Cải tạo hồ Hà Nội: Nan giải và tốn kém

Thứ Ba, 04/05/2010, 16:08
Việc xử lý ô nhiễm tại các hồ hiện nay vẫn chỉ là hình thức xử lý hậu quả, trong khi nguyên nhân chính lại bắt nguồn từ khâu quản lý. Sau khi cải tạo xong hồ, việc giữ gìn, duy trì vệ sinh cho hồ như thế nào vẫn đang là "bài toán" để ngỏ đáp án.

Đề án "Cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội và công tác xã hội hóa cải tạo môi trường các hồ Hà Nội" với mức đầu tư 1.881 tỷ đồng đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.

Tính đến lúc này, việc xử lý ô nhiễm nước 7 hồ được chọn thí điểm đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, do phải hứng lượng nước thải hàng ngày, khả năng bị tái ô nhiễm do nước thải là rất lớn.

Chi tiền tỷ để lấy lại màu xanh cho nước hồ

Theo đề án, TP Hà Nội hiện có 45 hồ (gồm cả hào Thành cổ thị xã Sơn Tây) sẽ được cải tạo theo cơ chế xã hội hóa với tổng số tiền đầu tư 1.881 tỷ đồng. Trong đó, TP chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ một phần khảo sát xây dựng dự án, các doanh nghiệp đóng góp toàn bộ tiền cải tạo hồ (với cơ chế miễn tiền sử dụng đất, được khai thác sử dụng các công trình đã đầu tư như mặt nước, hạ tầng kỹ thuật, được vay vốn tín dụng đầu tư hoặc hỗ trợ sau đầu tư…).

Đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn TP đã nhiệt tình tham gia. Cho đến thời điểm này, sau khi xử lý thí điểm ô nhiễm nước tại 7 hồ trên địa bàn Hà Nội, Chi cục Bảo vệ môi trường và Trung tâm quan trắc đã tiến hành thu thập thông tin và khảo sát hiện trạng 24 hồ kè bờ để tiếp tục xử lý ô nhiễm. Kết quả ban đầu cho thấy, các hồ đã được xử lý bằng phương pháp có hiệu quả, diễn biến chất lượng nước các hồ đang tiến triển theo chiều hướng tích cực.

Hồ Khương Đình 2 đang được nạo vét để xử lý ô nhiễm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, các hồ Ngọc Khánh, Quỳnh, Xã Đàn được giao cho Công ty cổ phần Xanh thực hiện. Cảm quan nước đã trong hơn và hết mùi hôi. 3 hồ còn lại là hồ Ao Đình Ngọc Hà, hồ Dài, hồ Kim Liên tiến độ chậm hơn.

Hồ Ao Đình Ngọc Hà sau khi nạo vét đã giảm đáng kể mùi hôi và rác nhưng do lượng nước thải chảy trực tiếp vào hồ lớn nên nước hồ vẫn còn xanh lục, có chỗ xanh đậm, một số vị trí vẫn có hàm lượng các chất ô nhiễm cao. Hồ Dài và hồ Kim Liên tiến độ chậm là do trang thiết bị xử lý và chế phẩm sinh học phải nhập khẩu, việc triển khai lắp đặt trên hồ gặp một số khó khăn về vị trí, nơi cung cấp nguồn điện. Nhưng sau khi được xử lý, nước hồ Kim Liên đã chuyển màu xanh so với màu đen trước đây.

Hiện nay, hầu hết các hồ đều có dấu hiệu ô nhiễm, một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép, nước có màu xanh, xanh đen, có mùi hôi. Một số hồ có lượng nước thải lớn chảy vào như hồ Đền Lừ, Nghĩa Tân, Thiền Quang. Nhiều hồ có mật độ tảo lớn như hồ Hữu Tiệp, Trúc Bạch, Văn Chương, Phương Liệt.

"Trên cơ sở phân loại các mức độ, vị trí, mục đích sử dụng, khả năng ứng dụng công nghệ, từ tháng 4 đã và đang tiến hành xử lý đợt đầu 9 hồ: Giảng Võ, Văn Chương, Thiền Quang, Nghĩa Tân, Văn Quán, hồ Võ, Phương Liệt, Giáp Bát, Ao Lâm Du".

Nước xả vào hồ còn bẩn, hồ còn ô nhiễm

Vấn đề khó khăn khi cải tạo các hồ là với công nghệ như hiện nay, chỉ có thể xử lý ô nhiễm với lượng nước trong hồ. Trong khi đó, nguồn nước xả vào hồ lại chưa được xử lý.

Trên địa bàn Hà Nội sau khi sáp nhập có trên 110 hồ tự nhiên, nhân tạo với tổng diện tích khoảng 1.165ha. Đa số trong đó đều đang ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng bởi hầu hết hệ thống nước thải vào hồ đều chưa qua xử lý.

Thêm nữa, ý thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường cho các hồ còn kém. Nhiều hộ dân sống quanh khu vực các hồ coi đây là bãi rác công cộng, xả rác, các chất thải bẩn xuống hồ… Việc nuôi cá trong hồ không đúng kỹ thuật cũng góp phần gây ô nhiễm.

Rác thải vẫn được đổ vô tội vạ vào hồ Trúc Bạch.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng đã thừa nhận rằng, ô nhiễm các hồ là một trong những vấn đề khó giải quyết của TP Hà Nội. Theo ông Khanh, nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài đã đến huyện Hoài Đức để khảo sát, tìm cách xử lý nước thải làng nghề tại đây để cải tạo ao hồ, nhưng đến nay cũng chưa đưa ra phương án giải quyết nào.

"Thực tế hiện nay, thành phố vẫn lúng túng trong vấn đề xử lý nước thải. Việc xả nước thải tại các làng nghề sẽ gặp khó khăn vì không thể cấm, bởi nó liên quan tới "miếng cơm manh áo" của người dân", ông Khanh băn khoăn.

Rõ ràng, việc xử lý ô nhiễm tại các hồ hiện nay vẫn chỉ là hình thức xử lý hậu quả, trong khi nguyên nhân chính lại bắt nguồn từ khâu quản lý. Sau khi cải tạo xong hồ, việc giữ gìn, duy trì vệ sinh cho hồ như thế nào vẫn đang là "bài toán" để ngỏ đáp án.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị TP sớm hoàn thiện quy chế quản lý hồ xây dựng kế hoạch tách nước thải ngăn không cho chảy vào hồ, đồng thời tìm giải pháp hỗ trợ để không cho nuôi cá ở các hồ, nhất là các hồ mang tính cảnh quan - sinh thái ở các khu dân cư

Ngọc Yến
.
.
.