Các tỉnh miền Trung khắc phục môi trường sau bão

Thứ Bảy, 10/10/2009, 10:12
Sau bão, cùng với việc huy động mọi nguồn lực sửa chữa nhà cửa, cứu tế lương thực, thực phẩm để ổn định đời sống cho người dân, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang ra sức xử lý môi trường để tránh ô nhiễm gây phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên, vấn đề xử lý, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay hết sức khó khăn do xác động vật chết còn vương vãi quá nhiều.

Quảng Ngãi

Nước lũ rút, trong các khu dân cư và các tuyến đường giao thông ở các địa phương tràn ngập rác và nước bẩn ứ đọng với khối lượng lớn. Mấy ngày nay, người dân ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, tập trung thu gom rác thải chất thành đống rồi đốt. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn không thể giải quyết hết lượng rác thải do bão lũ để lại. Xác động vật chết nằm trong rác không thể đốt cháy nên bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Hiện ngành Y tế Quảng Ngãi đã phân bổ trên 2,5 tấn Chloramin B dạng bột và trên 2 triệu viên Chloramin T cho các địa phương trong tỉnh để khử trùng nguồn nước, đồng thời cử cán bộ y tế xuống các địa phương triển khai phun độc khử trùng.

Ngành Y tế huyện Bình Sơn phun thuốc tiêu độc, khử trùng ở các khu dân cư vùng lũ.

Các trung tâm y tế tuyến xã những ngày qua cũng thường xuyên theo dõi sức khỏe của người dân trong vùng để chủ động phát hiện sớm và xử lý dịch bệnh khi dịch bệnh bùng phát. Bà Nguyễn Thị Kim Sơn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn cho biết, do chính quyền địa phương đang tập trung vào công tác cứu trợ nên vấn đề xử lý môi trường chưa được thực hiện triệt để, hiện nay bệnh ngoài da có biểu hiện bùng phát trên diện rộng.

Môi trường tại các vùng ngập lụt ở tỉnh Quảng Ngãi đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng. Phải mất nhiều ngày nữa, ngành Y tế Quảng Ngãi và người dân vùng lũ mới tạm xử lý được những đống rác thải kèm theo xác động vật. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau bão lũ là rất lớn nên người dân và ngành Y tế địa phương cần theo dõi sát sao để chủ động ứng phó dịch bệnh.

Quảng Trị

Hàng ngàn hộ dân Đakrông (Quảng Trị) sống dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã bị lũ quét cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản. Trong đó, nhà cửa bị cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn là 129 căn. Hiện tại, huyện Đakrông đang tích cực cứu trợ, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do giao thông bị chia cắt nên còn nhiều xã, nhiều khu dân cư sự giúp đỡ vẫn chưa thể đến được với người dân.

Xã Húc Nghì có 254 hộ dân với 1.359 nhân khẩu. Thống kê của cán bộ xã cho biết, toàn xã có 25 ngôi nhà bị cuốn trôi, 7 ngôi nhà bị sập, 84 ngôi nhà bị tốc mái, 28 nhà bị xiêu vẹo.

Trường THCS Húc Nghì có 8 máy tính xách tay, 3 bộ máy tính để bàn cùng 10 chiếc tivi và 7 tủ lạnh đã bị lũ quét cuốn trôi, hoặc bị ngập sâu trong bùn đất. Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay đối với nhà trường là dãy nhà ở giáo viên và nhà ở dành cho học sinh nội trú đều bị hỏng nặng và bị sập.

Thầy giáo Hà Công Văn, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Hiệu trưởng Trường THCS Húc Nghì ngậm ngùi nói: "Nhiệm vụ trước mắt của nhà trường là ổn định nơi ở cho giáo viên và học sinh nội trú; khôi phục trường lớp để sớm tổ chức dạy và học. Dự kiến với sự nỗ lực của giáo viên, sự giúp đỡ của phụ huynh và lực lượng bộ đội thì khoảng 25 ngày nữa các em sẽ trở lại trường"...

Để giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ, chính quyền xã Húc Nghì đã huy động người dân từ các bản ít bị ảnh hưởng đến chia sẻ, giúp bà con dựng lại nhà cửa. Đồng thời tổ chức cấp phát lương thực, thực phẩm, dầu thắp sáng cho nhân dân. Bên cạnh đó hàng chục cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 cũng đã có mặt để giúp vệ sinh trường lớp và sửa sang lại nhà cửa, phòng học.

Nếu như tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn xã Húc Nghì đã thông tuyến và xe ôtô có thể đi lại được từ ngày 4/10, thì đoạn đường Húc Nghì đi Tà Rụt, A Ngo vẫn bị tắc do hàng ngàn mét khối đất đá đổ xuống lòng đường. Công ty CP Quản lý và Sửa chữa đường bộ Quảng Trị đã huy động nhân lực, máy móc làm việc cả ngày lẫn đêm và đến khoảng 10h ngày 5/10, xe máy chạy được trên tuyến vào Tà Rụt, A Ngo...

H.Thuyên - H.Linh
.
.
.