Các cơ quan tuyển người cần chủ động thẩm tra văn bằng

Chủ Nhật, 08/07/2012, 11:17
Gần đây, tình trạng công khai rao bán văn bằng giả đang diễn ra khá nhức nhối. Trên nhiều trang mạng Internet, các đối tượng “thản nhiên” chào hàng văn bằng đại học, thạc sĩ, thậm chí là cả tiến sĩ do mình “chế” ra bất chấp việc làm trên là vi phạm pháp luật. Thực trạng này đang rất cần sự ngăn chặn kịp thời của các cơ quan chức năng.
>> Nhóm sinh viên rao bán bằng TS giả qua mạng

Thực tế hiện đang cho thấy, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng Internet, thời gian qua, tình trạng các đối tượng sử dụng trang mạng Internet như một thứ công cụ hỗ trợ cho hoạt động rao bán văn bằng giả diễn ra khá phức tạp cả về mức độ lẫn tính chất. Chỉ cần gõ từ khóa “nhận làm bằng giả” lên trang mạng tìm kiếm google.com, ngay lập tức, trong khoảng thời gian 0,18 giây đã cho 44.500.000 kết quả có liên quan.

Đáng chú ý, trong số này có không ít địa chỉ đường link trang mạng rao bán công khai văn bằng đại học, thạc sĩ thậm chí cả tiến sĩ. Nhấp chuột vào trang mạng có tên miền: www.ddt...., tôi giật mình trước thông tin quảng cáo có nội dung: “Mình chuyên nhận làm bằng đại học, mình làm bằng đại học uy tín với giá thành rẻ nhất. Làm được tất cả các trường ở Hà Nội, TP HCM và các tỉnh thành lân cận”.

“Sốc” hơn, khi đi kèm với lời quảng cáo này, đối tượng rao bán bằng còn khẳng định số văn bằng mà mình “chế” ra đều “làm từ phôi thật, được lấy từ các trường, chất lượng đảm bảo như bằng thật, đem công chứng Nhà nước thoải mái” (?!).

Không chỉ đăng tải “nhờ” các trang mạng quảng cáo, rao vặt, nhiều đối tượng chuyên cung cấp dịch vụ dạng này còn tỏ ra coi thường các cơ quan thực thi pháp luật khi tạo dựng cho mình riêng một website có tên miền chỉ đích danh dịch vụ chuyên làm bằng đại học, cao đẳng, thạc sĩ của mình.

Điển hình như trang: www.lambangdai... Trên trang web này, các đối tượng cho biết việc mình lập website nhằm mục đích mang đến cho người có nhu cầu dịch vụ làm bằng cấp uy tín. Tinh vi hơn, trên giao diện trang web còn đề cập: “Hiện nay, chúng tôi chỉ nhận đơn đặt hàng là bằng đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thông thường. Ngoài ra không nhận các đơn đặt hàng là bằng cấp quốc tế”.

Nhằm mục đích tiếp thị trực tiếp hoạt động dịch vụ làm văn bằng giả của mình, các đối tượng còn đưa ra các mức giá đi kèm. Theo đó, quy định rõ kể từ ngày 1/6/2012, giá của bằng đại học là 10 triệu đồng; cao đẳng, trung cấp, học nghề là 7,5 triệu đồng và chứng chỉ Anh văn, tin học của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 1 triệu đồng…

Các đối tượng và tang vật trong một vụ mua, bán văn bằng - chứng chỉ giả bị lực lượng Công an phát hiện. Ảnh: T.L.

Theo những lời quảng cáo trên các trang mạng liên quan đến dịch vụ cung cấp văn bằng không do cơ quan có thẩm quyền cấp cho thấy, hiện các “đầu nậu” đều khẳng định rằng, mình có thể đáp ứng hết các đơn đặt hàng - văn bằng, cho dù số lượng có lớn thế nào đi chăng nữa. Nếu cơ quan chức năng không quyết liệt hơn nữa trong công tác ngăn chặn, xử lý vi phạm trên lĩnh vực làm văn bằng giả thì hậu quả thật khó tính hết cho xã hội.

Khuyến cáo các cơ quan tuyển người hãy chủ động thẩm tra văn bằng

Trong quá trình tìm hiểu về tình trạng công khai rao bán văn bằng, chúng tôi cảm thấy khá sốc trước việc một số “đầu nậu” còn cung cấp thông tin mình còn nhận làm cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Theo “đầu nậu” tên P. có số điện thoại 0903.379…, nếu khách có nhu cầu làm bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì phải chi một khoản tiền 8 triệu đối với bằng thạc sĩ và 10 triệu đối với bằng tiến sĩ.

Chưa hết cũng theo P., người có nhu cầu làm bằng thạc sĩ, tiến sĩ trong quá trình ký hợp đồng làm dịch vụ phải cung cấp đầy đủ các dữ liệu cá nhân như: tên tuổi, ngày sinh, trường - ngành cấp bằng, năm tốt nghiệp, số CMND và ảnh 3x4. Vậy là không chỉ có bằng đại học ngay cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ… các đối tượng “đầu nậu” cũng khẳng định sẽ cung cấp đầy đủ nếu khách hàng cần.

Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Phạm Văn Quyết - Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hằng năm, nhà trường đào tạo khoảng 70 tiến sĩ và từ 500 đến 600 thạc sĩ với các chuyên ngành khác nhau. Việc cấp phát bằng đều được thực hiện chặt chẽ ở mọi công đoạn. Các đề tài học viên bảo vệ xong đều được nhà trường lưu trong bảng biểu theo dõi. Thế nên khi đối chiếu văn bằng với hồ sơ lưu trong trường, những trường hợp sử dụng văn bằng sai quy định sẽ khó tránh khỏi việc bị phát hiện, xử lý.

Do vậy, chúng ta - những người đang có ý định “đốt cháy” giai đoạn học tập bằng cách mua văn bằng không do cơ quan có thẩm quyền cấp cần nhận thức rõ hệ lụy đi kèm. Người mua và sử dụng văn bằng giả sẽ khó tránh khỏi việc bị phát giác là vậy. Còn các đối tượng kinh doanh, rao bán bằng giả thì sao? Xin thưa, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Tất cả sẽ sớm bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Mới đây, ngày 2/7 Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, đã khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức gồm Đào Anh Tuấn, 28 tuổi ở Kiến Xương (Thái Bình); Vũ Đình Quyền, 27 tuổi ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) và Nguyễn Đăng Đức, 25 tuổi ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Trước đó, các đối tượng đã liên kết với nhau tổ chức dịch vụ làm bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ giả cho người có nhu cầu.

Ngày 20/6, khi đang giao dịch tấm bằng đại học giả (có giá 8,5 triệu đồng) cho một khách hàng trên phố Xã Đàn (quận Đống Đa), Quyền đã bị lực lượng Công an phát hiện, bắt quả tang. Mở rộng điều tra, cơ quan Công an bắt tiếp Tuấn và Đức. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, trước đó đã làm và bán văn bằng giả cho không ít người để kiếm tiền tiêu xài.

Theo PGS.TS Phạm Văn Quyết - Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), để ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng văn bằng giả như hiện nay, bên cạnh việc các lực lượng chức năng thắt chặt hơn nữa công tác kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm vi phạm, các cơ quan, đơn vị khi thấy những nhân viên, trường hợp xin việc sử dụng văn bằng nghi làm giả cần gửi công văn phối hợp với các nhà trường – nơi cấp văn bằng để sớm có thông tin xác nhận liên quan. Từ đó đưa ra hướng xử lý kịp thời.

Trần Huy
.
.
.