CSGT đồng loạt kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện

Thứ Tư, 07/09/2011, 18:10
Từ 1/9 (Tháng ATGT năm 2011), CSGT cả nước sẽ đồng loạt triển khai kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Cho dù vẫn còn nhiều bất cập về trang bị máy đo, xác định đối tượng, bộ thao tác chuẩn khi đo kiểm... nhưng CSGT vẫn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, khó - phải nghĩ cách, không thể lơ là.

Quốc lộ của: "tửu nhập… họa xuất"

Quốc lộ 5 từ Hà Nội về Cảng Hải Phòng với chiều dài trên 100km là tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch nhất khu vực phía Bắc với lưu lượng hàng vạn lượt phương tiện các loại qua lại mỗi ngày. Với nỗ lực làm giảm những bức xúc về TTAT giao thông trên tuyến, lực lượng CSGT các địa phương nơi quốc lộ đi qua, đặc biệt là thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp từ hướng dẫn, tuyên truyền đến tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đối với người tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Quốc lộ 5 không chỉ là con đường vận tải thông thường, hai bên hành lang của nó còn có tới hàng trăm quán nhậu, nhà hàng lớn nhỏ các loại.

Thống kê mới nhất của Trạm CSGT Ba Hàng (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Hải Dương), chỉ tính từ km số 30 đến km số 45, đã có tới trên 50 cơ sở ăn nhậu đêm ngày phụng sự cho các lái, phụ xe. Và từ đây, "họa" đã "xuất"… Theo phân tích của lực lượng CSGT các tỉnh, thành phố, có khoảng trên 50% số vụ tai nạn nghiêm trọng trên tuyến quốc lộ này, nguyên nhân xuất phát từ việc lái xe uống rượu bia dẫn đến mất khả năng điều khiển phương tiện.

Còn theo thống kê của  ngành Y tế Hải Dương, riêng 8 tháng đầu năm 2011, trung bình mỗi tuần có từ 100 - 120 bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh do tại nạn giao thông liên quan đến bia, rượu. Đáng nói, các vụ tai nạn nguyên nhân từ rượu bia thường ở mức độ rất nghiêm trọng, chủ yếu là chấn thương sọ não, gãy cột sống, dễ bị tử vong hoặc mang thương tật suốt đời.

Cảnh sát giao thông: "Khó - càng phải nghĩ cách"

Tai nạn giao thông quả đang là một thảm họa và vấn nạn uống rượu, bia quá mức trong lúc lái xe càng làm cho thảm họa ấy khủng khiếp hơn. Xác định rõ mối nguy cơ luôn tiềm ẩn đó, toàn lực lượng CSGT  - Công an tỉnh Hải Dương đã tập trung cao cho chuyên đề: "Phòng, chống uống rượu, bia với người điều khiển phương tiện giao thông" trong Tháng An toàn giao thông năm 2011.

Đã có rất nhiều công việc được triển khai như tích cực tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ tới các đối tượng có độ tuổi từ 18 - 40, tại các trường THPT, đại học, cao đẳng, các trường nghề, cơ quan, doanh nghiệp có đông người tham gia giao thông nằm ven các trục đường chính, nhất là Quốc lộ 5. 1 tháng trước ngày ra quân Tháng An toàn giao thông, lực lượng còn triển khai thực nghiệm đo độ cồn các lái xe đang điều khiển phương tiện tại các vị trí trọng điểm gồm các tuyến quốc lộ chính, khu đô thị, nơi đông dân, các địa bàn trọng điểm TP Hải Dương, thị xã Chí Linh, các huyện Nam Sách, Cẩm Giàng, Kim Thành…

Qua kiểm tra, đã phát hiện, lập biên bản 35 lái xe hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 6 tháng, tạm giữ 1 ôtô khách…

CSGT đang kiểm tra nồng độ cồn.

Tuy nhiên, từ thực nghiệm thí điểm cho thấy, việc kiểm tra nồng độ cồn còn gặp rất nhiều bất cập. Chẳng hạn, máy đo quá ít, chỉ có thể trang bị cho một số đơn vị CSGT chuyên tuyến và TP Hải Dương chứ chưa thể trang bị đủ cho tất cả các huyện, thị xã. Các lái xe tham gia giao thông tỏ ra thiếu hợp tác  không chịu ngậm vào ống thổi của máy đo với lý do, ống nhiều người ngậm, mất vệ sinh, dễ lây bệnh truyền nhiễm (!).

Trung tá Phạm Văn Lưu, Trưởng Trạm CSGT Ba Hàng  còn cho biết, việc yêu cầu kiểm tra thực tế đối với đối tượng tình nghi có nồng độ cồn trong máu vượt quá tiêu chuẩn cho phép hoàn toàn không phải dễ như xem trên… truyền hình. Trước hết, các đối tượng say xỉn thường không làm chủ bản thân, thể trạng rất kém, "thở không ra… hơi" nên thao tác thổi không chuẩn. Trong khi đó, nếu thổi không đủ áp lực cần thiết máy sẽ cho ra kết quả sai và buộc phải làm đi làm lại nhiều lần. Thứ nữa, do phải kiểm tra ngay tại hiện trường (đường sá), đối tượng trong tình trạng say ngật ngưỡng nên người thực thi nhiệm vụ rất khó để có được những thao tác, tư thế chuẩn, thể hiện được đúng tính uy nghiêm cũng như tác phong điều lệnh của CAND. Đó là chưa kể đến kẻ say thường ăn nói ngang tàng, văng mạng rất dễ gây hiểu lầm dưới con mắt của người dân.

Không riêng gì CSGT Hải Dương, lực lượng này tại các tỉnh, thành khác như Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình hiện nay cũng còn có những băn khoăn ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đơn cử: việc ra hiệu lệnh dừng phương tiện của đối tượng nghi vấn say xỉn khác với các trường hợp vi phạm khác, rất nguy hiểm, đe dọa sự an toàn của lực lượng kiểm tra. Rồi nữa, cơ quan quản lý chức năng của ngành cũng cần chú ý đến tính hợp chuẩn, tính khả dụng, thao tác dễ dàng, tiện lợi cũng như chất lượng ổn định của thiết bị (máy đo) trước khi trang bị cho lực lượng CSGT. Hiện nay, tất cả các máy đo trang bị cho CSGT Hải Dương sau 1 tháng sử dụng thí điểm đã được chuyển hết về cơ quan chuyên ngành để giám định, hiệu chỉnh, dự kiến phải đến ngày 15-9 mới có thể tái sử dụng.

Cũng theo Trung tá Phạm Văn Lưu, trước những diễn biến phức tạp về tai nạn giao thông trên tuyến  như hiện nay, cho dù còn có những vấn đề chưa thuận lợi nhưng một khi đã thực thi nhiệm vụ, Cảnh sát giao thông hơn lúc nào hết phải vượt qua những khó khăn, vướng mắc trên, phải biết  nhất là phải luôn thấy rằng việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hết sức cần thiết, cấp bách.

Riêng Trạm CSGT Ba Hàng, ngoài việc sử dụng máy đo, đơn vị đã được Phòng CSGT Công an tỉnh cho phép kết hợp với các lực lượng chuyên môn khác, nếu cần có thể áp dụng biện pháp lấy mẫu máu để phân tích cho ra kết quả ngay. Đặc biệt, như đã nói, do đối tượng kiểm tra trong tình trạng say xỉn khó thực hiện kiểm tra đồng loạt, tràn lan, xác định được đối tượng nghi vấn. Đó là  bố trí mật phục trước các tụ điểm ăn nhậu thuộc loại "nổi tiếng" ven Quốc lộ 5, chỉ khi nắm chắc kẻ say cầm vô lăng thì mới gọi điện thông báo cho lực lượng chốt chặn ở cự ly gần đó, bảo đảm xe kiểm tra chưa đủ trớn để tăng tốc phóng nhanh, vượt ẩu…

Lê Minh Triết
.
.
.