Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XII:

Các cơ quan tư pháp quyết tâm chống án oan sai, tồn đọng

Thứ Ba, 06/11/2007, 08:23

Sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về công tác của TAND tối cao, Viện KSND tối cao, công tác thi hành án, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Nâng cao công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, hạn chế tối đa án oan sai, tồn đọng, không bỏ lọt tội phạm được đại biểu Quốc hội phân tích kỹ.

Khắc phục nguyên nhân chủ quan

Về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, các ý kiến thừa nhận những kết quả tích cực như báo cáo trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, đặc biệt trong việc tấn công, truy quét các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm nguy hiểm, hoạt động xuyên quốc gia, tội phạm tham nhũng, ma tuý, buôn bán người...

Một số loại tội phạm mới, hoạt động với thủ đoạn tinh vi như tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tiền tệ... mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Bộ Công an đã chỉ đạo CQĐT khám phá, điều tra, làm rõ nhiều vụ nguy hiểm, sớm đưa ra xét xử nghiêm trước pháp luật.

Đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận những nỗ lực của lực lượng Công an trong phát hiện, điều tra tội phạm về tham nhũng, nhất là sau khi Bộ Công an thành lập đơn vị chuyên trách.

Cùng với hoạt động điều tra, các khâu tố tụng tiếp theo gồm truy tố, xét xử, thi hành án cũng được các ý kiến phân tích trên nhiều góc độ. Việc tập trung làm rõ các vụ án điểm, đảm bảo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp trong các hoạt động tố tụng là chìa khoá để đấu tranh, làm rõ, nhất là các vụ án liên quan bị can, bị cáo nguyên là cán bộ có chức vụ, quyền hạn.

Tuy nhiên, các tồn tại trong hoạt động tố tụng cũng cho thấy nhiều vấn đề phải tháo gỡ cả về yếu tố pháp lý cũng như về con người. Đáng chú ý, tình trạng án oan, sai, án tồn đọng, kéo dài không được xử lý dứt điểm. Số vụ việc tuy chiếm tỷ lệ không lớn so với tổng thể nhưng nguyên tắc trong hoạt động tố tụng là phải hạn chế đến mức thấp nhất việc xử lý oan sai.

Theo phân tích của nhiều ý kiến, vấn đề chủ yếu là CQĐT, VKS, Tòa án phải tập trung khắc phục các nguyên nhân thuộc chủ quan, đó là về nhân lực (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán), đảm bảo chuẩn hoá trình độ đối với đội ngũ này và tăng cường đủ số lượng, nhất là ở cấp huyện khi thực hiện mở rộng thẩm quyền xét xử các tội phạm có khung hình phạt đến 15 năm tù.

Nhiều ý kiến đề nghị phải có biện pháp ngăn ngừa, chống vi phạm pháp luật ngay trong cơ quan tố tụng, làm rõ các vụ, việc điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có hành vi tiêu cực, đảm bảo xử lý nghiêm.

Xem xét trách nhiệm đối với án oan, sai

Liên quan công tác của toà án, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình thừa nhận năng lực của một bộ phận thẩm phán, cán bộ toà án còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Ngành toà án vẫn đang gặp khó khăn về nhân lực cần phải bổ sung, nhất là đối với toà cấp huyện được nâng thẩm quyền xét xử theo quy định mới.

Chánh án Trương Hoà Bình cho biết hướng tuyển chọn nhân sự vào toà án các cấp sẽ quan tâm đến công tác thi tuyển. Theo đó, những sinh viên tốt nghiệp giỏi đều có thể tham gia thi tuyển theo quy định cụ thể của ngành toà án, mục tiêu nhằm tuyển được người có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt. Đối với tiêu cực trong nội bộ, TAND tối cao kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm.

Về việc một số vụ án VKS trả hồ sơ để CQĐT điều tra bổ sung, Viện KSND tối cao Trần Quốc Vượng giải thích, các trường hợp trả hồ sơ khi VKS nhận thấy còn thiếu chứng cứ kết tội, có vi phạm pháp luật trong thủ tục tố tụng hoặc vì một số yêu cầu khác. Việc trả hồ sơ dẫn tới những vụ án này thường kéo dài, chậm được xét xử nhưng về nguyên tắc tố tụng vẫn phải thực hiện theo đúng quy định.

Trên thực tế, các vụ án VKS đình chỉ điều tra không nhiều, chủ yếu là đình chỉ do bị can không có tội hoặc có tội nhưng thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Viện trưởng Trần Quốc Vượng cũng thừa nhận những vụ oan, sai tuy chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng nhất thiết phải hạn chế đến mức thấp nhất. Tới đây sẽ xem xét trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng án oan, sai.

Theo ông, nguyên nhân chủ quan là cơ bản, đó là do năng lực của một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán còn hạn chế. "Tôi xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội về vấn đề này" - Viện trưởng Trần Quốc Vượng thẳng thắn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận hoạt động luật sư trong quá trình tố tụng chưa theo kịp yêu cầu. Cả nước có khoảng 4.000 luật sư, chưa kể số tập sự, sinh hoạt tại 62 đoàn nhưng chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vai trò của luật sư tham gia tố tụng còn nhiều bất cập. Ông cũng thừa nhận việc quản lý luật sư ở các địa phương còn lỏng lẻo, xảy ra tình trạng luật sư vi phạm pháp luật, có nơi luật sư phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, nguyên nhân tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm có mặt chủ quan là văn bản pháp luật chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tiền tệ, thuế... Hoạt động của cơ quan tố tụng trong vấn đề này gặp khó khăn do lực lượng, phương tiện phục vụ đấu tranh còn mỏng, chưa được trang bị đầy đủ theo yêu cầu mới, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn những bất cập.

Lực lượng CSĐT các cấp đã được tăng cường nhưng số lượng vẫn còn thiếu, nhất là tại cơ sở. Kinh nghiệm trong đấu tranh các loại tội phạm mới cũng còn nhiều hạn chế... Theo đó, Bộ Công an đang tập trung bồi dưỡng, đào tạo chuẩn hoá cán bộ, nhất là điều tra viên CQĐT các cấp, đảm bảo thực hiện yêu cầu cải cách tư pháp.

Liên quan việc phát hiện, điều tra án tham nhũng, trả lời báo chí trước đó, Bộ trưởng Lê Hồng Anh cho biết từ khi thành lập lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng đến nay đã khởi tố trên 500 vụ với khoảng 1.000 bị can, hiện đã xử lý hơn 300 vụ với hơn 700 bị can. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chậm tiến độ điều tra đối với một số vụ án tham nhũng do một số nguyên nhân khách quan.

Hiện nay, khi đã có Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và các địa phương, ban này đã được giao một số thẩm quyền trong việc quyết định những vấn đề liên quan cán bộ vi phạm nên đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của CQĐT

Phan Đăng
.
.
.