Nhìn từ vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe khách tại Đắk Lắk:

Cần chấn chỉnh nạn “xe dù”, “bến cóc”

Thứ Hai, 13/10/2014, 12:12
Sau gần 10 ngày xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe khách 16 chỗ với xe máy vào chiều 1/10 trên QL14 tại địa bàn huyện Ea Hleo (Đắk Lắk) làm 2 người chết, 11 người bị thương, đến nay, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng chất ma túy trong khi lái xe, xe không có lệnh xuất bến theo quy định…và chiếc xe gây tai nạn là một trong những xe chạy chui.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 20 chiếc xe khách loại 16 chỗ chuyên chạy tuyến Đắk Lắk đi Gia Lai và Kon Tum, trong số đó có hơn 1/2 là “xe dù”, không có lệnh xuất bến, bắt khách dọc đường. Sau nhiều ngày theo dõi tại khu vực bến xe phía Bắc TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi chứng kiến nơi đây lúc nào cũng có từ 3 đến 5 xe lượn lờ dọc đường, đậu trong cây xăng hoặc trạm sửa chữa để bắt khách mà không vào bến. Tại mỗi xe luôn túc trực một đội ngũ “cò mồi” hết sức hùng hậu để lôi kéo, giành giật khách đi xe của mình.

Nếu ai đã từng một lần ngồi trên những chiếc xe này sẽ khiếp đảm vì cảnh các lái xe đua tốc độ, tranh giành khách suốt dọc tuyến. Tâm sự với chúng tôi, anh Lê Văn Tuấn (32 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột) cho biết, do đặc thù công việc buôn bán làm ăn nên hàng ngày anh vẫn thường xuyên phải đi lại trên những chuyến xe này từ Đắk Lắk qua Gia Lai. “Mỗi lần lên xe, tôi có cảm giác như mình đang “giao mạng sống” cho cánh tài xế vậy. Hầu hết các xe chạy tuyến này sau khi lòng vòng bắt khách ngoài bến, cánh tài xế lại đua nhau phóng nhanh, vượt ẩu để giành khách dọc đường bất chấp sự an nguy của hành khách, người dân và các phương tiện khác đang lưu thông trên đường, nhiều khi nghĩ lại mà tôi không khỏi rùng mình” - anh Tuấn lo ngại nói.          

Còn chị Hồ Thị Cẩm Hồng (29 tuổi, trú TP. Buôn Ma Thuột), người có mặt trên chuyến xe khách mang BKS 47B-004.88 do tài xế Trần Thế Nam (33 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột) cầm lái gây tai nạn vào chiều 1/10 vừa qua vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại: “Tôi đón xe từ ngã ba Hàm Rồng, trên QL14 (đoạn qua TP Pleiku, Gia Lai) để về Buôn Ma Thuột. Lúc lên xe, mặc dù đã chật kín chỗ ngồi nhưng tài xế vẫn liên tục đón khách dọc đường. Hễ có xe nào chạy trước là tài xế lại tăng ga vượt qua để giành khách nên thường xuyên chạy với tốc độ cao, lạng lách, vượt ẩu rất nguy hiểm. Khi đến đoạn qua thôn 1, xã Ea Hleo, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk thì tài xế phát hiện có một chiếc xe khách cùng loại 16 chỗ đang chạy phía trước. Thấy vậy, tài xế liền tăng ga cố vượt qua mà không quan sát phía trước nên đã để xảy ra tai nạn nghiêm trọng”.

Các xe này thường bố trí hẳn một đội ngũ “cò mồi” để lôi kéo khách và cảnh giới các cơ quan chức năng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, bà Dương Thị Ngọc Trong, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải - Công ty CP Dịch vụ Vận tải hành khách công cộng và Quản lý bến xe liên tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên thực tế, mỗi khi có đợt kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông, thì hoạt động của xe “dù” giảm rõ rệt, nhưng khi vắng bóng cơ quan quản lý, thì các nhà xe lại vô tư vi phạm. Sở dĩ xe “dù” tồn tại được một phần do lỗi của hành khách. Để tiện lợi, hành khách không vào bến mua vé, mà đứng dọc đường bắt khách hay chọn nhà xe dừng đỗ gần nhà để đi đã tạo “đất” cho xe “dù” hoạt động. Do đó, ngoài việc xử lý mạnh tay các nhà xe vi phạm của cơ quan chức năng, thì để hạn chế xe “dù”, bến “cóc” vẫn còn phải trông chờ vào ý thức của nhà xe và hành khách.

Còn ông Lê Công Chức, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, các chủ “xe dù” thường gửi xe, bắt khách tại những điểm trông giữ xe trá hình nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Cùng với đó, lái xe thường xuyên liên lạc với khách bằng điện thoại và đón trả khách tại nhà nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp không ít khó khăn. Để qua mắt lực lượng chức năng, nhiều chủ xe còn chuẩn bị sẵn các bản hợp đồng du lịch khi khách lên xe, lái xe chỉ cần điền họ tên của khách để hoàn tất thủ tục. Đặc biệt, một số nhà xe còn bố trí hẳn một lực lượng “cò mồi” rất hùng hậu, chuyên gom khách và những người này còn có nhiệm vụ trông chừng lực lượng chức năng, vì vậy, khi TTGT, CSGT có mặt thì các xe đều chấp hành tốt song khi vắng bóng lực lượng này thì tình trạng đâu lại vào đó.

Theo Thượng tá Võ Lai, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, trong 9 tháng đầu năm, chỉ tính riêng Trạm CSGT Krông Búk (quản lý QL14 - đoạn qua phía Bắc tỉnh Đắk Lắk) đã phát hiện 19 lượt xe không có lệnh xuất bến. “Chúng tôi cũng cảm thấy rằng số lượng này ít hơn thực tế, nguyên nhân là do lực lượng mỏng, không thể kiểm soát hết mà lái xe thường chọn vào những thời gian giao ca để qua các trạm” - Thượng tá Lai nói.

Việc tỉnh Đắk Lắk để tình trạng “xe dù”, “bến cóc” tồn tại trong suốt thời gian dài không chỉ gây ra nhiều hệ lụy mà còn ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thiết nghĩ các ngành chức năng cần mạnh tay vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý các xe vi phạm để giải quyết dứt điểm tình trạng này nhằm lập lại trật tự và công bằng cho những lái xe, chủ xe nghiêm túc chấp hành các quy định

Văn Thành
.
.
.