Bốn lần bị ôsin "cuỗm" tài sản

Chủ Nhật, 24/02/2008, 10:40
Bốn lần thuê ôsin thì cả 4 lần chị Đoàn Thúy Phương, trú ở phòng A203, số nhà 54 Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, quận Long Biên tá hỏa khi phát hiện ôsin bỏ đi cùng một số tài sản của gia đình, lần nhiều nhất tới gần 50 triệu đồng. Bức xúc vì trung tâm giới thiệu ôsin không có trách nhiệm với khách hàng, chị Phương đã phải lặn lội thuê xe về tận quê người giúp việc để tìm hiểu...

Vào những ngày sau Tết này, ôsin đang trở thành đề tài "nóng" của rất nhiều gia đình khi nguồn "cung" đang trong tình trạng khan hiếm. Bi kịch từ ôsin đã trở thành câu chuyện thường thấy của nhiều gia đình trong đời sống hiện đại.

Một năm, bốn lần bị ôsin… lừa

Bức xúc từ việc liên tiếp bị ôsin lừa dối, chị Đoàn Thúy Phương đã gửi đơn đến Báo CAND. Do sinh đôi 2 đứa con trai nên chị phải cần tới 3 người giúp việc (đã thuê được 2 người trông 2 đứa con).

Và dịp Tết năm 2007, chị đến Trung tâm Dạy nghề nhân đạo và Tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam (Trung tâm Linh Quang) ở 25/48 Linh Quang, phường Văn Chương, quận Đống Đa thuê 1 người giúp việc nữa để nấu ăn và dọn nhà. Cô gái này tên là Hiệp (21 tuổi), quê ở Hòa Bình, vừa hết hạn lao động tại Malaysia.

Giúp việc được 2 tháng thì Hiệp có biểu hiện bớt xén tiền đi chợ và trước khi bỏ đi, cô còn kịp rút mất 1,5 triệu đồng và một đôi hoa tai vàng trong ví chị Phương.

Tiếp đó, tháng 6/2007, chị Phương lại đến Trung tâm Linh Quang thuê một cô gái tên Lan Anh (25 tuổi), ở Phú Thọ, về giúp việc. Được một thời gian, Lan Anh lại giống Hiệp, bớt xén tiền, trộm quần áo.

Và khoảng tháng 8/2007, một lần nữa chị Phương lại tới với Linh Quang, ôsin lần này tên Trần Thị Liên, có chồng và 2 con ở Phú Thọ. Trong thời gian làm giúp việc, do sơ suất Liên đã làm đổ phích nước sôi vào 1 trong 2 đứa con của chị Phương khiến cháu bị bỏng nặng, nhưng chị Phương vẫn giữ Liên ở lại giúp việc vì kiếm ôsin rất khó khăn.

Gần đến rằm Trung thu, Liên xin ra bến xe để gửi quà về quê cho con, đồng thời xin tiền lương của tháng đó để nhờ mẹ mua bảo hiểm. Tin lời người giúp việc, chị Phương đã mua bánh để chị Phương gửi về cho con, đồng thời trả luôn tiền lương tháng.

Được thể, Liên khéo léo xin lại chứng minh nhân dân của mình với lý do "để mẹ làm bảo hiểm". Không ngờ sáng hôm sau, Liên đã không trở lại và chị Phương lại mất tiếp 1,5 triệu đồng để ở trong tủ cùng một số đồ lặt vặt.

"Quá tam ba bận", chị đến Trung tâm Linh Quang làm bản tường trình. Theo chị Phương thì giám đốc và nhân viên ở đây đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, phải mất gần 20 cuộc gọi điện thoại thì giám đốc trung tâm mới cho nhân viên đi xác minh và kết quả thế nào cũng không báo lại cho chị.

Do cần người giúp việc, chị lại tặc lưỡi lần thứ 4 đến trung tâm này tìm người. Lần này Trung tâm Linh Quang giới thiệu Đồng Thị Tâm (17 tuổi), quê ở Bắc Giang. Nhưng chỉ được vài ngày, lúc 5h30' ngày 23/1, khi cả nhà vẫn còn chưa thức giấc thì người giúp việc đã mở cửa bỏ trốn cùng một số tài sản và nhốt cả nhà trong những ô cửa kín, ngang nhiên cầm chùm chìa khóa đi mất.

Chị Phương đã phải gọi thợ đến đánh lại toàn bộ hệ thống khóa cửa và khóa tủ, lúc bấy giờ mới phát hiện số tài sản mất quá lớn: 5 triệu đồng tiền mặt trong tủ, 1 máy quay camera Sonny, 1 máy ảnh Canon, một nồi áp suất, 2 đôi giày nữ, 1 đôi giày nam… ước tính gần 50 triệu đồng.

Theo chị Phương thì kế hoạch này đã được người giúp việc tính toán kỹ, 2 ngày trước khi bỏ trốn, Tâm yêu cầu thanh toán 2 tháng lương để gửi về quê cho chị gái làm lễ ăn hỏi. Chị Phương đã làm đơn trình báo lên Công an phường Bồ Đề và Công an quận Long Biên.

Sau khi kiểm tra hiện trường, Công an phường Bồ Đề đã về tận quê xác minh nhưng Đồng Thị Tâm không có nhà. Bốn chị gái của Tâm đều đã lập gia đình, không còn ai ăn hỏi hay cưới xin như lời Tâm nói. Mới đây, chị Phương đã lặn lội lên Bắc Giang tìm đến nhà Tâm nhưng bóng dáng người giúp việc vẫn biệt tăm.

Trung tâm Linh Quang: Dạy nghề cho trẻ khuyết tật nhưng lại môi giới ôsin

Bức xúc vì nhiều lần bị ôsin chôm chỉa tài sản, chị Phương đã đến Trung tâm Linh Quang để nhờ can thiệp nhưng không mang lại hiệu quả và chị buộc phải cầu cứu tới Báo CAND.

Làm việc với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Linh Quang Trần Duyên Hải từ chối trách nhiệm: "Việc mất trộm này không thể xác định được, chị Phương phải làm việc với Công an".

Cũng theo ông Hải thì trung tâm của ông trực thuộc TW Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam và chỉ làm việc thiện, giúp đỡ các cháu khó khăn. Nhưng trên thực tế, mỗi lần đến đây thuê người giúp việc, chị Phương đều phải nộp lệ phí 350.000đ cho một hợp đồng thuê người có giá trị 6 tháng (hết 6 tháng ký hợp đồng lần 2 và được giảm 50% lệ phí).

Khi chúng tôi hỏi 2 cô gái giúp việc đang ngồi ở Trung tâm Linh Quang chờ chủ đến đón, họ cho biết đều phải đóng 300 nghìn/người cho trung tâm để đi làm giúp việc gia đình.

Tuy nhiên, trong quá trình xác minh sự việc, chúng tôi được biết Trung tâm Linh Quang không có chức năng tuyển và giới thiệu người giúp việc gia đình như họ đang làm.

Theo ông Nguyễn Bá Duyệt, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký TW Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam thì Trung tâm Linh Quang thành lập đến nay đã hơn 10 năm, trung tâm có chức năng dạy nghề, dạy chữ và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật, trung tâm đã hoạt động tương đối tốt.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, Trung tâm này tuyển và giới thiệu việc làm cho các cháu không phải là trẻ em tàn tật và cả người lớn không do trung tâm đào tạo ra. Đây là vấn đề TW Hội không quản lý vì không đúng với chức năng của trung tâm.

Theo bà Hồng Linh, Trưởng ban Kiểm tra của TW Hội, không có chức năng nào cho phép Trung tâm Linh Quang kinh doanh buôn bán. Việc ông Hải cho thuê ôsin, giới thiệu ôsin lấy tiền là không đúng mục đích của Hội.

Cách đây vài năm, TW Hội có cử cán bộ đến kiểm tra và đã có ý kiến yêu cầu ông Hải dừng việc tuyển và giới thiệu người giúp việc, nhưng từ đó đến nay trung tâm này vẫn tiến hành như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Theo ông Duyệt thì TW Hội sẽ tổ chức kiểm tra ngay những gì Báo CAND phản ánh về Trung tâm Linh Quang, đặc biệt là làm rõ Trung tâm có mượn danh của TW Hội hay không?

Riêng với trường hợp ôsin lấy trộm đồ của chị Phương, ông Duyệt cho biết, Trung tâm không chịu trách nhiệm về tư cách đạo đức của con người đó, nhưng điều phê phán là thái độ không hợp tác với cơ quan chức năng, với người bị hại của những người đứng đầu Trung tâm khi xảy ra sự việc.

Khốn nạn với ôsin

Chị Phương không phải là trường hợp hi hữu bị hứng chịu thiệt hại do người giúp việc gây ra, đã có nhiều cuộc cãi vã vì ôsin giữa khách hàng với một số trung tâm giới thiệu ôsin. Cứ mỗi đợt Tết, nhiều gia đình ở Hà Nội lại "vắt chân lên cổ" đi kiếm ôsin. Có ôsin ở nhà hết rằm mới đến nhà chủ, có người lấy cớ về quê ăn Tết và "bai" luôn.

Tuy nhiên, không phải ôsin nào cũng thế và lỗi không phải tất cả do ôsin. Có rất nhiều nguyên nhân khiến ôsin "bỏ chủ", có những người chỉ vào nhà chủ làm việc dăm bữa nửa tháng đã phải bỏ do việc quá nặng nhọc hoặc do chủ hà khắc…

Hà Nội hiện có vài trăm trung tâm giới thiệu người giúp việc cho các gia đình, nhưng hoạt động lại chưa chuyên nghiệp. Khâu tuyển chọn người giúp việc, khâu đào tào về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng các đồ dùng hiện đại trong gia đình, kỹ năng chế biến thực phẩm… còn quá xa vời.

Hầu hết các trung tâm đều tuyển người xô bồ, chỉ cần có cung, có cầu và thu tiền lệ phí là được, ngoài ra "sống chết mặc bay". Chính vì thế, nghề giúp việc cho các gia đình ở nước ta vẫn còn mang tính tự phát, cá nhân cao, chưa trở thành một nghề với đầy đủ ý nghĩa thực thụ. Xuất phát từ vô số nhược điểm đó, đã có rất nhiều bi kịch xảy ra từ chuyện ôsin.

Thiết nghĩ, phải có một cơ chế hay quy định ràng buộc chặt chẽ để người giúp việc gia đình trở thành một nghề mang tính chuyên nghiệp trong xã hội, chứ không còn đơn thuần là giải quyết công ăn việc làm cho người cần việc và giải quyết những bức xúc thiếu người làm việc nhà của nhiều gia đình hiện nay

Trần Hằng - An Bình
.
.
.