Bỏ rơi trẻ sơ sinh: Cách hành xử vô lương

Thứ Năm, 14/01/2010, 09:57
Mọi người chưa quên cháu Hồ Thiện Nhân, ở tỉnh Quảng Nam bị bỏ rơi rồi bị thú rừng cắn đứt một chân và bộ phận sinh dục, thì thời gian gần đây, nhiều trẻ sơ sinh lại bị bỏ rơi, trong đó có cháu đã chết khi được phát hiện.

Những chuyện đau lòng

Vụ bỏ rơi trẻ sơ sinh được phát hiện mới nhất vào cuối tháng 12/2009 tại tỉnh Quảng Ninh được một số phụ nữ phát hiện vào lúc 8h sáng tại Bến xe khách Bãi Cháy, TP Hạ Long. Cháu nặng khoảng 2,3kg, nằm lọt thỏm trong sọt rác trong nhà vệ sinh nữ. Khi được phát hiện thì toàn thân cháu bé đã tím tái, nhau và dây rốn chưa được cắt. Người dân đã kịp thời đưa cháu tới Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy để các bác sỹ khẩn trương cấp cứu. Vẫn chưa có thông tin về đối tượng bỏ rơi cháu bé.

Trước đó không lâu, tại cổng Công viên Thống Nhất (Hà Nội), nhân dân phát hiện một trẻ sơ sinh đã chết trong thùng rác.

Cùng thời gian này, tại nhà vệ sinh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, nhân viên ngân hàng đã phát hiện một bé sơ sinh bị bỏ rơi trong sọt rác. Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Ngân hàng đã cùng một số cán bộ đưa cháu đến Trạm Y tế sở tại sơ cứu rồi chuyển đến bệnh viện khu vực Định Quán để điều trị. Rất may là sau khi được điều trị, sức khỏe của cháu bé đã tiến triển tốt.

Quá trình xác minh, cơ quan Công an đã biết được thông tin, cháu bé là con của đôi vợ chồng trú tại ấp 3, xã Gia Canh, huyện Định Quán, là khách hàng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.

Thông tin từ Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM cho biết, chưa đầy ba tháng đã phát hiện 40 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, TP HCM, trong bốn tháng cũng phát hiện hơn 20 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Trong khi Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em đã đi vào cuộc sống, thì một bộ phận những người làm mẹ lại đang tâm rũ bỏ trách nhiệm nuôi dưỡng con mình khiến dư luật thật sự bàng hoàng.

Trẻ em luôn cần được quan tâm và chăm sóc đặc biệt

Báo động về đạo đức

Nhân đây xin tiết lộ, ở thành phố Nachod, Cộng hòa Czech có chiếc hộp đặt trong hốc tường bệnh viện. Chiếc hộp này có tên "Hộp đựng em bé" dành cho những người mẹ với nhiều lý do không thể nuôi con được thì đặt con vào đó rồi đi mà không cần nêu danh tính. Bệnh viện sẽ có trách nhiệm nuôi em bé. Nhưng cũng rất ít người mẹ đặt con vào đó.

Ở Việt Nam, cũng có các trung tâm nhân đạo và một số chùa chiền trên toàn quốc là những địa chỉ rất tin cậy để các bà mẹ vì những lý do đặc biệt mà nếu không thể mang theo trẻ sơ sinh thì có thể đưa đến để nhờ được giúp đỡ. Với ai đó nếu vì lý do bất khả kháng khi sinh con không thể nuôi con được, tuyệt đối không được bỏ con ở những nơi hoang vắng, mất vệ sinh để các cháu có thể bị chết.

Trẻ em như búp trên cành, là thế hệ tương lai của đất nước nên rất cần được chăm sóc và dạy dỗ cho đến khi trưởng thành, không thể chấp nhận được một lời thanh minh nào đối với những người đang tâm bỏ rơi con ruột của mình. Chỉ vì nghĩ đến bản thân mà họ đã làm những điều trái với luân thường, đạo lý.

Những vụ bỏ rơi trẻ sơ sinh đau lòng như đã nói trên là tiếng chuông báo động về đạo đức, lối sống của một số người mẹ trẻ dù là rất ít đối với con cái và xã hội. Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em là lương tâm, trọng trách không chỉ của mỗi người, mỗi gia đình, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Điều đó cũng góp phần đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và phát triển một xã hội tốt đẹp, văn minh

Nguyễn Phương
.
.
.