Tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than - Khoáng sản họp bàn quản lý than:

Cam kết còn bỏ ngỏ!

Thứ Hai, 28/04/2008, 08:19
Ngay sau kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về việc chấn chỉnh tình trạng khai thác, xuất lậu than qua biên giới, sáng 27/4, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã họp bàn biện pháp lập lại trật tự. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên, đại diện Bộ Công thương, Bộ Công an cùng dự.

Đề nghị chống độc quyền; làm rõ có cho phép khai thác ngoài ranh giới mỏ của ngành Than không?

Sau khi nghe báo cáo của Tập đoàn Than - Khoáng sản về tình hình sản xuất, tiêu thụ than, nhiều đại biểu cho rằng báo cáo nặng về những việc ngành Than làm được mà ít đề cập đến giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng khai thác, tiêu thụ than trái phép thời gian qua.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng nói rõ: Mục đích cuộc họp không phải là đổ lỗi cho ngành Than hay tỉnh Quảng Ninh, mà là bàn biện pháp thực hiện nghiêm kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.

Để đạt điều này, ông Hưng kiến nghị: Trong ranh giới của ngành Than thì ngành Than khai thác, vậy ngoài ranh giới mỏ của ngành Than có cho các thành phần khác khai thác không? Nếu cho khai thác, thì làm rõ tiêu chuẩn được cấp phép, quy mô được khai thác, chế biến, tiêu thụ… Thực tế ở Quảng Ninh, quá trình ngành Than khai thác vẫn có một lượng lớn than trôi nổi, than lẫn tạp chất, than phẩm chất kém. Vậy những sản phẩm do Tập đoàn Than vứt ra có được tận thu không?

Ông Hưng cho rằng, nếu cấm hẳn tận thu than là duy ý chí. Vì người dân họ không lấy trộm than của Nhà nước, không khai thác trái phép thì tại sao không cho họ thu gom lượng than rơi vãi này, để rồi tổ chức thu mua, nộp thuế cũng như cải thiện đời sống của người dân.

Ông Vũ Nguyên Nhiệm - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nêu ý kiến: Đặc điểm các mỏ than ở Quảng Ninh nằm lẫn với khu dân cư. Vì thế, việc ngăn chặn, không để bất kỳ người dân nào khai thác than trong tình hình hiện nay là không dễ. Hiện UBND tỉnh Quảng Ninh chưa kịp họp các ngành liên quan đến nội dung cam kết mà ngành Than đưa ra. Nếu cứ ký cam kết thì chỉ là hình thức, mục tiêu chấn chỉnh trật tự quản lý, khai thác, tiêu thụ than không đạt được.

Không giao cho các doanh nghiệp khác ngoài tập đoàn than vào khai thác xen kẽ?

Báo cáo của Tập đoàn Than - Khoáng sản có chỉ ra một số tồn tại trong quản lý là: Quý I-2008, Tập đoàn đã phối hợp cùng với địa phương phát hiện, xử lý 116 lò, điểm khai thác than trái phép trong ranh giới mỏ; một số sai phạm trong giám sát rót than và giám định than, để 58 xe ôtô ngoài tập đoàn mang phiếu vận chuyển than nội bộ…

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra con số về tình trạng khai thác, tiêu thụ than trái phép đã phát hiện, bắt giữ: Tại Đông Triều thu 15 ngàn tấn, nguồn gốc than đều bắt nguồn từ hoạt động của các đơn vị khai thác ngành Than; tại Hạ Long, thu trên 2.000 tấn, trên 100 phương tiện; lực lượng Biên phòng đã thu tất cả 104 tàu, trong đó có 103 tàu than. Đã phát mại, thu 24 tỷ đồng và khởi tố 3 vụ án liên quan đến khai thác, tiêu thụ than trái phép.

Công tác quản lý khá lỏng lẻo như trên, nhưng phía Tập đoàn Than - Khoáng sản vẫn đề xuất: Đề nghị Nhà nước không nên giao cho các doanh nghiệp khác ngoài Tập đoàn Than - Khoáng sản vào khai thác xen kẽ giữa các mỏ của Tập đoàn Than - Khoáng sản hiện nay tại vùng than Quảng Ninh.

Vấn đề là khi đề xuất trên được chấp thuận, thì biện pháp quy hoạch, quản lý, khai thác của ngành Than sẽ ra sao, hay tiếp tục buông lỏng gây thất thoát tài nguyên của Nhà nước như thời gian qua? Việc cho hay không cho các thành phần kinh tế khác vào khai thác xen kẽ, các đại biểu Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường đều cho rằng phải thận trọng nghiên cứu trước khi đề xuất quyết định.

Quan điểm xử lý là kiên quyết nhưng thận trọng

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh rất bức xúc về tình trạng khai thác than thổ phỉ, ông dẫn ra ví dụ một vùng dân nghèo, gần đây mấy cai than vào khai thác trái phép bỗng dưng có tiền tỷ. Nguồn tài nguyên lớn của Nhà nước tiếp tục bị thất thoát nếu không có quy hoạch.

Ông Hưng cho rằng, quy hoạch các mỏ than phải đi đầu, việc này ngành Than phải làm. Trả lời câu hỏi có cho phép các thành phần khác khai thác than hay không, ông Đỗ Hữu Hào -Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng: Hiện công suất khai thác riêng của Tập đoàn Than - Khoáng sản đã đủ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, vậy cho tư nhân khai thác tăng thêm sản lượng than để làm gì?

Đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường khẳng định: Dù khó vẫn phải chấp hành nghiêm Luật Tài nguyên. Nghĩa là Quảng Ninh không được để bất kỳ hộ dân nào khai thác than trái phép. Bí thư Tỉnh ủy thì khẳng định: Sẽ xử lý nghiêm bất kỳ cán bộ địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác, tiêu thụ than như vừa qua.

Ông Phan Văn Lộc - Cục phó Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Bộ Công an cho biết: Tinh thần chỉ đạo của Bộ đối với hành vi khai thác, vận chuyển than trái phép là kiên quyết. Tuy nhiên, bước đầu xem xét 103 tàu than trên, xét theo luật thì chưa vội kết luận là buôn lậu vì hàng chưa vận chuyển qua biên giới trái phép. Vi phạm thì đã rõ, nhưng dấu hiệu về đường dây khai thác, vận chuyển, có bảo kê không thì đang được xác minh làm rõ.

Vì còn nhiều ý kiến khác nhau, trong khi những nội dung, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than một cách hữu hiệu lại chưa được đưa ra. Bài toán quản lý than chắc chắn còn phải tiếp tục bàn thảo

Thanh Phong
.
.
.