Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Nhìn thẳng vào sự thật, để nâng cao chất lượng phục vụ

Chủ Nhật, 25/08/2013, 12:21
Liên tiếp các sự kiện gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra gần đây thuộc trách nhiệm của ngành Y tế khiến dư luận bức xúc và bản thân cán bộ, y bác sĩ gắn bó với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng trăn trở. Chính vì thế, mọi ánh mắt người dân dường như hướng về người đứng đầu ngành, để nói lên điều mà họ đang cần là những động thái tích cực làm chuyển biến tình hình. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi những giải pháp cấp thiết chấn chỉnh công tác quản lý, nhất là quản lý khám, chữa bệnh hiện nay trong chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” của Báo CAND tuần này.

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, xin chia sẻ với quá nhiều vấn đề phức tạp nổi lên trong thời gian gần đây mà ngành Y tế gặp phải và đang nỗ lực giải quyết. Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành Y tế, Bộ trưởng dự cảm như thế nào về những điều mà người dân mong đợi qua cuộc trò chuyện Chủ nhật của Báo CAND?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tôi cảm nhận rõ sự quan tâm, mong mỏi và cả nỗi bức xúc của người dân trước một số sự việc để lại hậu quả nghiêm trọng thuộc trách nhiệm của ngành Y tế. Đặc biệt, là muốn chia sẻ nỗi đau với những gia đình gặp mất mát lớn về con người. Tôi nghĩ, công tác y tế có nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt phải là những giải pháp cấp thiết cải thiện tình hình công tác quản lý, nhất là chất lượng công tác khám và chữa bệnh.

PV: Nhưng chúng tôi lại muốn tiếp cận theo một cách khác, thực tế hơn. Bởi công việc của ngành Y tế cũng như của Bộ trưởng khái quát lại những việc đã làm và cả những việc chưa làm được. Với những việc đã làm, Bộ trưởng có thể cho biết những kết quả trong nỗ lực giảm tải bệnh viện, về quản lý giá thuốc chữa bệnh cũng như một số dịch vụ y tế thiết yếu khác mà người dân quan tâm?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, Bộ Y tế đã đề ra và tích cực chỉ đạo hoàn thành chương trình công tác với 7 mục tiêu cụ thể, như: Chủ động phòng chống dịch bệnh; Giảm tải các bệnh viện quá tải; Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính các đơn vị y tế công lập; Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; Tăng cường y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu...

Về giảm tải cho các bệnh viện, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Giảm quá tải bệnh viện tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 9/1/2013; Xây dựng và triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh và Đề án bác sỹ gia đình và một số công tác khác. Mới nhất, Bộ Y tế đã phê duyệt đề án gồm 50 bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân, tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh của 5 chuyên khoa (ung bướu, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi, ngoại) đặt ở 36 tỉnh. Bước đầu, đã đưa thêm 1.350 giường bệnh mới vào hoạt động; khởi công xây dựng trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy; xây dựng mới Bệnh viện bệnh nhiệt đới; đưa vào sử dụng bệnh viện chữa ung thư 500 giường tại Thanh Trì, Hà Nội; sửa chữa, bổ sung trang thiết bị và con người cho 17 bệnh viện trực thuộc Bộ và 99 bệnh viện tuyến tỉnh; đáp ứng các điều kiện để các bệnh viện vệ tinh tại 36 tỉnh tự triển khai các biện pháp kỹ thuật cao, qua đó không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, và giảm tải bệnh viện ở tuyến Trung ương.

Trong công tác quản lý giá thuốc, thời gian qua, liên Bộ Y tế - Tài chính - Công Thương đã tích cực triển khai việc quản lý chặt chẽ thị trường thuốc chữa bệnh, đặc biệt đối với các thuốc nhập khẩu và tập trung quản lý đối với các khu vực bệnh viện công lập. Giải pháp chủ yếu là phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tăng cường công tác thanh kiểm tra, giá thuốc được giám sát chặt chẽ thông qua quy định về kê khai, kê khai lại và công bố công khai từ khâu đăng ký lưu hành, nhập khẩu và đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện... Do đó, về cơ bản tình hình thị trường dược phẩm duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh của nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra, chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ cho phép nâng mức hỗ trợ lên 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; và đang phối hợp với Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất với Chính phủ phương án cấp trước thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo với mệnh giá bằng 70% mức đóng BHYT. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà những đề án công tác, chất lượng một số dịch vụ y tế hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, cần nỗ lực trong thời gian tới.

Ghi nhận của phóng viên: 50% nhân lực y tế đang bị lãng phí

Trong cuộc thảo luận về nhân lực của ngành Y tế do Sở GD-ĐT TP HCM phối hợp với Sở Y tế và các trường đại học Y - Dược, trường có đào tạo ngành Y dược trên địa bàn TP HCM tổ chức, Phó Giáo sư, TS Trần Xuân Mai - Phó hiệu trưởng Trường đại học quốc tế Hồng Bàng đưa ra con số: Chỉ có 40% đến 50% sinh viên tốt nghiệp khối ngành sức khỏe có việc làm đúng ngành nghề đào tạo. Trong đó, các trường công lập thực hiện theo phân công của ngành đối với sinh viên tốt nghiệp nên việc làm được đảm bảo. Số còn lại không có công ăn việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề đào tạo là sự lãng phí lớn đối với quốc gia nghèo như chúng ta. Nhiều đại biểu có uy tín trong các trường đại học và ngành Y tế đều có chung ý kiến: Đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề giữa đào tạo và cơ sở sử dụng nhân lực ngành Y tế, kể cả công lập và ngoài công lập (chủ yếu là các bệnh viện). Nếu không, sự lãng phí rất lớn tiếp tục diễn ra trong khi nhân lực phục vụ ngành Y tế thì lại đang thiếu.  

PV: Thưa Bộ trưởng, để có thêm một giường bệnh, theo tiêu chuẩn  phải cần thêm số lượng bác sĩ, y tá, hộ lý nhất định. Và để cải thiện tình hình hai, ba thậm chí 4 người bệnh chung một giường. Được biết, trong nhiều cái thiếu thì nguồn nhân lực y tế hiện rất khó khăn, trong khi đó thí sinh thi vào trường y đạt 27 điểm vẫn không đỗ. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Y tế hiện nay (nói chung) và đối với số thí sinh đạt điểm cao vừa qua có tâm huyết với ngành Y nói riêng như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế đồng tình với quan điểm là cần thêm số lượng bác sĩ, điều dưỡng phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Về số lượng nhân lực y tế, số lượng bác sĩ ra trường hàng năm hiện nay tăng lên rõ rệt (năm 2013 là khoảng 6000 bác sĩ). Tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân đã được cải thiện đáng kể (7 bác sĩ/vạn dân) và cao hơn Thái Lan (5 bác sĩ/vạn dân). Riêng với đào tạo bác sĩ, dược sĩ, đến tháng 10-2013 số lượng ra trường tăng gấp đôi năm 2007. Khi đó, chúng ta không quá thiếu bác sĩ, dược sĩ, phục vụ các cơ sở y tế. Đối với cán bộ trung cấp, cao đẳng, điều dưỡng, số lượng mới tốt nghiệp tăng lên nhanh chóng hàng năm (kể cả các trường ngoài công lập), không chỉ cung cấp đủ cho các cơ sở y tế mà còn có nguy cơ thừa trong những năm tới.

Tuy nhiên, chất lượng nhân lực y tế là một vấn đề hết sức mấu chốt và quyết định chất lượng dịch vụ y tế. Do vậy, ưu tiên hiện nay của Bộ Y tế là nâng cao chất lượng nhân lực y tế.

Đối với thi tuyển vào ngành Y, điểm đầu vào thường rất cao so với các ngành khác. Chúng tôi rất phấn khởi vì đây là tiền đề để có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao sau này. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường chỉ có thể tuyển sinh một số lượng nhất định thí sinh theo năng lực đào tạo của từng trường cho phép mà không nhận đào tạo quá năng lực của mình. Điều này cũng phù hợp với Luật Giáo dục hiện hành. Đối với các em có khả năng học tập tốt, đỗ điểm cao sẽ được xem xét tuyển vào các ngành học phù hợp, mà không nhất thiết tuyển vào học ngành Bác sĩ đa khoa.

PV: Báo CAND vừa phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào Mường Nhé, Điện Biên. Tại đây, một trung tâm y tế được đầu tư xây dựng rất hoành tráng với 250 giường bệnh, nhưng số lượng y, bác sĩ thì quá ít nên mới khai thác chưa đến 50 giường. Địa phương này từng nhận được chỉ tiêu 6 bác sĩ trẻ tăng cường, nhưng đã 06 tháng trôi qua đến nay chưa có bác sĩ trẻ nào đặt chân đến Mường Nhé. Vì sao có chuyện như vậy và Bộ trưởng có giải pháp nào hỗ trợ nguồn nhân lực y tế cho 62 huyện nghèo nhất nước, trong đó có Mường Nhé?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây là bất cập trong công tác đầu tư cho y tế ở vùng sâu, vùng xa, chưa được khắc phục. Bộ Y tế đã tham mưu, ban hành một số chính sách quan trọng khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ, đặc biệt là tại y tế cơ sở, cho 62 huyện nghèo trong đó có huyện Mường Nhé. Trong đó, Quyết định 585/QĐ-BYT ngày 20/2/2013, phê duyệt Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hướng tới mục tiêu này. Bộ Y tế đã chỉ đạo các trường y dược của ngành tuyển chọn các bác sĩ mới tốt nghiệp loại khá, giỏi đăng ký tham gia Dự án 585. Hiện nay có 78 bác sĩ của 04 Trường đại học y đăng ký tham gia dự án và đến tháng 9/2013 các bác sĩ trẻ mới nhận bằng tốt nghiệp ra trường. Do vậy hiện nay chưa có bác sĩ trẻ tăng cường xuống tuyến huyện, trong đó có huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

PV: Xử lý những vụ việc tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng do cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế ở một số địa phương thời gian qua theo pháp luật thì đã rõ rồi. Nhưng người dân kỳ vọng những vụ tiêu cực như thế do chính ngành Y tế phát hiện xử lý quyết liệt (như trường hợp tại Bệnh viện huyện Hoài Đức vừa qua). Quan điểm của Bộ trưởng cần phải đột phá vào khâu nào để chủ động phòng ngừa sai phạm, nâng cao y đức trong ngành Y tế, thay cho xử lý sai phạm một cách thụ động?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Để nâng cao tinh thần thái độ của cán bộ y tế, góp phần đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh, Bộ Y tế một mặt đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ quy định làm hành lang pháp lý để vận hành; mặt khác, thường xuyên tổ chức các đợt học tập để trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm trong đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Các giải pháp chủ động phòng ngừa những sai phạm, nâng cao y đức trong ngành Y tế, theo tôi nghĩ phải thực hiện tốt 02 Đề án quan trọng mà Chính phủ đã phê duyệt đó là Đề án Giảm quá tải bệnh viện và Đề án thực hiện lộ trình bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Đây là 02 dự án bao trùm, khi thực hiện thắng lợi sẽ chuyển động toàn bộ hệ thống y tế. Những vụ việc xảy ra vừa qua là bài học đắt giá, để chúng tôi nhìn lại, tăng cường công tác thanh kiểm tra chấn chỉnh toàn bộ hoạt động chuyên môn chặt chẽ hơn, thường xuyên hơn, chủ động phòng ngừa sai phạm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.