Cà Mau: Nguy cơ sạt lở đê biển Tây bước đầu được kiểm soát

Thứ Hai, 11/10/2010, 10:55
Hiện nay, nguy cơ sạt lở đê biển Tây ở Cà Mau bước đầu đã được kiểm soát khi tỉnh này đang vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão.

Các địa phương có tuyến đê đi qua như: U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân phối hợp với ngành chức năng huy động lực lượng, phương tiện, vật liệu xây dựng gia cố, bồi trúc những đoạn đê bị sạt lở nghiêm trọng, không để xảy ra vỡ đê nhằm bảo vệ đời sống, mùa vụ sản xuất của nhân dân.

Trên đoạn đê xung yếu từ Lung Ranh đến Rạch Dinh thuộc địa bàn huyện U Minh, với chiều dài hơn 2.000m, trong đó gần 900m sạt lở mà nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào đã được gia cố bằng cừ tràm, cừ bản nhựa và kè rọ đá; thi công thí điểm 300m kè ngầm tạo bãi bồi trồng cây chắn sóng cách chân đê khoảng 80m để bảo vệ đê.

Tại huyện Phú Tân, đoạn đê khu vực cửa biển Cái Cám thi công hoàn thành 250m kè rọ đá, đóng hơn 20.000 cây cừ tràm và sử dụng nhiều vật liệu hỗ trợ khác bảo vệ đê. Ngoài ra, nhiều đoạn bị sạt lở khác trên toàn tuyến đê biển Tây đã được ngành chức năng kết hợp với địa phương gia cố, bồi trúc, trồng rừng phòng hộ chắn sóng nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ vỡ đê trong mùa mưa bão.

Tuy nhiên, tình hình sạt lở đê biển Tây còn diễn biến phức tạp do toàn tuyến đê biển này xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn rừng phòng hộ bị mất trắng, không còn khả năng chắn sóng và xói lở vào đến tận chân đê; công tác bảo vệ đê gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn và nhân lực. Hiện còn hàng ngàn hộ dân nghèo sinh sống trên tuyến đê biển Tây chưa được di dời vào các khu tái định cư, ảnh hưởng bất lợi đến công tác bảo vệ và xâm hại nghiêm trọng đê biển.

Với chiều dài 92km, đê biển Tây bảo vệ khoảng 200.000ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của nhân dân 3 huyện là Trần Văn Thời, U Minh và Phú Tân. Ngoài việc tăng cường các biện pháp gia cố, bồi trúc đê biển, 3 huyện này còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn dân, nhất là những hộ dân sống ven đê nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ rừng phòng hộ, không xâm hại đê biển, trồng cây chắn sóng ở các khu vực bị sạt lở để phòng hộ bảo vệ đê.

Về lâu dài, tỉnh Cà Mau huy động các nguồn lực, nguồn vốn khoảng 5.000 tỷ đồng đầu tư, xây dựng và nâng cấp đê biển Tây kết hợp phát triển giao thông, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân trong vùng; đồng thời khôi phục lại dãy rừng phòng hộ dọc theo đê biển Tây.

Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng hoàn thành các khu tái định cư ven biển để di dời hộ dân đang sinh sống trên đê biển Tây vào ổn định đời sống

Lê Huy Hải
.
.
.