Trông giữ xe ở Hà Nội: Tiền tỷ vào túi ai?

Cần cơ chế để người dân gửi xe thuận lợi

Thứ Sáu, 17/02/2012, 09:20
Đầu tư lớn, thu hồi vốn lại không nhanh nên các doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc xây dựng các điểm trông giữ xe. Ngoài việc ưu đãi về vốn, tạo mặt bằng để kêu gọi doanh nghiệp, TP Hà Nội cũng cần dành nguồn ngân sách để đầu tư về lĩnh vực này.
>>Nháo nhác tìm chỗ gửi xe

Ngày 16/2, các điểm trông giữ xe ở 262 tuyến phố tại Hà Nội dừng hoạt động song lại chưa đồng thời bố trí điểm trông giữ xe mới thể hiện rõ bất cập trong quản lý. Nhìn rộng ra thì thấy hoạt động trông giữ xe hiện nay rất lộn xộn, bát nháo. “Gửi xe ở đâu?” đang là câu hỏi đau đáu của chủ nhân khoảng 400 nghìn ôtô và gần 4 triệu xe máy đang sống và làm việc tại Hà Nội hiện nay.

Theo quy định hiện hành, để thành lập được điểm trông giữ xe phải đáp ứng đủ các tiêu chí như lòng đường rộng; cách ngã ba, ngã tư; không nằm trên trục đường giao thông chính; những điểm công cộng chưa sử dụng... Điểm qua những căn cứ này thì sân trường, nhà văn hóa, bệnh viện... không phải là nơi được cấp phép trông giữ xe. Thế nhưng thực tế lại cho thấy, nhiều chủ phương tiện đang coi những địa điểm này là “cứu cánh” cho mình.

Anh Trần Hữu Thuận, chủ xe Kia Morning 4 chỗ ngồi đang sống ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân cho biết, “nếu trường Mầm non S. không nhận trông giữ xe thì tôi chẳng biết gửi ở đâu”. Thế rồi  anh lại kể hàng loạt “nỗi khổ” khi gửi ở trường học khi phải lấy xe trước 7h sáng, gửi sau 6h tối. “Ốm nghỉ ở nhà nhưng trước 7h vẫn phải ra trường lấy xe rồi gửi tạm vào đâu đó. Thế mà tôi vẫn thấy may vì còn kiếm được chỗ gửi qua đêm gần nhà đấy”, anh Thuận chia sẻ.

Nói về việc nhà trường cũng nhận trông giữ xe, ông Nghiêm Xuân Khôi, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh thừa nhận, đây là việc làm trái quy định. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân quá lớn nên tận dụng diện tích sân trường về đêm phần nào làm hạn chế được sự bức bách do thiếu điểm gửi xe.

Khu vực triển khai xây dựng điểm đỗ xe cao tầng ở phố Nguyễn Công Trứ.

Anh Nguyễn Nhật Hồng, nhà ở một ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Trãi bày tỏ việc bất đắc dĩ phải gửi xe ở một nhà dân với phí 1,5 triệu/tháng. Mặc dù giao cả con xế hộp gần tỷ bạc cho người khác trông giữ nhưng anh chẳng được cầm theo bất cứ loại giấy tờ gì. “Chúng tôi chỉ hợp đồng miệng. Nếu chẳng may xảy ra cháy nổ, hay mất mát thì không có căn cứ nào để đòi đền bù”, anh Hồng chia sẻ.

Không chỉ ôtô, những người dân sống tại các khu tập thể cũ như Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Kim Liên, Thanh Xuân Bắc... cũng đang gửi hàng vạn chiếc xe máy cho các hộ tư nhân. Đồng chí Bùi Thanh Thái, Trưởng Công an phường Thành Công cho biết, trên địa bàn phường có 80 khối nhà 5 tầng. Trung bình mỗi hộ có 1,5 xe máy nên số xe của phường là vài chục nghìn chiếc. Do nhu cầu quá lớn nên mỗi khối nhà, có từ 1-2 hộ ở tầng 1 trông giữ xe. Ở góc độ đảm bảo ANTT, Công an phường hướng dẫn người dân phòng cháy chữa cháy, chống mất trộm.

Theo thống kê, TP Hà Nội hiện có khoảng 400 nghìn xe ôtô và gần 4 triệu xe máy, đấy còn chưa kể lượng xe từ các tỉnh khác đang lưu hành, trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh lại quá ít. Việc UBND thành phố công bố kế hoạch xây dựng 50 điểm đỗ xe trên cao tầng trong giai đoạn 2011 - 2015 là tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng đã bước sang năm thứ hai mà vẫn chưa có điểm đỗ xe trên cao nào đi vào sử dụng.

Sáng 16/2, có mặt tại phố Nguyễn Công Trứ - đoạn đường đôi, nơi được cho là sẽ xây dựng điểm đỗ xe trên cao, chúng tôi thấy nơi đây vẫn là điểm chờ của taxi, xe tư nhân, xe bus. Tìm đến bãi xe thông minh đang vận hành tại tòa nhà M5, đường Nguyễn Chí Thanh để “mục sở thị” bãi xe được đầu tư cả triệu USD, chúng tôi mong tìm được lời giải cho câu hỏi, “người dân để xe ở đâu?”.

Camera theo dõi bãi trông xe thông minh ở tòa nhà M5- Nguyễn Chí Thanh.

Anh Nguyễn Trung Tuyến, Phó Trưởng ban quản lý tòa nhà này cho biết, theo thiết kế bãi xe này có thể chứa hơn 200 xe ô tô song sau hơn một năm vận hành, hiện chỉ có 70-80 xe gửi tại đây do hệ thống kỹ thuật chưa hoàn thiện.

Đầu tư lớn, thu hồi vốn lại không nhanh nên các doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc xây dựng các điểm trông giữ xe. Ngoài việc ưu đãi về vốn, tạo mặt bằng để kêu gọi doanh nghiệp, TP Hà Nội cũng cần dành nguồn ngân sách để đầu tư về lĩnh vực này.

Để khắc phục tình trạng thiếu điểm trông giữ xe về lâu dài, công tác quy hoạch cũng cần chú trọng phần quỹ đất giành cho giao thông tĩnh. Song song với chiến lược dài lâu, thành phố cần rà soát, thu giấy phép của doanh nghiệp thường xuyên vi phạm khi được giao sử dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn chân chính hoạt động.

Có như vậy, người dân mới không phải đau đầu với câu hỏi, “gửi xe ở đâu?” và các cơ quan chức năng của Hà Nội mới không mất thời gian, công sức để lập lại trật tự trong lĩnh vực này.  

Ông Nghiêm Xuân Khôi, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh: Để giải quyết tình thế việc thiếu điểm trông giữ xe, nên có cơ chế để tận dụng sân trường vào ban đêm

Tại các khu dân cư thường có trường học và về đêm sân trường đều để trống. Để tận dụng được không gian này, thành phố nên có quy định cụ thể về an toàn phòng chống cháy nổ, cơ sở pháp lý đi kèm... để vừa không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, còn giải quyết tạm thời việc thiếu điểm trông giữ xe hiện nay.

Ông Nguyễn Minh Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền: Bố trí các điểm trông xe tạm thời để người dân có chỗ gửi xe

Ở phường Tràng Tiền có 7/262 tuyến phố xóa điểm trông giữ xe. Phường cũng có khoảng 400 cơ quan, doanh nghiệp đóng trụ sở. Điều này khiến cho nhu cầu gửi xe của cán bộ nhân viên, khách giao dịch lớn.  Riêng tại phố Đinh Tiên Hoàng (đường chạy ven hồ Hoàn Kiếm), điểm trông giữ xe trước cửa Bưu điện Hà Nội có lưu lượng gửi lớn và nằm trong danh sách “xóa”.

Người dân không thể không có chỗ để xe nên tạm thời, phường buộc phải đề xuất bố trí để xe máy trên vỉa hè và hướng dẫn người dân khi đến các điểm giao dịch có nhu cầu gửi xe tại các điểm bị cấm trên phố Bà Triệu, Hàng Bài đem xe về đây. Còn điểm trông xe trước cửa Bưu điện Hà Nội tạm thời chuyển sang phố Ngô Quyền. “Mặc dù cách sắp xếp này gây bất tiện cho người dân vì phải đi xa nhưng đây là giải pháp cần thiết vì không thể, không có chỗ để xe”, ông Thanh nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Toàn Thịnh, phố Hai Bà Trưng, Hà Nội: Cho phép một số tuyến phố lập điểm trông giữ xe ban đêm

Thành phố nên cân nhắc cho phép một số tuyến phố được lập các điểm trông giữ xe ôtô ban đêm. Việc này vừa giải quyết được nhu cầu gửi xe của người dân, vừa không gây ùn tắc giao thông và cũng không biến nhà trường, nhà văn hóa thành bãi trông xe.

Ông Phạm Văn Đức, Trưởng ban quản lý dự án, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội: Tháng 9/2012 đưa vào sử dụng hai điểm đỗ xe cao tầng đầu tiên

Trong số 8 điểm đỗ xe cao tầng Công ty xây dựng, có 4 điểm thí điểm xây dựng theo thiết kế dàn thép. Đó là các điểm: ở phố Nguyễn Công Hoan; Trần Nhật Duật; Phùng Hưng - Hàng Lược; cầu Lủ - Dậu.

Dự kiến, tháng 9/2012 sẽ đưa vào sử dụng hai điểm ở phố Nguyễn Công Hoan và Trần Nhật Duật. Nếu mô hình dàn thép thí điểm thành công, thành phố sẽ triển khai trên diện rộng tại các khu vực đông dân cư nhưng không có mặt bằng rộng. Ngoài ra, Công ty đang triển khai xây dựng 4 điểm đỗ xe trên mặt bằng là: khu công cộng Việt Hưng; khu Dịch Vọng; khu Kim Văn – Kim Lũ; khu Pháp Vân – Cầu Giẽ với tổng công suất 2.500 xe ôtô.

Nhóm phóng viên pháp luật
.
.
.