Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế sẵn sàng phối hợp cùng Việt Nam
Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam và lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Đại sứ quán Thuỵ Điển, Phần Lan, Thuỵ Sỹ, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại diễn đàn Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. |
Những con số này liên tục tăng trong những năm vừa qua thể hiện sự tham gia tích cực của hệ sinh thái, tuy nhiên chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa sự liên kết giữa các tổ chức này, đặc biệt cần hình thành các mô hình liên kết giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp phát triển các không gian sáng tạo, khu làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn là sự cổ vũ cho tự do sáng tạo, tinh thần doanh nhân.
Cùng đó, chúng ta cần nâng cao hơn nữa hiệu quả tận dụng nguồn lực sẵn có của các chủ thể trong hệ sinh thái. Mỗi trường đại học, mỗi tập đoàn, mỗi tổ chức hỗ trợ cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của riêng minh, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong điều hành, quản trị; kết nối các mạng lưới chuyên gia, cựu sinh viên, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần hơn với doanh nghiệp và khách hàng, đẩy mạnh nghiên cứu mang tính ứng dụng, xuất phát từ quan điểm và nhu cầu của khách hàng. Việt Nam mong muốn tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, đồng thời thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia tốt nhất trên thế giới.
Là một trong những khách mời đầu tiên của diễn đàn tham gia chia sẻ, bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho hay, Thuỵ Điển hiện đang là một trong những quốc gia mạnh về đổi mới sáng tạo hiện nay. Mọi nơi làm việc đều cơ cấu, tổ chức hệ thống của mình thành hệ thống phẳng, hạn chế nhiều tầng bậc. Cùng đó, chúng tôi xây dựng hệ sinh thái về thanh toán số hoá tiên phong thông qua việc hầu hết các nhà hàng và trung tâm mua sắm ở Thuỵ Điển không dùng tiền mặt. Ngay cả đơn vị thuế, trước thuần tuý thu thuế cơ học thì nay thu và hoàn thuế đều làm trên mạng, thông qua điện thoại…
“Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi khả năng thích ứng và bắt kịp các xu hướng công nghệ mới, phương thức mới trên thế giới, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể hợp tác, kết nối với các tập đoàn lớn cũng như với những tổ chức kết nối hỗ trợ start-up”, bà Ann Mawe gợi ý. Trong khi đó, bà Caitlin Wlesen - Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam lại nêu mong muốn hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Chúng tôi có cơ hội hợp tác với Bộ KHCN, với VCCI và Bộ Kế hoạch đầu tư, nhằm khích lệ doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp. Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chưa. Để tạo cơ hội cho các bạn trẻ, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đề xuất ý tưởng hợp tác, để chúng tôi xem xét phối kết hợp”, bà Caitin Wlesen nói.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan: mạng lưới trí tuệ Việt hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vai trò của tập đoàn công nghệ trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp từ góc nhìn của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, các đại biểu tập trung việc thúc đẩy hợp tác các nguồn lực, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.