Bình Dương: Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho người lao động

Thứ Sáu, 20/02/2009, 09:52
Tại cuộc họp giữa tổ công tác với lãnh đạo các ngành có liên quan như Sở LĐ-TB-XH, LĐLĐ tỉnh, Sở Công thương, Ban quản lý (BQL) các khu công nghiệp (KCN), Hải Quan, Cục Thuế tỉnh… ông Nguyễn Phùng Trung - Phó GĐ Sở LĐ-TB-XH cho biết: Toàn tỉnh hiện có 96 doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn trong SX-KD, trong đó có 89 DN đã phải tạm ngưng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, chờ giải thể do không có đơn đặt hàng, không bán được hàng...

Tìm giải pháp giúp đỡ, giải quyết khó khăn cho các DN trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - -ông Nguyễn Văn Hiệp đã chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH; BQL các KCN; BQL KCN VSIP; Phòng LĐ-TB-XH các huyện thị phải nhanh chóng hướng dẫn cho các DN này thực hiện các phương án cụ thể nhằm giải quyết quyền lợi của người lao động.

Bằng nhiều cách, phải giới thiệu được việc làm mới cho người lao động đã bị mất việc làm, nhất là những lao động đã được đào tạo nghề. Thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm, các Sở, Ban, ngành phải nắm vững nhu cầu việc làm ở những DN đang cần lao động để kịp thời thực hiện điều phối chuyển dịch lao động từ DN đang gặp khó khăn sang DN đang sản xuất ổn định nhưng thiếu lao động.

Để người lao động có tay nghề chuyên môn, tỉnh cần có đề án đào tạo nghề cho người lao động. UBND tỉnh giao Sở LĐTB&XH thực hiện đề án này ngay trong quí I-2009.

Trong cuộc họp, GĐ Sở Công thương tỉnh - bà Nguyễn Thị Điền đã đưa ra nhận định: Trong thời gian tới, các DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giày da, may mặc sẽ còn phải đối đầu với nhiều khó khăn.

Đây là loại hình DN có nhiều tại các khu, cụm công nghiệp ở Bình Dương cũng như ở Việt Nam. Do đó, để giải quyết khó khăn, tìm cách tháo gỡ cho những DN này, trong gói kích cầu của Chính phủ cần có riêng một gói kích cầu cho ngành Công thương để ngành có điều kiện hỗ trợ, giúp các DN vừa và nhỏ vượt qua khó khăn, bằng các giải pháp như tổ chức tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, tổ chức hội thảo… giúp DN tìm kiếm thêm thị trường, đối tác, bảo đảm nguồn nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm một cách lâu dài, bền vững.

Làm việc với các Sở, ngành chức năng như Sở Kế hoạch - Đầu tư, Cục Hải quan, Cục Thuế… UBND cũng đã chỉ đạo phải tạo thông thoáng trong chính sách đầu tư, giảm mọi phiền hà cho DN khi làm thủ tục xuất nhập khẩu, tính thu thuế… để đỡ bớt khó khăn cho DN.

Đối với các DN đang gặp khó khăn, UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở LĐTB&XH phải hoàn thiện ngay quy trình xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra đối với các DN này như nợ lương, bảo hiểm xã hội của người lao động, để có hướng xử lý kịp thời.

UBND tỉnh cũng thống nhất với ý kiến của Sở Công thương về kế hoạch tìm kiếm, san sẻ nguồn hàng, hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu giữa các DN giày da, may mặc để các DN này đứng vững trước thực tế khắc nghiệt của thị trường.

Việc giải quyết đề xuất trích quỹ dự phòng của tỉnh để hỗ trợ cho công nhân lao động đang bị DN nợ lương, theo UBND tỉnh, cần phải xem xét kỹ quy trình, đối tượng cần được hỗ trợ. Bên cạnh đó, các Sở, Ban, ngành của tỉnh cần quan tâm tới công tác an sinh xã hội cho người lao động…

Thay mặt UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Hiệp yêu cầu các Sở, ngành, địa phương phải cập nhật tình hình SX-KD của các DN từng ngày để kịp thời đưa ra được những chính sách, hoạch định giúp DN và người lao động tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, đời sống

Ngọc Ánh
.
.
.