Giang hồ truy sát trong bệnh viện: Bảo vệ ở đâu?

Thứ Ba, 09/05/2017, 08:04
Vụ việc ngày 7-5 có khoảng 20 thanh niên mang theo hung khí khống chế lực lượng bảo vệ của Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội rồi xông vào Khoa Cấp cứu chém bệnh nhân đang được điều trị ở đây, đã thực sự báo động về công tác an ninh bệnh viện (BV).


Bởi khi giang hồ vào tận giường bệnh để truy sát nhau, nghĩa là cả tinh thần lẫn tính mạng các thầy thuốc và người bệnh cũng đều bị đe dọa.

Tổng cục Cảnh sát cũng đã thống kê hàng loạt vụ việc tương tự và nhấn mạnh rằng, tình trạng các băng nhóm giang hồ truy sát nhau tại các BV là một trong những vấn đề nổi cộm của công tác đảm bảo ANTT tại các BV.

Các vụ việc trên thường xảy ra khi các băng nhóm ẩu đả, hỗn chiến đâm chém nhau để giải quyết mâu thuẫn, khiến các đối tượng bị thương phải đưa vào BV để cấp cứu.

Các đối tượng này tiếp tục truy sát vào tận khu vực cấp cứu với gậy gộc, dao kiếm, gây mất trật tự tại các BV, cùng các hành vi nguy hiểm cho các thầy thuốc, nhân viên BV, các bệnh nhân khác.

Vụ côn đồ hành hung nạn nhân ở Đắk Lắk.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (KCB), Bộ Y tế, cho rằng nguyên nhân của việc mất an ninh BV là do các biện pháp bảo đảm an ninh nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Các BV chưa chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an để thực hiện tốt các phương án phòng chống khủng bố trong BV; cũng chưa đề cao công tác tuyển dụng, huấn luyện và kiểm tra thường xuyên nhân viên bảo vệ, nên nhân viên bảo vệ chưa có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ bảo vệ, được ngành Công an cấp chứng chỉ theo quy định và các tiêu chuẩn về trình độ, phẩm chất, năng lực.

Nhân viên bảo vệ BV không chuyên nghiệp, không đủ năng lực để chống lại đối tượng gây mất an ninh, thậm chí có trường hợp nhân viên bảo vệ bỏ chạy khi đối tượng tấn công thầy thuốc như ở BV Đa khoa TP Cần Thơ năm 2016. Do hạn chế về kinh phí và sự quan tâm của lãnh đạo BV nên việc vào ra phòng cấp cứu của nhiều BV còn khá dễ dàng.

Các BV chưa nghiên cứu lắp đặt cửa có khóa từ hoặc khóa số nên người nhà người bệnh có thể vào khu vực nhân viên y tế đang chăm sóc, để hành hung nhân viên y tế hay bệnh nhân.

Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự chỉ ra một số nguyên nhân: Hầu hết nhân viên bảo vệ tại các BV đã ít lại thiếu tính chuyên nghiệp, đặc biệt là trong phản ứng với các tình huống nguy hiểm.

Nhân viên bảo vệ tại các BV chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát người ra vào cổng BV, trông xe, ít can thiệp vào việc kiểm soát người tại các khu vực KCB.

Do vậy, khi có tình huống phát sinh tại khu vực KCB, các nhân viên bảo vệ không kịp thời phản ứng, xử lý tình huống. Nhiều trường hợp đối tượng sử dụng hung khí gây rối tại các BV nhưng các nhân viên bảo vệ không dám khống chế, trấn áp đối tượng.

Hiện nay, chỉ có các BV lớn mới có sự phối hợp giữa Công an sở tại với BV trong việc cắt cử cán bộ tham gia bảo vệ, đảm bảo ANTT tại các BV, còn lại chủ yếu là thuê lực lượng bảo vệ của các công ty tư nhân.

Thực trạng này cho thấy, vấn đề an ninh ở các BV cần phải được tăng cường hơn bao giờ hết. Để khắc phục tình trạng trên, Đại tá Phạm Văn Tám cho rằng: Các BV cần lựa chọn nhân viên bảo vệ của các công ty có trình độ, chuyên môn chuyên nghiệp, có khả năng ứng phó với các tình huống thường xảy ra tại các BV; có phương án xử lý các tình huống và được rèn luyện thường xuyên; có kế hoạch kiểm tra khả năng ứng phó tình huống và công tác đảm bảo cho sự an toàn của BV của các nhân viên này.

Đối với các BV lớn, có lượng người đến đông, trong khi chuyên môn của các nhân viên bảo vệ không đáp ứng được yêu cầu, các BV nên trao đổi, phối hợp với cơ quan Công an sở tại để cắt cử cán bộ tuần tra, bảo vệ, đảm bảo ANTT tại các BV.

Các BV cũng cần phối hợp với lực lượng Công an tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các BV, cũng như kịp thời báo cho lực lượng Công an những tình huống bệnh nhân đến khám bệnh có nghi vấn là do đâm chém, đánh nhau để có biện pháp điều tra, phòng ngừa.

Một biện pháp nữa được Cục Cảnh sát hình sự đưa ra cho các BV là tổ chức thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về ANTT tại các BV; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các thầy thuốc, nhân viên BV và bệnh nhân nâng cao ý thức bảo vệ ANTT tại BV.

Thanh Hằng
.
.
.