Các bệnh viện nhi quá tải

Thứ Năm, 21/12/2006, 09:27
BV Nhi đồng II, hơn 1.000 giường bệnh nhưng công suất hoạt động lúc nào cũng vượt hơn 150%, bệnh nhi ngoại trú từ 2003 tới 2006 luôn tăng hơn 200%. Bệnh nhi luôn phải nằm đôi, nằm ba.

50 - 70% lượng bệnh nhi tại các bệnh viện (BV) nhi lớn là được chuyển từ tuyến dưới lên. Để điều trị cho một lượng bệnh nhân (BN) quá lớn, các BV nhi trong nhiều năm qua đã liên tục có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng điều trị, rút ngắn số ngày nằm viện, xây dựng thêm BV, mở rộng cơi nới…

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, từ 4.000 cơ sở y tế vào 2001 nay đã trên 12.000 cơ sở, từ một BV tư nhân năm 2000 nay đã có 23 BV tư với gần 2.000 giường bệnh, song quá tải vẫn hoàn… quá tải.

Ngày 20/12, tại TP Hồ Chí Minh, 135 các bác sỹ là lãnh đạo, Trưởng, Phó khoa nhi của 65 cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương đã bàn giải pháp khắc phục tình trạng trên tại các BV nhi.

Suốt 2 thập kỷ sống chung với quá tải

Bác sĩ Trần Thị Ngọc, Trưởng Khoa nhi BV Đa khoa Tiền Giang cho biết, số giường bệnh Khoa nhi của BV này chỉ có 90 giường, nhưng con số bệnh nhi tại đây luôn hơn 300. Theo bác sỹ Ngọc, mỗi ngày tại BV có hơn 500 bệnh nhi đến khám và nhập viện điều trị.

Do số lượng bệnh nhi luôn quá tải nên phải nằm ở… hành lang. Nhưng với đặc thù của bệnh nhi nhỏ tuổi nên 1 bệnh nhân thường xuyên còn có người nhà đi theo, gặp phải lúc đợt dịch bệnh như sốt xuất huyết, viêm não, tiêu chảy… thì đến cả hành lang BV cũng chật kín.

Ở BV Đa khoa tỉnh Bình Dương, cảnh quá tải cũng diễn ra tương tự. Bác sỹ Nguyễn Thị Gắn, Phó Khoa nhi BV này đã phải than: "Số bệnh nhân điều trị nội trú khi nào cũng trên 200 em, nhưng chỉ có 100 giường nên tình trạng quá tải cứ kéo dài suốt thời gian qua, làm cho BV mất trật tự.

Tại BV Nhi đồng II, hơn 1.000 giường bệnh nhưng công suất hoạt động lúc nào cũng vượt hơn 150%, BN ngoại trú từ 2003 tới 2006 luôn tăng hơn 200%. Và tình cảnh BN luôn phải nằm đôi, nằm ba.

Trong 11 tháng đầu năm 2006 tại BV Nhi đồng I đã có 114.065 bệnh nhi đến khám và nhập viện. Một kỷ lục từ trước tới nay là BV đã từng tiếp nhận tới 5.200 bệnh nhi đến khám trong 1 ngày. Trong khi chỉ có hơn 1.000 giường bệnh.

Nguyên nhân và giải pháp? 

Theo ông Cái Quốc Thắng, Chuyên viên cao cấp Bộ Y tế, việc quá tải một  phần do Bộ Y tế lâu nay chỉ định 2 BV Nhi đồng I và II phụ trách các tỉnh phía Nam, điều này đã tạo ra sự ỷ lại, trông chờ vào BV này và thực tế việc chuyển viện lên tuyến trên cho thấy rõ điều đó.

Một nguyên nhân nữa là các BV tư ra đời nhiều nhưng lại chưa có một cơ sở nào đầu tư cho nhi khoa. Và theo ông Thắng, quá tải chủ yếu do vượt tuyến. Vì 79,5% BN tỉnh chuyển lên do không tin tưởng vào cơ sở y tế tuyến dưới, 21% BN vượt tuyến vì cho rằng thuốc men ở tuyến dưới không đủ và không tốt bằng cho dù 74% các BN chỉ mắc các bệnh thông thường.

Như vậy để chống quá tải nên xây thêm BV Nhi III, hay Nhi IV ngay tại một tỉnh nào đó để thu hút BN về đây, giảm tải cho BV nhi TP.

Một trong những nguyên nhân theo bác sỹ Bạch Văn Cam, việc đánh giá đúng mức tình trạng bệnh nhân để chuyển đi là tối quan trọng nhằm làm giảm quá tải ở tuyến trên.

Qua thực tế trong 100 bệnh nhi ở BV Nhi đồng I thì thực chất chỉ có 2%, tức là 2 BN thực sự cần chuyển viện. Còn 98% là những bệnh thông thường mà BV tuyến dưới có thể xử lý. Do đó việc xây dựng chuyên khoa nhi vệ tinh tại BV đa khoa là cần hơn. Bác sỹ nhi tại đa khoa tỉnh đều có kinh nghiệm chuyên khoa, có học vị sau đại học. Bằng cách đưa bác sỹ tới BV Nhi I, II của TP đào tạo về khoa ngoại về chuyên khoa, hội chẩn. Vấn đề còn lại chỉ là cơ chế, quản lý.

BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, một thực trạng nguy hiểm nhưng lại là có thực đang xảy ra tại hầu hết các BV đa khoa cũng như BV nhi, đó là tình trạng các bác sỹ được đào tạo ra trường chê không về. Do đồng lương và các chế độ cho bác sỹ khoa nhi quá thấp.

Theo bác sỹ Phạm Văn An, Chuyên khoa nhi - Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh lại đưa ra giải pháp bằng mô hình "Bác sĩ gia đình". Ông cho rằng, nên tận dụng lực lượng bác sỹ gia đình.

Lực lượng này là thành phần chăm sóc sức khỏe ban đầu, xử trí và chẩn đoán những dấu hiệu bệnh từ lúc ban đầu nên tránh được tình cảnh bệnh nhẹ, bệnh thông thường cũng chạy đến bệnh viện. Được biết, thống kê tại TP Hồ Chí Minh hiện có 5,6 triệu dân và thêm 2 triệu dân nhập cư.

Theo đà tăng dân số tới năm 2010, TP sẽ có 10 triệu dân, trong đó có 1.400.000 là trẻ em là dưới 14 tuổi. Với lượng dân số như trên, TP sẽ cần phải có 980 bác sỹ chuyên khoa nhi. Nếu theo quy định 1 bác sỹ/10.000 dân và 40 giường bệnh/10.000 dân thì tới năm 2010 TP cần 5.600 giường bệnh và 1.400 bác sỹ nhi khoa.

Vậy phát triển theo mô hình nào cho các BV nhi khỏi quá tải vẫn đang là điều trăn trở cho những nhà quản lý ngành Y tế.Trước mắt và lâu dài thì việc phải biết sống chung với bệnh quá tải và áp dụng linh hoạt tại cơ sở mình vẫn là giải pháp của các BV nhi

Huyền Nga
.
.
.