Bữa cơm ngày Tết nhớ các Anh hùng liệt sĩ

Thứ Tư, 12/02/2014, 10:09
Người Quảng Trị thường quan niệm, hết mùng là hết Tết. Nhưng năm nay, hết mùng mà ở Quảng Trị vẫn chưa hết Tết! Khắp nơi ở đầu thôn cuối xóm, người dân vẫn còn bày cỗ cúng “người âm”, lễ kéo dài và chỉ dành riêng cho các Anh hùng liệt sĩ! Tấm lòng của người dân ở đây bao giờ cũng vậy, luôn hướng về, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ…

Tầm 1h chiều 10/2, tức 11 Tết, nhà ở hai bên quốc lộ qua thị xã Quảng Trị đã đỏ đèn. Không khí ngày Tết vẫn còn trên bàn thờ tổ tiên, ngoài sân, trước ngõ, trong những am thờ, với nhang, nến, bánh kẹo và hoa quả. Cô bạn đi với tôi, chợt hỏi bà Nguyễn Thị Hoa Di, nhà ở bên thềm cầu Trắng: “Nhà mình cúng đưa rồi chứ mệ?!”. “Cúng rồi con ạ, nhưng liệt sĩ thì chưa, vẫn còn Tết vài ngày nữa!”, bà khẽ trả lời rồi chỉ tay về những am thờ, nói tiếp: “Tết năm nay đặc biệt hơn mọi năm, không ai bảo ai cả, nhưng nhà mô cũng rứa con nờ. Trong Tết thì cúng liệt sĩ từ sau ngày đưa ông Táo; ra năm vẫn còn cúng cho tới bây giờ”…

Tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ bên dòng sông Thạch Hãn lịch sử.

Những năm 1967, 1968 của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà Hoa Di đã cùng với đồng đội của mình dũng cảm chiến đấu ở nhiều trận đánh lớn. Bà bị địch bắt, tra tấn rất dã man, nhưng không khai nửa lời. Bọn cảnh sát ngụy ở Quảng Trị đã thực hiện đòn độc, cưa chân phải của bà... Không còn cơ hội cầm súng chiến đấu với đồng đội trên chiến trường, ngày đó bà vẫn dẫn đầu nhóm trên 500 chị em, trong có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Thị Mỹ Hoa đấu tranh đòi hủy bỏ mọi chế độ hà khắc của nhà tù Mỹ- ngụy, đòi trả tự do cho những con người Việt Nam yêu nước vô tội…

Bà Hoa Di quê ở huyện Hải Lăng, nhưng sau ngày đất nước hòa bình, lại chọn thị xã Quảng Trị sinh sống để gần với những nơi đồng đội cũ của bà đã hy sinh, để bà có điều kiện hơn trong việc thăm viếng và hương khói cho họ… Dưới trời mưa lất phất, bà Hoa Di cùng chồng và các con, cháu cẩn thận bưng những món ăn với đầy đủ hương vị của ngày Tết, bày lên chiếc mâm đặt ở sân nhà. Trong đó theo bà, bên cạnh thịt heo, thịt gà, bao giờ cũng vậy, những thứ không thể thiếu được ở đây là đĩa bánh chưng, dưa cà và mắm muối quê hương! Trong khói nhang nghi ngút, lời bà Hoa Di năm nay đã ở tuổi thất thập vẫn còn nghe rất rõ: “Xin mời các bác, các chú, các anh, các chị về đây! Về đây dự bữa cơm ngày Tết với gia đình!...”.

4h chiều, thị xã Quảng Trị bừng sáng dưới ánh nến lung linh. Nhà nhà khói nhang nghi ngút; người người váy lạy, kính cẩn vái mời các hương hồn liệt sĩ dự bữa cơm ngày Tết của gia đình họ! Cũng như ở thị xã này, khắp nơi 8 huyện thị, thành phố của Quảng Trị, nhà nào cũng cúng cơm, cúng cỗ cho hương hồn liệt sĩ. Tết đặc biệt cho những “người âm” là các Anh hùng liệt sĩ, năm nay kéo dài ra tới sau ngày 11 Tết Giáp Ngọ

Thanh Bình
.
.
.