Cải tạo, đặt mới đường nước ở Hà Nội

Thứ Bảy, 29/04/2006, 08:18

Phó Giám đốc Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội Nguyễn Hùng Vỹ cho biết mỗi ngày Hà Nội cần 850.000m3 nhưng hiện tại công ty chỉ cung cấp được hơn 500.000m3, nghĩa là mới chỉ khoảng 80% người dân nội thành và 15% người dân ngoại thành Hà Nội có nước sạch sử dụng.

Điểm nóng thiếu nước nhất thuộc về Đống Đa, tập trung ở các điểm: ngõ chợ Khâm Thiên, Láng Thượng, ngõ Văn Hương, Hoàng Cầu, Đê La Thành. Theo phản ánh của ông Trần Trung Khánh, Tổ trưởng tổ dân phố 12A thì cụm 2A (gồm các tổ 11, 12A, 12B, 13 ngõ Văn Hương) chỉ cách Nhà máy Nước Ngô Sĩ Liên 500m, nhưng hàng chục năm nay, hơn 300 hộ dân và cả ngàn nhân khẩu thiếu nước sạch, khi từ năm 1987 đến nay chỉ có 1 bể nước và 1 họng nước công cộng. Mỗi khi có nước, hàng trăm máy bơm cùng chờ bơm nước, cảnh đông đúc như xếp hàng mua gạo thời bao cấp. Nhiều cư dân ở xa họng nước phải dùng giải pháp giếng khoan để có nước dùng. Có lẽ chưa ở đâu mật độ giếng khoan dày như ở đây.

Theo ông Dương Văn Nhã, Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa thì hiện nay, với công suất 50.000m3/ngày đêm, Nhà máy Nước Ngô Sĩ Liên chỉ cung cấp được 1/2 cho quận Đống Đa, còn lại là cho Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Hiện xí nghiệp chỉ đảm bảo nước sử dụng cho khoảng 80% hộ dân trên địa bàn.

Ông Phùng Ngọc Minh, Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hai Bà Trưng cho biết: Trên địa bàn quận hiện nay có phường Vĩnh Tuy là nơi thiếu nước sạch trầm trọng hơn cả, với tổng số hộ chưa có nước sạch lên tới con số hơn 4.500. Hiện nay, Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội đã có kế hoạch đặt đường ống, tiến tới lắp đồng hồ để cấp nước cho "vùng khát" này.

Chầu chực bơm nước giữa trưa ở ngõ Văn Hương (ảnh chụp trưa 27/4).

Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến những "vùng khát" theo chỉ dẫn của ông Minh thì hầu hết những khu vực này chưa hề có động tĩnh gì. Bà Trần Thị Thành, Tổ trưởng Tổ dân phố vật tư 8-3 kêu trời: "Từ khi tôi sinh ra, cả thế hệ ông bà, cha mẹ của chúng tôi sống trên đất này, chưa có một ngày được sử dụng nước sạch. Trước đây, chúng tôi mua nước giếng khoan của Nhà máy Dệt 8-3 và Nhà máy Mỹ phẩm Cửu Long, sau chịu không thấu đã phải tự khoan giếng. Còn chuyện nước sạch cứ mãi là câu chuyện của… tương lai. Chúng tôi sẽ chờ (thì còn cách nào khác?). Nhưng chờ đến bao giờ?".

Thiếu nước, không phải chỉ mỗi người dân bức xúc, mà phía Công ty Kinh doanh nước sạch cũng thấy bất ổn, vì "Hiện nay, tình trạng người dân tự khoan giếng để lấy nước dùng đang làm ảnh hưởng tới việc khai thác nước ngầm của công ty", ông Vỹ nói. Anh Nguyễn Văn Sỹ ở Trung Hòa, Cầu Giấy, một người chuyên thầu khoan giếng cho biết: Nhà anh có đội công nhân chuyên khoan giếng cho các gia đình ở Hà Nội. Mỗi ngày cũng có vài nhà gọi khoan giếng. Mấy năm rồi, mà chưa bao giờ hết việc. Đối với những vùng chưa có nước sạch, không khoan giếng thì lấy nước đâu để dùng? Mà khoan giếng thì lại phạm lỗi vì làm ảnh hưởng công việc kinh doanh của Nhà nước.

Cũng tại buổi làm việc với chúng tôi, đại diện Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội cho biết, tỷ lệ thất thoát nước hiện vẫn ở mức cao: 36%. Mỗi ngày, Công ty cung cấp cho toàn thành phố 550.000m3 nước, như vậy khối lượng nước sạch thất thoát xấp xỉ 200.000m3. Nếu quản lý tốt được 36% của hơn 550.000m3/ngày đêm này, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người dân nội thành Hà Nội có nước sạch sử dụng.

Theo Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội, những vùng sẽ được cải tạo hoặc đặt mới đường ống nước trong dịp hè 2006 gồm: quận Ba Đình có các phường: Đội Cấn, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Kim Mã, một phần của phường Điện Biên; quận Đống Đa gồm: Phường Thịnh Quang, Trung Liệt, Ô Chợ Dừa, một phần phường Láng Hạ; quận Hai Bà Trưng có phường Vĩnh Tuy, phường Tân Mai, một phần phường Vĩnh Hưng của quận Hoàng Mai; phường Yên Hòa của quận Cầu Giấy; khu vực Nhân Chính, Thượng Đình, Hạ Đình của quận Thanh Xuân

Thanh Hằng - Lệ Thúy
.
.
.