Cần có “chuẩn” cho sách giáo khoa

Thứ Tư, 15/04/2009, 17:05
"SGK cần được đa dạng hóa trên sự thống nhất về mục tiêu kiến thức và kỹ năng. Tuy nhiên, cái căn cốt nhất và cũng là điều trăn trở nhất của các nhà khoa học là hiện nay, sau rất nhiều cuộc cải cách giáo dục, sau nhiều lần thay sách, với khoản chi phí khổng lồ, chúng ta vẫn chưa có một CT chuẩn theo đúng nghĩa khoa học..." - GS.TSKH Nguyễn Kế Hào bày tỏ ý kiến.
>> Tìm giải pháp cho chương trình, sách giáo khoa phổ thông

Những ngày gần đây, dư luận đang quan tâm tới sự kiện Bộ GD&ĐT công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục liên quan tới việc ban hành chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) phổ thông để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới. Thay vì một bộ SGK như hiện nay, trong tương lai sẽ có nhiều bộ SGK và việc lựa chọn, sử dụng SGK sẽ do Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định lựa chọn ở địa phương mình, hoặc do các hiệu trưởng lựa chọn…

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế thì việc này sẽ nảy sinh hàng loạt vấn đề...

Nhiều bộ SGK, học sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn cuốn sách tốt nhất

GS.TSKH Nguyễn Kế Hào là một trong những nhà khoa học ủng hộ chủ trương "nhiều bộ SGK". Trả lời báo chí, ông cho rằng, nước ta có bảy vùng kinh tế xã hội, có 54 dân tộc anh em, thì việc sử dụng chung một bộ SGK là không hợp lý, sẽ làm nghèo sức sống và sự phát triển của giáo dục nội tại các vùng miền.

Theo ông, SGK cần được đa dạng hóa trên sự thống nhất về mục tiêu kiến thức và kỹ năng. Tuy nhiên, cái căn cốt nhất và cũng là điều trăn trở nhất của các nhà khoa học là hiện nay, sau rất nhiều cuộc cải cách giáo dục, sau nhiều lần thay sách, với khoản chi phí khổng lồ, chúng ta vẫn chưa có một CT chuẩn theo đúng nghĩa khoa học...

Liên quan đến CT, trao đổi với PV Báo CAND, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích: CT phải được quan niệm như một chỉnh thể xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, nhưng rất tiếc là hiện nay nó được chia thành 3 khúc: Tiểu học, THCS và THPT. Bậc Tiểu học Bộ GD&ĐT từng thiết kế 4 CT khác nhau, gồm CT 165 tuần, 120 tuần, 100 tuần và CT công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Đến năm 2002, Bộ mới gộp thành một CT Tiểu học.

CT THPT cũng từng bị "phân khúc" bởi phân ban. Năm 1993 được chia tách thành 3 ban, nhưng đến năm 1998, phân ban đã bị xóa, khi thông qua Luật GD. Năm 2002, CT THPT này lại phân thành 2 ban - ban tự nhiên (A), ban xã hội (C). Nhưng đến khi mang 2 CT này giảng dạy trong nhà trường, mới vỡ lẽ một điều mà ngành Giáo dục chưa lường trước được. Đó là xuất hiện một xu hướng, nhiều em không vào ban A, cũng chẳng vào ban C. Và trong tình thế "khẩn cấp", ngành phải thiết kế ngay một ban trung gian, còn được gọi là ban cơ bản.

Từ phân tích trên, theo GS Nguyễn Xuân Hãn, chưa bàn đến vấn đề thi cử, CT giáo dục chính thức với nghĩa hẹp rõ ràng chưa thiết kế được. Điều cơ bản nhất lúc này là phải thiết kế lại CT một cách nghiêm túc, nếu không, các bộ SGK sẽ không có điểm tựa xuất phát!

Nhiều bộ SGK cũng đồng nghĩa với việc con em chúng ta có được nhiều sự lựa chọn hơn; HS miền núi chưa nói thông viết thạo tiếng Kinh sẽ có thể tìm học những bộ sách hợp với trình độ của mình, thay vì việc phải học bộ sách giống như học sinh Hà Nội.

Về SGK, theo GS Nguyễn Xuân Hãn cho biết, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, chúng ta đã từng có 3 bộ SGK toán và 2 bộ SGK văn khác nhau cho hai miền Nam Bắc, nhưng khi vận dụng vào thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập. Do đó, để biên soạn được nhiều bộ SGK chất lượng, rất cần phải tham khảo lại kinh nghiệm quá khứ để không "lặp lại vết xe đổ".

Giám đốc Sở hoặc hiệu trưởng chọn SGK: Chưa khả thi!

Khi chúng tôi đặt vấn đề làm thế nào để chọn và thẩm định được bộ SGK tốt nhất cho học sinh, một nhà giáo có uy tín (ông từng là một trong những Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK phổ thông mới) khẳng định: Ngay Giám đốc Sở cũng rất khó để chọn được một bộ sách ưu việt nhất cho học sinh địa phương mình. Về mặt chuyên môn thẩm định, làm sao các Sở có thể "tinh" bằng Bộ, đó là chưa kể những địa phương ở vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn rất hạn chế, không lẽ lại phải mời chuyên gia ở TW về để thẩm định... Và không loại trừ khả năng "liên kết, liên đới" giữa các Sở với các NXB, các tác giả viết sách. Còn phương án để cho hiệu trưởng chọn sách, ngay chính một số hiệu trưởng cũng tỏ sự ái ngại…

Các tác giả viết sách có kinh nghiệm cảnh báo: Sẽ có những môn chủ lực người ta lao vào viết sách, nhưng có những môn học phụ như Giáo dục công dân, Kỹ thuật, Mỹ thuật... sẽ không nhiều người mặn mà. Và ai sẽ là người "bảo trợ" cho các tác giả, vì họ không dại gì đầu tư cả năm trời cho một cuốn sách mà không biết nó có lọt vào "con mắt xanh" của người thẩm định, tuyển chọn hay không?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Đến năm 2015, Bộ GD&ĐT xây dựng một chương trình và SGK mới, thì ngay bây giờ phải chuẩn bị bằng cách chọn lựa một đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực đi học thì mới có thể kịp thực hiện mục tiêu này. Người viết SGK phải là nhà khoa học cơ bản rất giỏi nhưng lại phải là người am hiểu về giáo dục phổ thông cũng như tâm lý, trình độ của HS phổ thông. Thiếu một trong hai điều kiện đó đều không thể được. Trên thực tế hiện nay, sự am hiểu về giáo dục phổ thông của đội ngũ viết SGK còn rất hạn chế.

Thu Phương
.
.
.