Bùng phát bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ đang bùng phát mạnh ở Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc khiến cho lượng người đến khám tại Bệnh viện Mắt TW, Bệnh viện Mắt Hà Nội tăng đột biến. Tháng 9 và tháng 10 là thời điểm bệnh đau mắt đỏ bùng phát thành dịch. Nhiều trường học ở Hà Nội đã khuyến cáo phụ huynh phòng tránh bệnh cho con và cho học sinh nghỉ học khi mắc bệnh. Với tốc độ lây lan nhanh, đau mắt đỏ đang trở thành dịch ở Hà Nội.
Dù đã 10h sáng 10/9, nhưng tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Mắt TW, dòng người đến khám và điều trị các bệnh về mắt vẫn đông nghẹt. Số thứ tự khám lên tới 400 nhưng ở phía ghế chờ vẫn còn rất đông người. Trong số ấy có rất đông người bị đau mắt đỏ đến khám. Đeo kính đen, chị Nguyễn Thị Huệ, ở quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Chiều hôm kia đứa con gái học mẫu giáo đi học về thấy mắt có gỉ, đỏ một bên, tôi mua thuốc tra. Sáng hôm sau con bị lây sang mắt còn lại và lan luôn ra thằng anh học lớp 4 nên đã cho cả hai đến Bệnh viện Xanh Pôn khám, bác sĩ bảo đau mắt đỏ. Hôm nay đi làm tôi thấy mắt mình có dấu hiệu bị đau, cộm mắt, ra gỉ liên tục liền đi khám ngay”. Tốc độ đau mắt đỏ lây lan rất nhanh, đặc biệt là những người trong gia đình do khó tránh khỏi khi sống chung với người bệnh. Theo BS Hoàng Cương, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt TW thì, trung bình một ngày bệnh viện khám và điều trị từ 800 – 1.000 bệnh nhân mắc các bệnh về mắt, riêng bệnh đau mắt đỏ chiếm khoảng 25% và đặc biệt tăng mạnh từ 2 tuần nay.
Tương tự chị Huệ, cả gia đình anh Phạm Trọng Đạt, ở quận Hoàn Kiếm đến Bệnh viện Mắt Hà Nội khám và bác sĩ cho biết, cả gia đình anh (4 người) đều bị đau mắt đỏ do lây chéo. Cuối tuần trước, đứa con trai học nhà trẻ bị đau mắt đỏ lan sang đứa con gái lớn rồi tới vợ chồng anh. “Lây rất nhanh, chỉ có vài tiếng mà tôi thấy mắt rất khó chịu, đỏ au. Cả gia đình phải nghỉ học và nghỉ làm từ đầu tuần tới giờ” - anh Đạt cho biết. Tương tự, tại hàng ghế chờ khám bệnh của Bệnh viện Mắt Hà Nội chúng tôi gặp rất nhiều người đeo kính đen đến khám.
Một chị phụ nữ mang bầu gần 8 tháng đang trông đứa con gái nhỏ 2 tuổi cho biết: “Từ tối qua đến giờ thấy mắt cháu rất đỏ, ra gỉ nên hôm nay tôi phải nhờ bà ngoại đưa vào đây khám. Bác sĩ bảo cháu bị đau mắt đỏ”. Khi tôi hỏi về nguồn lây nhiễm vì cháu bé chưa đi học, mẹ cháu cho biết: “Anh cháu bị rồi lây sang em”. Với phụ nữ đang mang thai, việc lây đau mắt đỏ cũng rất đáng lo ngại. Thế nên người mẹ này đã phải dự phòng bằng việc tra thuốc nhỏ mắt thường xuyên để tránh bị lây từ con.
Người đau mắt đỏ chờ khám ở Bệnh viện Mắt Hà Nội. |
Trường học là nơi có tốc độ lây lan dịch bệnh đau mắt đỏ nhanh và lớn nhất, đặc biệt là học sinh nhà trẻ và mẫu giáo bởi các cháu sử dụng chung bồn rửa mặt, khăn mặt giặt chung chậu… Vì thế, nhiều trường đã xuất hiện học sinh bị đau mắt đỏ và đều được nhà trường khuyến cáo nghỉ học để tránh lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh những trường học còn thờ ơ với dịch thì nhiều trường đã ra thông báo khuyến cáo đến các bậc phụ huynh về bệnh cũng như cách phòng tránh cho con. Trường Tiểu học Đặng Trần Côn B, quận Thanh Xuân qua tin nhắn điện tử thông báo tới các phụ huynh cách phòng chống dịch đau mắt đỏ bằng việc nhắc nhở các con nhỏ mắt bằng nước muối Natriclorid 0,9% hằng ngày; những học sinh mắc bệnh thì phụ huynh cho con nghỉ học để tránh lây lan ra cộng đồng.
Hằng năm, dịch đau mắt đỏ đến muộn hơn. Riêng năm nay do mưa nhiều, cộng với thời tiết nóng ẩm đã dẫn đến dịch đau mắt đỏ đến sớm hơn và theo dự kiến, đỉnh dịch sẽ vào cuối tháng 9 đầu tháng 10. Vì sao bệnh dễ lây lan ra cộng đồng, theo TS Lê Xuân Cung, Phó trưởng Khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt TW là vì bệnh lây qua dịch tiết từ mắt và dịch mũi họng có chứa mầm bệnh. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói, dịch tiết bắn ra không khí nên dễ dàng lây bệnh cho người lành.
Ngoài con đường lây trực tiếp đó, bệnh đau mắt đỏ còn có thể lây lan do cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt. Thường nhiều gia đình còn khá chủ quan với bệnh đau mắt đỏ. Khi người trong nhà bị bệnh đã không kịp thời phòng tránh, sử dụng đồ dùng chung dẫn tới bị lây rất nhanh. Theo khuyến cáo của TS Lê Xuân Cung thì để phòng tránh bệnh cần phải tránh tiếp xúc với dịch tiết của mắt bệnh nhân. Người bệnh cần đeo kính và khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng ngay khi tiếp xúc với dịch tiết ở mắt để không phát tán dịch ra ngoài. Đặc biệt trẻ em dễ lây do nhạy cảm với các loại virus, nên khi phát hiện bệnh, cần cách ly như cho con nghỉ học, không cho tiếp xúc với trẻ nhỏ khác để tránh lây lan.
Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, bệnh phát tán trong 5 đến 7 ngày như đỏ mắt, ra gỉ, cảm giác cộm rát, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai. Sau 5 ngày các triệu chứng biến mất và mắt trắng dần ra. Tuy nhiên, một tai hại chết người khi nhiều người vẫn nhầm lẫn, chủ quan tự mua thuốc điều trị hoặc điều trị theo phương pháp dân gian như dùng lá trầu không hoặc cho dầu gió Trường Sơn vào nước nóng để xông mắt. Bởi theo khuyến cáo của bác sĩ, tự mua thuốc về nhỏ có thể khiến cho bệnh nặng hơn, gây biến chứng viêm loét giác mạc. Thậm chí, khi lạm dụng thuốc nhỏ mắt có thể gây bội nhiễm, nếu sử dụng dài ngày còn có thể gây thiên đầu thống. Đặc biệt, tuyệt đối không được chữa bệnh đau mắt đỏ bằng xông lá trầu không hay xông dầu gió, nó có thể làm cho bỏng mắt, hỏng con ngươi. Theo lời khuyên của bác sĩ thì khi có các triệu trứng của bệnh đau mắt đỏ như đỏ mắt, ra gỉ, cảm giác cộm rát thì người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời.
Thận trọng với dịch đau mắt đỏ đang lan rộng Trước tình hình trên, ngày 10/9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra các khuyến cáo về bệnh đau mắt đỏ cũng như cách phòng bệnh này. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus, thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa, như hiện nay, là thời điểm cơ thể con người tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu, nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối… cũng là điều kiện cho bệnh phát triển. PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý: Khi đang có dịch đau mắt đỏ, ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, cần lưu ý rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt. Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt; Hạn chế đến nơi đông người, đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện… Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi. Thanh Hằng |