Xung quanh vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong ở Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị:

Bơm kim tiêm vaccin để lẫn với nhiều vỏ thuốc Oxytocxin

Thứ Ba, 29/10/2013, 09:19
Sau khi sự việc xảy ra 30 phút, Công an đã xuất hiện và thu giữ tang vật. Nhưng do BV Đa khoa Hướng Hóa lưu giữ không đúng qui trình, nên 3 xơranh dùng để tiêm cho các em bé đã để chung trong một vỏ chai nước khoáng cùng 5 vỏ ống thuốc Oxytocin dùng hôm trước (vì đều là chất thải rắn y tế) và vứt ra thùng rác.

Các kết quả xét nghiệm vẫn là... 50/50

Mấy ngày qua, dư luận hết sức xôn xao trước thông tin một số báo cho rằng đã có kết luận nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau tiêm vaccin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hướng Hóa (Quảng Trị) ngày 20/7/2013, là do ”tiêm nhầm thuốc Oxytocxin”. Mặc dù cơ quan điều tra khẳng định chưa có kết luận về vụ việc, nhưng thông tin trên vẫn gây sự bàn tán khá mạnh trên các mạng xã hội với nhiều ý kiến khác nhau.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Đại tá Phạm Văn Sỹ, Trưởng phòng 8 (Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Bộ Công an), đơn vị trực tiếp chỉ đạo và phối hợp với Công an tỉnh Quảng Trị điều tra làm rõ vụ việc, thêm một lần khẳng định: Cho đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận, vì còn nhiều điều cần làm rõ, khi các kết quả xét nghiệm không thống nhất. 

Thiếu tướng Lê Công Dung, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị và Thượng tá Lê Quang Công, quyền Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Quảng Trị, đều cho biết: Cơ quan điều tra bất ngờ trước thông tin mà một tờ báo đăng về việc “tiêm nhầm thuốc”. Có thể, Công an sẽ điều tra xem nguồn tin mà tờ báo đã đăng là từ đâu, vì hiện vẫn đang trong quá trình điều tra và chưa kết luận.

Sau sự cố về tiêm chủng, nhiều điểm tiêm phòng đã trở nên vắng vẻ.

Một cán bộ giàu kinh nghiệm cùng tham gia điều tra, cho biết: Trong chiếc bơm tiêm được xét nghiệm có thuốc Oxytocxin, không có nghĩa khẳng định đã tiêm nhầm thuốc đó. Bởi việc lưu giữ bơm kim tiêm sau khi tiêm chủng ở BVĐK Hướng Hóa không đúng quy định, nên khi Công an thu giữ tang vật, y tá mới đi nhặt xơranh từ thùng rác về. Như vậy, có đảm bảo đó chính là chiếc xơranh đã tiêm cho các bé? Đặc biệt, theo kết quả xét nghiệm pháp y thì trong cơ thể trẻ không có thuốc Oxytocxin. Chính vì sự không thống nhất của 2 kết quả xét nghiệm, Công an vẫn phải tiếp tục điều tra.

Người trong cuộc: “tiêm nhầm” là khó thuyết phục

Trước thông tin “tiêm nhầm thuốc”, ngày 28/10, trao đổi với PV báo CAND, BSCK1 Nguyễn Văn Thiện, Phó Giám đốc BVĐK Hướng Hóa nêu quan điểm: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng trên thế giới đã xảy ra một số trường hợp tiêm nhầm thuốc, nhưng đấy là loại thuốc có hình dáng giống lọ vaccin và bảo quản trong tủ lạnh cùng vaccin.

Lại nữa, ngày 21/7 đã có thêm 1 trẻ ở Bình Thuận tử vong sau khi tiêm vaccin này, thì lý giải sao? Còn trường hợp ở BVĐK Hướng Hóa, khó có thể xảy ra nhầm lẫn, vì Oxytocxin và vaccin viêm gan B khác nhau hoàn toàn về hình dáng, kích cỡ và màu sắc: Vaccin phải được bảo quản trong tủ lạnh, còn Oxytocxin chỉ bảo quản điều kiện bình thường, trong ngăn tủ riêng, đề rõ “Độc bảng B”, vì nếu lạnh quá 28oC thuốc dễ kết tinh, nên không thể bảo quản chung được. Oxytocxin là thuốc dùng để thúc đẻ, hoặc cầm máu sau sinh, nhưng sáng 20/7/2013, BV không có trường hợp nào sau sinh hoặc trước sinh, để phải sử dụng thuốc đó, nên không có chuyện lấy thuốc này về.

BSCK1 Nguyễn Văn Thiện nhấn mạnh: Vaccin viêm gan B là loại lọ, nút cao su, khi dùng, chỉ đâm kim tiêm qua nút để rút thuốc, còn Oxytocin lại là dạng ống thủy tinh, buộc phải dùng panh để bẻ gãy một đầu mới lấy được thuốc. Hơn nữa, lượng dịch trong 2 loại thuốc này cũng khác biệt: vaccin viêm gan B chỉ có 0,5ml, kèm bơm kim tiêm đặc chủng 0,5ml, còn lọ Oxytocin là 1ml, nên nếu dùng bơm tiêm của vaccin để hút thuốc không thể hết. Khác biệt đến vậy mà nói nhân viên y tế đã có kinh nghiệm hơn 20 năm nhầm lẫn, thì khó thuyết phục. Hơn nữa, lúc chị Thuận lấy 3 lọ vaccin có điều dưỡng Trường, người giữ chìa khóa tủ thuốc, chứng kiến.

BSCK1 Nguyễn Văn Thiện còn cung cấp thông tin: Sau khi sự việc xảy ra 30 phút, Công an đã xuất hiện và thu giữ tang vật. Nhưng do BV lưu giữ không đúng qui trình, nên 3 xơranh dùng để tiêm cho các em bé đã để chung trong một vỏ chai nước khoáng cùng 5 vỏ ống thuốc Oxytocin dùng hôm trước (vì đều là chất thải rắn y tế) và vứt ra thùng rác. Nếu nói y tá tiêm nhầm thuốc Oxytocin cho các bé, thì số thuốc vaccin đi đâu, khi 3 vỏ lọ còn nằm trên khay và đều có số hiệu của lô thuốc mới nhập? Chính vì thế, tại cuộc họp bàn về vụ việc ở Hà Nội đầu tháng 10/2013, một đại diện của lực lượng Công an đã đặt câu hỏi: Liệu có sự thẩm thấu thuốc từ các vỏ Oxytocin đã sử dụng sang xơranh đã tiêm cho các bé?

Trao đổi với chúng tôi, y tá Lê Thị Hải Thuận nghẹn ngào: “Tôi khẳng định mình không tiêm nhầm thuốc, vì Oxytocin không bỏ trong tủ lạnh cùng vaccin viêm gan B. Hơn nữa, xơranh tiêm vaccin viêm gan B là loại đặc chủng, chỉ rút được 0,5ml thuốc là tự khóa, nên không thể rút hết thuốc trong ống Oxytocin 1ml và như vậy, không lý gì tôi lại không nhận ra sự khác biệt này. Mỗi lọ vaccin chỉ tiêm cho một trẻ, không lẽ tôi lại nhầm tới 3 lần? Mà, tại sao cơ quan chức năng xét nghiệm Oxytocin trong xơranh, lại không xét nghiệm xem có vaccin viêm gan B không, để đảm bảo công bằng?”.

2 lô vaccin liên quan đến vụ tử vong vẫn bị đình chỉ

Ngày 28/10, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: hiện tại, 2 lô vaccin viêm gan B có liên quan đến các trường hợp tử vong sau tiêm tại Quảng Trị, do Công ty Vaccin và sinh phẩm y tế số 1 sản xuất, vẫn bị Cục Quản lý dược đình chỉ sử dụng từ ngày 22/7/2013.

Tuy nhiên, 2 lô thuốc này đã sử dụng bao nhiêu và còn lại bao nhiêu, cho đến nay, Cục Y tế dự phòng không biết. Chúng tôi đã liên hệ với Viện Vệ sinh dịch tễ TW nhưng cũng không có con số cuối cùng, vì số thuốc đã được đưa về các tỉnh và sau khi xảy ra sự cố, dường như không được cơ quan nào thống kê lại. Theo GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, để biết 2 lô thuốc ấy còn hiệu lực hay không, phải kiểm tra đầy đủ. Viện Kiểm định quốc gia phải xem lại, cũng như gửi các lô vaccin ra nước ngoài để kiểm soát xem an toàn không.

Theo đại diện Công ty Vaccin và sinh phẩm y tế số 1: Cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về chất lượng vaccin từ khâu sản xuất, kiểm tra chất lượng, bảo quản và vận chuyển đến đơn vị sử dụng. Đơn vị sử dụng vaccin tiếp tục chịu trách nhiệm khâu phân phối, bảo quản và tiến hành tiêm chủng an toàn. Bất kỳ một sơ suất nào trong các khâu trên đều ảnh hưởng người sử dụng. Cơ sở sản xuất phải đảm bảo tính an toàn cao nhất toàn bộ các khâu thuộc trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, khi sự cố xảy ra, phải phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm cung cấp bằng chứng để xác định sự cố này có liên quan hay không liên quan đến vaccin

Thanh Hằng
.
.
.