Viết tiếp về thi công đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên:

Bộ Giao thông Vận tải cần sớm ra tay một cách kiên quyết

Chủ Nhật, 13/04/2014, 21:06
Không cần nói nhiều, chỉ cần đi một vòng từ Bình Phước lên Kon Tum sẽ thấy các nhà thầu thi công đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây Nguyên thế nào. Đã nhiều năm nay báo chí, dư luận bức xúc về các nhà thầu nhưng xem ra vẫn chưa xử lý dứt điểm và tận gốc của vấn đề nên cái cũ vẫn còn “nóng” và cái mới tiếp tục phát sinh…

Dự án nâng cấp, cải tạo đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) dài 663 km, từ Kon Tum đến Bình Phước là một dự án lớn, được Chính phủ quan tâm và được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Đến nay, dự án đã hoàn thành được khoảng 200 km, gồm 110 km đoạn qua Kon Tum và một số đoạn ngắn qua Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước. Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong số 463 km còn lại, có 340 km đang được thi công với tổng số vốn hơn 10.000 tỉ đồng, gồm 12 dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách, dài khoảng 133 km và 5 dự án đầu tư theo hình thức BOT dài khoảng 207 km, và hơn 120 km còn lại trên tuyến đường này vẫn chưa được đầu tư nâng cấp.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy nhiều gói thầu được khởi công xây dựng từ nhiều năm trước nhưng đến nay khối lượng đạt rất thấp. Đoạn từ Km 817 đến 887 qua tỉnh Đắk Nông dài 53 km do Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai khởi công tháng 9/2010 nhưng đến nay khối lượng thực hiện khoảng 10%. Các gói thầu được chia nhỏ và thi công không thường xuyên. Những lúc kiểm tra gắt gao thì làm, nhưng lúc khác dừng vì nhiều lý do… Còn đoạn Kon Tum - Pleiku, thì chậm do đổ lỗi việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, đến tháng 10-2012 mới có tiền làm lại. Tuy nhiên nhiều gói thầu chậm tiến độ do năng lực yếu nên phải tăng nhà thầu phụ và xảy ra nhiều tai nạn, kẹt xe trên tuyến đường đang thi công này.

Riêng 2 dự án BOT của Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai ở Đắk Lắk và Đắk Nông không trải thảm đúng chất lượng đá theo yêu cầu nên qua kiểm tra, Cục Quản lý Xây dựng - Chất lượng công trình giao thông của Bộ GTVT đã phát hiện, nhắc nhở nhưng vẫn không khắc phục. Theo Bộ GTVT, nếu nhà thầu không sửa sau này sẽ kiên quyết không nghiệm thu công trình, nhưng nếu vậy sẽ là thiệt hại lớn. 

Mặt khác đang có dư luận cho rằng nhà thầu bán các gói thầu cho nhà thầu phụ, chất lượng thiết kế của QL14 cũng có nhiều bất cập, cống thoát nước và cao độ đường cao hơn nhà dân... Theo Bộ GTVT, các nhà thầu có thể thuê thêm các doanh nghiệp khác cùng thực hiện nhưng phải báo cáo, việc bán thầu, thuê “chui” là sai hợp đồng, sẽ bị xử lý. Theo đó, các dự án BOT, chủ đầu tư phải có vốn ít nhất bằng 15% tổng giá trị dự án nếu không sẽ cắt hợp đồng. 

Thi công lại đường QL14 mới làm đã hỏng, đoạn qua Gia Lai.

Trong cuộc giao ban tiến độ ngày 10/4 vừa qua, tiến độ tổng thể bị đánh giá là chưa đạt, trong khi đó Tây Nguyên chuẩn bị vào mùa mưa nên sẽ gây nhiều hậu quả khó lường về an toàn giao thông. 

Theo đánh giá, hai dự án vốn trái phiếu Chính phủ qua Đắk Lắk và Đắk Nông, dài 120 km trị giá 4.079 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2015 nhưng chỉ mới đạt trên 10% tiến độ. Các nhà thầu nằm trong danh sách đen chậm tiến độ gồm Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai (gói 2 Đắk Lắk); Liên hợp xây dựng Vạn Cường (gói 3 Đắk Lắk); Công ty cổ phẩn đầu tư xây lắp dầu khí IMICO (gói 2 Đắk Nông). Còn 4 dự án BOT, duy chỉ có Liên danh Toàn Mỹ - Băng Dương vượt tiến độ, còn lại nằm trong tình trạng chậm.

Cũng tại cuộc họp ngày 10/4 vừa qua ở Đăk Lăk, các đơn vị thi công như Công ty TNHH Đức Thành, Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai và Công ty TNHH Vạn Cường cho rằng họ gặp khó khăn trong việc mua đá thi công quốc lộ 14 vì thiếu và giá quá cao.

Bộ GTVT yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát phải kiểm tra kỹ chất lượng đá trước khi đưa vào thi công và Ban quản lý đường Hồ Chí Minh kiểm tra những vị trí cống thoát nước chảy vào nhà dân, mặt đường cao hơn nhà dân để điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp; yêu cầu Ban quản lý đường Hồ Chí Minh cắt hợp đồng gói thầu số 2 ở Đắk Lắk của Công ty Liên hiệp xây dựng Vạn Cường, cắt giảm 50% khối lượng gói thầu số 2 ở Đắk Lắk của Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai và gói thầu số 2 ở Đắk Nông của Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp dầu khí - IMICO nếu từ nay đến ngày 20-4 không khắc phục được những tồn tại trong thi công.

Trong khi đó dự án BOT do Công ty cổ phần BOT Quang Đức làm chủ đầu tư, nhiều lần báo cáo khó khăn về gói thầu cầu Hà Lan 1 và cầu Hà Lan 2 có nhiều phát sinh đang chờ ý kiến của Bộ GTVT.

Hiện các dự án BOT chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước, mà trực tiếp là Ban Quản lý dự án đường HCM về quản lý nhà nước theo Quyết định 3085 của Bộ GTVT.  

Dư luận đề nghị Bộ GTVT cần phải làm rõ có hay không việc bán thầu và các nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc” để xử lý theo quy định, nhằm giữ niềm tin của nhân dân

Ngọc Như
.
.
.