TP Hồ Chí Minh với giải pháp chống ngập khẩn cấp:

Cần 23.000 tỷ đồng xây hồ chứa và đê

Thứ Sáu, 13/03/2015, 09:23
Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh vẫn cứ “loay hoay” với các giải pháp chống ngập nước do triều cường và mưa lớn. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tậm Chống ngập) cho biết, trong năm 2015 sẽ giải quyết 61/68 điểm ngập (kể cả điểm mới và tái ngập)...

Theo dự kiến đến ngày 30/4, khi công trình Tân Hóa - Lò Gốm hoàn thành thì những điểm ngập phát sinh do quá trình thi công công trình đồ sộ và quy mô này sẽ được giải quyết.

Mới đây, tại buổi làm việc với Trung tâm chống ngập TP, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã đồng ý cấp 23.000 tỉ đồng để chống ngập, đồng thời giao các cơ quan chức năng đề xuất các giải pháp giảm ngập nước khu vực nội thành do mưa và triều cường. Tiến hành quy hoạch các vùng trũng thành hồ điều tiết nước, thay thế kè ở những khu vực ít dân cư, nơi có tầng địa chất yếu, xác định các vị trí phù hợp và cần thiết lắp đặt cống, cửa van trên kênh, rạch.

Đây là dự án do Bộ NN&PTNT xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008, gồm 13 cống ngăn triều tại TP Hồ Chí Minh, Long An và Tây Ninh. Đến nay, TP Hồ Chí Minh chỉ mới thực hiện được cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn lại 6 cống ngăn triều chưa triển khai thực hiện do thiếu vốn.

Một tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh bị ngập do triều cường.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP, với 23.000 tỉ đồng thì các vùng ngập do triều trên địa bàn TP sẽ được thu hẹp rất lớn (trừ quận 9 sẽ thực hiện trong giai đoạn 2). Do đó, các khu vực ngập nước triều cường tại các quận 2, Bình Thạnh, Hóc Môn, Nhà Bè… sẽ được giải quyết dứt điểm.

Cũng có ý kiến của các nhà khoa học cho rằng, trước mắt nên làm cống, kè vì các hạng mục này kỹ thuật đơn giản, tiết kiệm vốn. Nên tận dụng đường giao thông hiện hữu để chống tràn, né cống lớn giảm bớt kinh phí. Không nên đầu tư chống ngập tràn lan, không tập trung, hiệu quả thấp mà tập trung các khu vực đang “nóng” về tình trạng ngập thường xuyên tại các quận 7, 8, 9 và Thủ Đức, nên ưu tiên xây dựng cống ngăn triều hơn là xây dựng kè, đê.

Như vậy, nếu xảy ra ngập do triều, sẽ xảy ra ở một vài khu vực chưa kiểm soát được, không để ngập xảy ra tràn lan nhiều nơi như hiện nay. Với giải pháp này, TP có thể tạm thời yên tâm về triều cường trong nhiều năm. Mục tiêu là đến cuối năm 2015 thành phố sẽ giải quyết tình trạng ngập trên diện tích 100km2/600 km2 khu vực nội thành.

Thành phố cũng đã triển khai xây dựng đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật đến sông Kinh), bờ tả sông Sài Gòn cùng các cống kiểm soát triều như: Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Sông Kinh, Kinh Lộ…

Mặc khác, giải pháp xây hồ chứa trữ (dạng hồ ngầm) là giải pháp khả thi giúp TP Hồ Chí Minh thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt như hiện nay và tương lai. TP Hồ Chí Minh chọn quận 4 để xây dựng thí điểm công trình hồ điều tiết Khánh Hội trong năm nay, với diện tích 4,8ha, tổng mức đầu tư 304 tỉ đồng.

Trong năm 2015, một số hồ chứa trữ khác như hồ Thủ Thiêm (quận 2), hồ Gò Dưa (quận Thủ Đức), hồ Bàu Cát (quận Tân Phú) cũng dự kiến khởi công. Ngoài ra, các hồ cảnh quan khác có khả năng sẽ được mở rộng và gia cố chuyển thành hồ điều tiết nước. Theo tính toán của các nhà khoa học thì hệ thống hồ điều tiết tích trữ hàng chúc triệu m3 nước, sẽ làm giảm hơn 30% tình trạng ngập hiện nay. 

Ứng dụng công nghệ viễn thám để dự báo lũ lụt

Ngày 12/3, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phối hợp với Cơ quan khai thác không gian Nhật Bản (JAXA) đã tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả Dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám trong dự báo, cảnh báo và giám sát lũ lụt”.

Dự án thực hiện từ tháng 4/2011 đến tháng 3/2014 nhằm hỗ trợ các Chính phủ Việt Nam, Bangladesh và Philippines cải thiện hệ thống giám sát và cảnh báo lũ lụt.

Các chuyên gia đã chọn lưu vực sông Thao thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ làm vùng chạy thử trạm đo mưa lưu vực sông và truyền tin nhắn qua điện thoại di động để cảnh báo lũ lụt... (K.Vy)

Hoàng Hà
.
.
.