.

Bác sĩ Trần Văn Ký, Ủy viên BCH Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, người có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, cho biết: Hầu hết bột nêm đều là chất phụ gia siêu bột ngọt, có thành phần chính là I&G, loại hóa chất tạo nên độ ngọt cho bột nêm, được nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay, chất này chưa có trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế. Muốn sử dụng, cần phải xin phép và trong từng trường hợp, có thể sẽ được Bộ Y tế cho phép với liều lượng an toàn và yêu cầu phải công khai trên nhãn để người tiêu dùng biết mà quyết định có nên lựa chọn hay không, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì làm từ chất hóa học, nên phụ gia cho bột nêm hoàn toàn không có giá trị về dinh dưỡng, mà chỉ đánh lừa cảm giác cho người dùng, với việc làm cho ăn ngon miệng hơn, chứ không thể thay thế được thịt cá, các chất đạm có nguồn gốc tự nhiên. Bác sỹ Trần Văn Ký cũng nêu ý kiến: Nếu thực sự làm từ thịt, từ xương, giá thành của bột nêm sẽ không thể ở mức như hiện nay.

Từ vài năm trước, khi sự cố một hãng bột nêm bị Thanh tra Bộ Y tế đình chỉ lưu hành vì hành vi lừa đảo người tiêu dùng, khi quảng cáo trên nhãn mác như là một loại bột nêm làm từ thịt và xương, trong khi, xét nghiệm nhanh đã cho thấy loại bột nêm này thực chất chỉ là một loại gia vị với 50% muối, 30% mì chính, bột đạm 13,7%.

Người tiêu dùng nên chọn thực phẩm sạch có nguồn gốc tự nhiên để đảm bảo an toàn.

Dù đến nay, mới dừng ở các thông tin về tác hại của một số phụ gia trong bột nêm, mà chưa có chương trình nghiên cứu chính thức nào, song, các chuyên gia cũng khuyến cáo: để không xảy ra những tác hại ngoài mong muốn, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng bột nêm, vì thực chất chỉ là siêu bột ngọt được làm từ hóa học.

Nhưng trên thực tế, nhiều loại bột nêm hiện lưu hành trên thị trường vẫn có những vi phạm xung quanh việc công khai thành phần. Có những sản phẩm không xin phép Bộ Y tế khi sử dụng các hóa chất tạo độ ngọt cho bột nêm, nhưng vẫn sử dụng và không công khai trên nhãn hàng.

Một số sản phẩm được phép sử dụng, nhưng đã "lách" luật bằng việc không công bố thành phần thực chất của bột nêm trên nhãn để "lập lờ đánh lận con đen" với người tiêu dùng. Phổ biến nhất là việc quảng cáo bột nêm được làm từ thịt, từ xương, là không đúng với bản chất của bột nêm thực ra chỉ là chất hóa học, đã khiến không ít người tiêu dùng lầm tưởng nên đã sử dụng cả cho trẻ em để thay thế chất đạm có nguồn gốc tự nhiên.

Việc thông báo rõ thành phần các chất làm nên bột nêm là rất cần thiết, để người tiêu dùng bị dị ứng với các chất hóa học có trong bột nêm tránh sử dụng. Bởi điều này, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng. Với những người nhạy cảm với bột ngọt mà sử dụng bột nêm, nhất là với liều lượng cao, có thể bị choáng, toát mồ hôi, người bàng hoàng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khi tham gia giao thông. Vì thế, việc không công khai sử dụng phụ gia siêu ngọt là hành vi đáng lên án.

Đặc biệt, các chuyên gia đều khuyến cáo tuyệt đối tránh cho trẻ ăn, vì không nên đưa những hóa chất không cần thiết vào cơ thể trẻ ở độ tuổi đang phát triển, đang hoàn thiện các chức năng, nhất là khi lại không có một giá trị nào về dinh dưỡng.

Tuy nhiên, vì sao cho đến nay, I&G vẫn chưa chính thức có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, hẳn phải có lý do. Hơn nữa, hiện thế giới không cấm, nhưng cũng không khuyến khích sử dụng bột nêm, mà chỉ khuyến khích sử dụng thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, để hạn chế nguy cơ bệnh tật từ phụ gia.

Về thông tin bột nêm có thành phần hóa chất có thể gây quái thai hay rối loạn chuyển hóa, BS Trần Văn Ký cho hay: Có một nhóm các nhà nghiên cứu về độc chất trong thực phẩm của Mỹ đang tiến hành nghiên cứu về tác hại của I&G. Nhưng đến nay, vẫn chưa có công bố chính thức.

Thanh Hằng
.
.
.