Bước qua vũng lầy trở thành triệu phú nuôi tôm

Thứ Sáu, 18/07/2014, 17:58
Chỉ vì một phút thiếu kìm chế, ông Trương Quang Tùng (50 tuổi, ở làng Tú Phong, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), đã lỡ tay đánh một đối tượng sử dụng thuốc nổ đánh bắt cá bị thương tích. Hậu quả, ông Tùng lãnh án tù về tội cố ý gây thương tích. Nhưng, ông Tùng đã nghị lực vươn lên làm lại cuộc đời…

Biến cố cuộc đời của ông Tùng xảy ra cách đây 20 năm. Năm 1994, khi còn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), ông Tùng làm Phó trưởng Công an xã Tam Tiến. Trong một lần thi hành công vụ, do trước đó có uống rượu nên ông Tùng không kìm chế được bản thân, nên sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Kết quả, ông Tùng bị án phạt 24 tháng tù giam và yêu cầu phải bồi thường cho bị hại 12 triệu đồng, số tiền quá lớn đối với gia đình ông lúc bấy giờ. Ám ảnh những ngày đầu thụ án trong trại giam, đã có lúc chán nản, ông định tìm đến cái chết để giải thoát. Nhưng may mắn được cán bộ quản giáo động viên, ông cải tạo tốt, ra tù trước thời hạn và trở về địa phương bắt tay vào xây dựng kinh tế...

Đã 18 năm kể từ ngày ông Tùng trở về địa phương, bắt tay vào làm kinh tế bằng việc đắp hồ nuôi tôm. Nhờ chăm chỉ làm ăn mà từ tay trắng, nợ nần chồng chất, ông trở nên giàu có, nhà cửa khang trang, con cái học hành đàng hoàng. “Khi ra tù trở về, tui rất mặc cảm. Nhưng, quyết tâm phải làm lại cuộc đời, phải chứng minh cho người thân và bà con lối xóm biết mình không phải là đồ bỏ đi. Từ ngày trở về, mỗi sáng tinh mơ, tui xách phích nước và 2 gói mỳ tôm, chèo ghe qua sông đi đắp hồ tôm cho đến tối mịt mới về đến nhà. Cứ thế lầm lũi 3 tháng trời, tui không rượu chè, bài bạc, không lớn tiếng với ai, chí thú làm ăn. Thấy vậy, cha tui lúc ấy còn sống, đem cho tui được ít con tôm giống; rồi người thân, bà con lối xóm thấy vậy cho vay người 5 phân vàng, người vài trăm ngàn cho tui làm vụ tôm đầu tiên. Và, ông trời cũng không phụ người có công…”, ông Tùng chia sẻ.

Công an viên Trương Quang Tùng báo cáo công tác tình hình địa bàn phụ trách.

“Ai cũng có lỗi lầm, điều quan trọng là nhận ra và có quyết tâm đứng dậy khi bị vấp ngã”, bài học này đã thấm vào ông Tùng. Những ngày ở tù, ông đã hiểu được rằng, điểm yếu nhất của ông là thiếu kìm chế khi uống ruợu. Do đó, muốn làm lại cuộc đời phải tránh xa rượu chè. Nhiều năm liền một mình giữa cù lao vật lộn với bùn đất, ông Tùng tạo được 5 ao tôm. Cũng may vụ đầu tiên, ông trúng lớn. Số tiền lãi ông đem trả nợ dần; rồi thực hiện trách nhiệm trước pháp luật và trước lương tâm là bồi thường cho người bị hại… Cứ thế, con tôm giúp ông thu lợi từng vụ. Dù đã khá giả nhưng ông Tùng vẫn giữ thói quen như ngày đầu trở về; mỗi sáng mang theo ít thức ăn lên ghe bơi qua cù lao làm ao tôm, tối mịt mới về. Rảnh rỗi, ông đến thăm bà con trong làng, ai cần gì về kỹ thuật, con giống ông đều tận tình giúp đỡ chu đáo. Bà con thay đổi dần cái nhìn về ông. Họ động viên ông ra tham gia công việc với thôn. Từ chối mãi thấy cũng không đặng, nên năm 2007, ông nhận lời làm thôn phó và Công an viên thôn Tú Phong cho đến nay. Nhờ có kinh nghiệm của một Phó trưởng Công an xã, ông dẹp yên được nạn trộm cắp, khéo léo giáo dục, uốn nắn các đối tượng có tiền án, tiền sự trong thôn…

Mười mấy năm rồi, năm nào ông Tùng cũng thu lãi hàng trăm triệu đồng từ việc nuôi tôm. Nhiều người ở Tam Tiến nói vui rằng, con tôm có bước nhảy thụt lùi song đã giúp ông Tùng làm lại cuộc đời và tiến thẳng về phía trước với một tương lai tươi sáng. Quyết tâm làm lại cuộc đời của ông Tùng là tấm gương để không ít người cùng hoàn cảnh học tập, bước qua vũng lầy thành người có ích cho xã hội và cộng đồng…

Kim Thái
.
.
.