COVID-19 – Bước ngoặt quyết định

Chủ Nhật, 29/03/2020, 08:40
Trong cuộc chiến với giặc dịch COVID-19, khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” đã trở thành lời hiệu triệu toàn dân, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng.


Nhìn lại quãng thời gian chống dịch của Việt Nam kể từ khi có bệnh nhân nhiễm đầu tiên vào ngày 23-1 và 22 ngày không xuất hiện thêm một người nhiễm nào, cho đến khi có bệnh nhân thứ 17, và đến sáng 28-3 có ca nhiễm thứ 169 song chưa có người tử vong cho thấy được sự nỗ lực to lớn của Chính phủ và toàn dân với giặc dịch. Thành quả đó thể hiện sự đúng đắn của Chính phủ khi lần lượt áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, sự nỗ lực của toàn dân và đội ngũ phòng chống dịch nơi “đầu sóng ngọn gió”.

Đó là các y bác sỹ, lực lượng Quân đội, Công an, sinh viên, các viên chức được giao nhiệm vụ phòng chống dịch. Thành quả đó, nỗ lực đó, bao mồ hôi công sức đã đúc rút những kinh nghiệm quý giá trong chặng đường tiếp theo.

Giờ đây, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam và trên toàn thế giới đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.

“Ngồi yên là yêu nước, ở nhà là yêu nước” là những khẩu hiệu thể hiện tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân trong thời điểm này.

Hãy nhìn ra thế giới để thấy được hậu quả nặng nề của việc không thực hiện cách ly nghiêm túc, chủ quan với virus COVID. Mỹ đã trở thành tâm dịch lớn nhất thế giới, Ý là quốc gia có tỷ lệ chết vì COVID-19 cao nhất với 10,1%. Nhiều quốc gia đã phong tỏa, giới nghiêm hay ban bố tình trạng thảm họa để dập dịch. Và rất nhiều những biện pháp cứng rắn đã được các quốc gia đưa ra để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, không tuân thủ yêu cầu. Bởi đã có hơn 3 tỷ người trên thế giới được yêu cầu ở nhà để chống dịch.

Chúng ta cũng vậy: Ở nhà là yêu nước. Hãy yên lặng để phát hiện ra con virus quái đản giết người đang trỗi dậy ở nơi nào, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để chúng ta tìm mọi cách “tìm ra nó, bắt được nó” và tiễu trừ tận gốc. Cho đến thời điểm này chưa thể đo đếm hết sự thiệt hại to lớn của đại dịch COVID-19 đối với thế giới loài người. Thiệt hại nặng nề nhất chính là nhân mạng, đến nay chưa thể dự tính COVID sẽ tước đoạt bao nhiêu con người.

Đồng thời, những tính toán gần nhất cho thấy hậu quả to lớn của đại dịch gây ra với thế giới với nhiều nền kinh tế mở phải chấp nhận đóng cửa, trong khi bản chất thế giới là giao thương và kết nối. Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho thấy, nếu COVID-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản. Các ngành hàng không, vận tải, du lịch…, các khối trường học tư nhân đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán và sụp đổ… 

Và tệ hại hơn, tất cả mỗi một chúng ta đều có thể là nạn nhân của COVID-19, sự sống và những người thân bên cạnh ta đều phụ thuộc vào hành động của mỗi  chúng ta.

Vậy chúng ta có thể chiến thắng đại dịch hay không? Đến bao giờ thì ta có thể lập lại cuộc sống bình thường như ban đầu?

Thủ tướng Chính phủ đã gửi đi một thông điệp quan trọng: “Trong 10-15 ngày tới sẽ quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch COVID-19 ở Việt Nam”. Rõ ràng, điều này khẳng định, mỗi cuộc chiến nếu muốn chiến thắng kẻ thù thì phải giành lấy thời cơ. Chớp thời cơ cách mạng thể hiện sự nhanh nhạy, quyết đoán và sự đoàn kết trên dưới một lòng.

Thời cơ của Việt Nam là hai tuần sắp tới, với sự kiên trì cao nhất, tập trung nhất và quyết liệt nhất, mà mỗi người dân phải thực sự là một chiến sỹ, một pháo đài chống giặc dịch. Giữ cho mình không lây nhiễm, giữ cho người khác không lây nhiễm chính là hành động yêu nước, góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19…

Nguyễn Thị Hạnh Loan
.
.
.