Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị ARV cho người có HIV

Thứ Hai, 06/06/2005, 07:09
Theo Quyết định 06/BYT, phác đồ điều trị ARV do Bộ Y tế đưa ra rất công phu, trong đó có một phác đồ ưu tiên (sử dụng d4T+3TC+NVP - phác đồ này được sử dụng cho tất cả các bệnh nhân bắt đầu điều trị ARV).

Mặc dù ARV được coi như một phương thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh nhân HIV, nhưng trước hết, phải khẳng định, cho đến nay, tất cả các thuốc kháng HIV (ARV) không thể tiêu diệt hoàn toàn virus HIV trong cơ thể. ARV thực chất là việc sử dụng kết hợp giữa 3 hoặc 4 loại thuốc. Chương trình sử dụng ARV miễn phí của quốc gia cũng phải có sự hỗ trợ rất lớn của các tổ chức quốc tế.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chi phí điều trị, sự thuận tiện và khả năng tuân thủ điều trị, tác dụng phụ và tương tác của thuốc, đồng thời phải có sẵn phương án điều trị  thay thế khi phác đồ điều trị ban đầu thất bại...

Nhưng điều quan trọng nhất khi sử dụng ARV là phải tuân thủ điều trị suốt đời. Phải là một sự cam kết lâu dài của nhiều yếu tố: nguồn cung cấp thuốc, kinh tế… bệnh nhân phải tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ. Đặc biệt không được bỏ ngắt quãng, chỉ cần quên 3 lần/tháng là coi như thất bại và nguy cơ tử vong tăng lên.

Yêu cầu nghiêm ngặt đặt ra theo Văn bản số 2557/YT-DP /AIDS ngày 5/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế là điều trị phải đúng đối tượng và đúng phác đồ điều trị.

Theo một bác sĩ khoa E Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Tp. Hồ Chí Minh thì WHO có khuyến cáo sử dụng ARV dựa trên lâm sàng, số lượng tế bào CD4… và chỉ điều trị khi tiến triển bệnh đã nặng.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Luyến -Trưởng khoa phòng chống HIV/AIDS Trung tâm Y tế dự phòng Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Số lượng thuốc trị giá hàng triệu USD đã có sẵn trong kho nhưng cũng còn ít so với nhu cầu nên việc xem xét cấp ARV miễn phí đợt này sẽ ưu tiên cho những bệnh nhân có nhiều thành tích hoạt động trong phong trào phòng chống AIDS ở các đơn vị.

Theo chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng và phòng chống  HIV/AIDS ngày 4/3 thì “mỗi tỉnh sẽ được cấp từ 10 - 20 liều điều trị dự phòng phơi nhiễm và từ 30 - 60 liều điều trị bệnh nhân AIDS”

Huyền Nga
.
.
.