Bình Phước: Nghề dệt thổ cẩm đang mai một

Thứ Ba, 26/04/2005, 08:26
Già làng Điểu Kha, ở xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng nhận xét: "Người S'tiêng mặc vải dệt từ sợi cây bông không giống người S'tiêng mặc thổ cẩm".

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ các dân tộc thiểu số ở Bình Phước. Bằng đôi tay khéo léo, óc sáng tạo và những vật liệu sẵn có ở rừng, người phụ nữ dân tộc thiểu số ở Bình Phước đã dệt nên nhiều tấm thổ cẩm tinh xảo, hoa văn độc đáo, màu sắc rực rỡ, vừa mang tính dân gian pha lẫn tính hiện đại của cuộc sống.

Già làng Điểu K'Rú, ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho biết: "Phụ nữ dân tộc S'tiêng ở đây từ lúc chập chững biết đi đã được làm quen với khung dệt, vải sợi, con thoi… Đã gần 80 năm, già chứng kiến nhiều cảnh người phụ nữ S'tiêng địu con trên lưng, tay thoăn thoắt dệt thổ cẩm trong ánh đuốc bập bùng, cảnh đó mới đẹp làm sao".

Để gìn giữ nghề truyền thống này, các bé gái ngoài việc đi học biết cái chữ, về nhà lại được mẹ, chị tranh thủ dạy cho nghề dệt. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm chẳng những không bị mai một mà càng được phát triển, ngày càng tinh xảo.

Những năm gần đây, rừng ở Bình Phước liên tục bị tàn phá, diện tích rừng bị thu hẹp, nguyên liệu chính cho nghề dệt thổ cẩm cũng ngày càng bị cạn kiệt, đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước đã nghĩ đến chuyện trồng cây bông vải để kéo sợi và mua màu để pha chế, ngâm tẩm. Một vài địa phương ở Bình Phước như: Đa Kia (huyện Phước Long), Đăng Hà (huyện Bù Đăng), Tân Tiến (huyện Đồng Phú)… đã xuất hiện một số diện tích trồng cây bông vải. Sản phẩm dệt bằng cây bông vải đang thay thế sản phẩm thổ cẩm truyền thống.

Ngoài lợi ích về kinh tế, nghề dệt thổ cẩm ở Bình Phước còn là một nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng. Trước sự co hẹp diện tích rừng, sức tấn công của các loại vải sợi bông, nghề dệt thổ cẩm ở Bình Phước chưa mất đi nhưng đối với nhiều người nó chỉ còn là công việc của một thời quá khứ.

Các địa phương ở Bình Phước cần xây dựng mô hình làng nghề truyền thống tập trung, sử dụng nguyên liệu là sợi công nghiệp, tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho loại sản phẩm này. Có như vậy, nghề dệt thổ cẩm  - một nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Phước mới có điều kiện tồn tại và phát triển

Ngọc Ánh
.
.
.