Blouse trắng giữa Trường Sa

Thứ Hai, 26/12/2011, 10:11
Với các bác sĩ quân y khoác áo blouse trắng ở Trường Sa, hạnh phúc đơn giản chỉ là khoảnh khắc bước ra khỏi phòng mổ và biết mình đã giúp bệnh nhân giành giật được sự sống

Ở đảo Song Tử Tây, người ta gọi Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Văn Tùng là Tùng "còi". Sở dĩ vậy vì vóc dáng anh nhỏ bé, gương mặt thư sinh khiến anh trẻ hơn nhiều so với tuổi 32. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, chuyên ngành bác sĩ đa khoa, anh về công tác tại khoa nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Học xong Thạc sĩ, ai cũng nghĩ, chàng trai Hà thành ấy sẽ lựa chọn một công việc với vị trí tốt hơn, nhưng anh xung phong đi Trường Sa. "Thời điểm tháng 5/2011, với bằng Thạc sĩ, tôi có thể không phải ra đảo. Thế nhưng, tôi muốn đi để trải nghiệm. Tôi là bác sĩ, nhưng cũng đồng thời là người lính, không có lí do gì để ngại khó, ngại khổ. Ra Trường Sa vừa là nhiệm vụ, vừa là vinh dự lớn trong đời" - bác sĩ Tùng chia sẻ.

Được giao nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây, anh phụ trách nội khoa. Ngoài chữa những bệnh thông thường của bộ đội như viêm phổi, dạ dày... anh còn chữa bệnh cho ngư dân khi gặp nạn trên biển. Khó khăn lớn nhất với anh vẫn là những ca nhập viện với hội chứng giảm áp sau khi lặn sâu dưới biển rồi ngoi lên mặt nước đột ngột. Do không đúng chuyên môn, lại thiếu trang thiết bị nên anh phải gọi điện về đất liền để nhờ hướng dẫn rồi tự mình làm theo. Thời gian làm nhiệm vụ ở đảo, với đôi bàn tay vàng của anh, chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.

Vừa ra Song Tử Tây được ít ngày, anh đã trực tiếp phẫu thuật nối gân cho một trường hợp bị cá mập tấn công. Bệnh nhân là anh Phạm Văn Nhuận (sinh năm 1968, tàu PY 90847TS) bị cá mập cắn vào cẳng chân, đứt gân. Ca phẫu thuật diễn ra căng thẳng, trong điều kiện thiếu thốn, chỉ cần sai sót nhỏ có thể khiến nạn nhân vĩnh viễn mất đi đôi chân. Cuối cùng, với sự bình tĩnh, êkip mổ cũng thành công, bệnh nhân được điều trị 2 tuần thì ổn định, được gửi trở lại tàu.

Những ngày đầu ra đảo, mọi thứ đều xa lạ nên anh không tránh được cảm giác nhớ nhà. Cuộc sống ở đảo thanh bình nhưng buồn tẻ. Mỗi khi nghe tin có chuyến tàu từ đất liền ra thăm, anh lại hồ hởi ra tận cầu cảng đón, dù rằng chẳng có người thân nào của mình. "Khi tôi đi, vợ đang mang bầu tháng thứ 9, chuẩn bị sinh con nên cũng phải đắn đo rất kĩ. Cuối cùng thì vẫn quyết định đi. Vừa đặt chân lên đảo đúng 3 ngày thì ở nhà báo tin, vợ sinh bé gái xinh xắn. Tôi vẫn chưa được một lần bế con trên tay, thèm lắm. Tôi đặt tên cho con là Nguyễn Uyên Linh. Khi tôi hết nhiệm vụ trở về thì con gái đã hơn 1 tuổi, không biết có nhận bố không nữa"- anh nói bằng giọng hài hước.

Không chỉ làm nhiệm vụ của bác sĩ, anh còn tình nguyện làm giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ em ở đảo Song Tử Tây. Nhờ vốn ngoại ngữ tốt, lại có phương pháp dạy khoa học, chỉ sau một thời gian ngắn, những đứa trẻ ở đảo đã có thể đọc, viết tiếng Anh với những từ vựng đơn giản. Trường Sa cũng cho anh những kỉ niệm thân thương. Ngày 28/11/2011, anh được kết nạp vào Đảng tại đảo Song Tử Tây.

Các bác sĩ của đảo Song Tử Tây đang cấp cứu cho ngư dân gặp nạn trên biển.

Bác sĩ, Đại úy Vũ Văn Đại, sinh năm 1977, hiện đang làm nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, chuyên khoa ngoại, anh về làm việc cho Viện 91, thuộc Quân khu 1. Theo tiếng gọi thiêng liêng từ Trường Sa, cuối năm 2010, anh ra đảo Sơn Ca. Làm công tác quân y ở đảo có nhiều điểm khác biệt so với đất liền. Bác sĩ phải làm việc hoàn toàn độc lập, chỉ có thể dựa vào năng lực chuyên môn của mình, chỉ một chút sai sót sẽ không sửa chữa được. Với những ca khó, không thuộc chuyên môn, anh phải gọi điện về đất liền để được hướng dẫn.

Anh bảo, trong cuộc đời làm bác sĩ của mình, tạm tính tới lúc này, điều khiến anh nhớ nhất vẫn là ca phẫu thuật cho bệnh nhân Đặng Thanh, sinh năm 1975, là ngư dân của tàu QNG 96507 TS, quê An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Bệnh nhân cũng mắc chứng giảm áp do lặn sâu. Khi nhập bệnh xá, bệnh nhân trong tình trạng bại liệt 2 chân, không đi tiểu được. Đây là lần đầu tiên anh phải xử lí ca kiểu này nên có phần lúng túng. Nhờ được sự hướng dẫn của đồng nghiệp trong đất liền, anh thực hiện thông tiểu cho nạn nhân, kết hợp biện pháp hồi sức, châm cứu. Sau 1 tuần, nạn nhân đã đi lại được bình thường. Anh mừng rỡ như cái lần cầm dao kéo thực hiện ca mổ đầu tiên thành công.

Trong đời bác sĩ, anh đã cấp cứu, chữa trị, giành giật sự sống cho nhiều người. Thế nhưng, anh vẫn luôn day dứt, ám ảnh bởi trường hợp bệnh nhân ở đảo Sơn Ca. Bệnh nhân là anh Đặng Văn Lương (sinh năm 1986), bị cá đuối tấn công, chiếc sừng cắm vào ngực sâu 16cm. Ca kiểu này anh chưa gặp bao giờ. Sau khi rút được chiếc gai ra khỏi ngực, máu chảy nhiều, anh phải thực hiện cầm máu để giữ mạng sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tới ngày hôm sau, bệnh nhân có triệu chứng máu tràn qua màng phổi. Đảo không có đủ phương tiện để tiến hành phẫu thuật nên đành phải chuyển bệnh nhân sang đảo Nam Yết. Sau đó, bệnh nhân được điều trị khỏi, vậy nhưng anh vẫn cảm thấy day dứt, coi đó như là thất bại của mình.

Những bác sĩ quân y khoác áo blouse trắng ở Trường Sa vẫn lặng lẽ ngày đêm làm nhiệm vụ của mình. Họ không cần được ghi công. Với họ, hạnh phúc đơn giản chỉ là khoảnh khắc bước ra khỏi phòng mổ và biết mình đã giúp bệnh nhân giành giật được sự sống

Khánh Vy
.
.
.