Cán bộ "tiếp tay" cho lâm tặc

Thứ Năm, 26/11/2009, 13:35
Công an huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can và lệnh bắt tạm giam đối với 1 cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 là Hồ Đình Nam và Đinh Ngọc Hiển là kẻ phá rừng.
>> Cơ quan chức năng vào cuộc xử nghiêm vụ phá rừng phòng hộ ở Krông Năng, Đắk Lắk

Như Báo CAND đã đưa tin, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng đã ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an huyện tiếp tục điều tra xử lý vụ phá rừng trái phép vừa được phát hiện tại lô 9, khoảnh 2, Tiểu khu 332, lâm phần quản lý của Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn (BQLDARPH) Krông Năng thuộc địa bàn xã Ea Pút.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng bởi không chỉ diện tích rừng bị phá lớn, khối lượng gỗ bị chặt hạ nhiều mà còn liên quan đến một số cán bộ ở địa phương và dấu hiệu "tiếp tay" của chủ rừng... Liên quan đến vụ án và theo bản đồ hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, Tiểu khu 332 là đất có rừng chứ không phải đất lâm nghiệp trống, nghĩa là không được phép lập dự án trồng rừng, hiện Công an huyện Krông Năng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can và lệnh bắt tạm giam đối với 1 cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 là Hồ Đình Nam và Đinh Ngọc Hiển là kẻ phá rừng.

Hợp thức hoá hành vi phá rừng

Báo CAND đã đưa tin vào lúc 8h30' sáng 7/8, ông Đặng Văn Thắng là nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng số II (BQLDARPH Krông Năng) cùng ông Nguyễn Hùng Cường, là kiểm lâm viên địa bàn xã Ea Pút phối hợp với các thành viên trong tổ QLBVR thôn Giang Tiến (xã Ea Pút) đi kiểm tra rừng tại Tiểu khu 332 thì phát hiện có một số đối tượng đang tiến hành chặt phá cây rừng, đốt dọn thực bì... trên diện tích rừng khá lớn.

Hiện trường vụ phá rừng tại Tiểu khu 332.

Qua xác minh ban đầu tại hiện trường thì những người này đã được các ông Đinh Ngọc Hiển ở thôn Giang Đại (xã Ea Pút), Hồ Đình Nam (cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1, BQLDARPH Krông Năng) và ông Đinh Ái Phương, Xã đội trưởng xã Ea Pút, thuê vào rừng chặt hạ cây.

Theo biên bản khám nghiệm hiện trường của Cơ quan CSĐT- Công an huyện Krông Năng cũng như kết luận của Đoàn giám định Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk (đều được tiến hành vào ngày 18/8/2009), diện tích rừng bị chặt hạ là 9,5ha với tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại là 133,487m3. Trong đó có nhiều loại gỗ thuộc nhóm quý hiếm. Thời gian rừng bị chặt phá là vào khoảng cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2009.  

Qua điều tra xác minh của PV Báo CAND, diện tích rừng bị phá nói trên nằm trong khu vực 15,2 ha rừng sản xuất đang được BQLDARPH Krông Năng khảo sát, lập hồ sơ phương án để giao khoán cho nhóm hộ Đinh Ngọc Hiển, Hồ Đình Nam và Đinh Ái Phương trồng rừng theo Quyết định 178 của Chính phủ, trong đó ông Hiển là người đứng đơn xin nhận khoán.

Theo chúng tôi được biết thì hiện tại diện tích rừng này mới chỉ có đơn xin nhận đất lâm nghiệp để trồng rừng do ông Hiển đứng tên (có xác nhận của UBND xã). Còn lại, những hồ sơ thủ tục cần thiết khác (có tính bắt buộc) vẫn chưa được hoàn tất. Vậy thì tại sao những người này lại dám tự ý thuê người vào chặt hạ cây rừng?

Ai tiếp tay cho lâm tặc?

Tại bản tường trình gửi Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, ông Hồ Đình Nam cho biết: Vào ngày 10/7/2009, ông cùng với ông Hiển và ông Thương trực tiếp đến gặp ông Nguyễn Thế Anh Sơn đặt vấn đề xin nhận đất lâm nghiệp để trồng rừng theo Quyết định 178 của Chính phủ. Tại đây, ông Sơn đã hướng dẫn sang gặp anh Trương Minh Huy và Nguyễn Duy Hưng (cán bộ kỹ thuật của Ban) để làm đơn xin nhận đất...

"Đến ngày 23/7, tôi có gặp anh Hưng và anh Huy hỏi tình hình hồ sơ và thủ tục để nhóm hộ chúng tôi tiến hành xử lý thực bì. Anh Hưng bảo cứ tiến hành làm nhanh đi, xử lý thực bì nhanh cho kịp thời vụ. Hồ sơ làm sắp xong rồi, mang qua phòng giám đốc ký rồi, trong tuần này sẽ có..." - nguyên văn tường trình của ông Nam.

Chiều 23/9, ông Nguyễn Thế Anh Sơn, Giám đốc BQLDARPH Krông Năng cho chúng tôi biết: Ban có nhận được đơn xin nhận khoán trồng rừng tại địa điểm trên của ông Hiển. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa hoàn tất các thủ tục hồ sơ và chưa ký kết hợp đồng giao khoán trồng rừng với ông Hiển tại khu vực này nên các hộ dân tự ý thuê người vào rừng chặt phá cây, phát dọn thực bì là việc làm trái phép.

Ông Sơn khẳng định: Về mặt nguyên tắc thì trước khi hoàn tất hồ sơ giao khoán đất rừng bắt buộc phải có biên bản khảo sát hiện trạng rừng, để trên cơ sở đó cấp có thẩm quyền mới có thể quyết định phương án khoanh nuôi bảo vệ hay trồng mới...

Mặc dù khẳng định với chúng tôi như vậy, nhưng trong quá trình thu thập tài liệu, chúng tôi được biết, chính ông Sơn là người ra lệnh cho thuộc cấp của mình đưa nhóm hộ này vào danh sách hộ xin hỗ trợ trồng rừng sản xuất năm 2009...

Trong bản tường trình của ông Nguyễn Duy Hưng, cán bộ kỹ thuật của Ban ngày 20/8/2009 gửi Hạt Kiểm lâm Krông Năng đã ghi rõ: "Theo yêu cầu của anh Sơn (giám đốc) tôi đã đưa tên hộ gia đình ông Hiển vào danh sách hộ xin hỗ trợ trồng rừng sản xuất năm 2009. Do tôi không được giao đi khảo sát hiện trường tại nơi này nên tôi đã căn cứ trên sơ đồ anh Huy làm trên máy (diện tích tính được là 15,12ha) để tính lương phân bón và cây giống cần hỗ trợ...". 

Còn ông Nam thì lý giải rằng việc nhóm hộ các ông khẩn trương tiến hành phát dọn thực bì trên diện tích đất rừng này là không sai mà chỉ là "đi trước một bước" để kịp thời vụ trồng rừng.

Cụ thể là vào ngày 25/7, Ban đã cho nhận phân hỗ trợ trồng rừng với tổng cộng 116 bao loại 40kg/bao nhãn hiệu Canh Nông. Đồng thời, ông Sơn giám đốc còn bắt phải viết cam kết ghi rõ nếu chúng tôi xử lý thực bì chậm, không kịp thời vụ trồng rừng năm 2009 thì cơ quan sẽ thu hồi đất và cấp lại cho người khác(?!)

Như vậy, việc hoàn tất các thủ tục cần thiết cho hồ sơ giao nhận khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng giữa BQLDA Krông Năng với các hộ dân như đã nêu trên chỉ còn là "thủ tục" để hợp lý hoá. Đây có thể được xem là điểm mấu chốt dẫn đến việc chặt phá rừng xảy ra ở Tiểu khu 332...

Gia Bảo
.
.
.