Bình Định: Hoang mang vì thông tin "bột ớt có chất gây ung thư"

Thứ Hai, 18/01/2010, 09:23

Những ngày qua, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về bột ớt sản xuất tại xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) có nhiễm chất Rhodamine B đã khiến nhiều người tiêu dùng bất an. Những thông tin này cũng khiến cho người dân trồng ớt ở địa phương hoang mang trong khi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng hoàn toàn bất ngờ.

Dân trồng ớt sẽ khổ

Sự việc bắt đầu vào sáng 14/1, khi Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bình Định (Chi cục VSATTP) phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng, Công an huyện Phù Mỹ và UBND xã Mỹ Chánh tiến hành kiểm tra và niêm phong khoảng 6 tấn bột điều tại 2 cơ sở chế biến bột ớt của các hộ Đỗ Đình Hiểu và Huỳnh Tấn Ảnh vì nghi ngờ có nhiễm hoá chất độc hại. Khi người dân chưa hiểu vấn đề gì đã xảy ra thì ngay trong chiều 14/1 và sáng ngày 15/1, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải thông tin là bột ớt chế biến tại xã Mỹ Chánh đã nhiễm Rhodamine B, một chất gây ung thư.

Chị Ngô Phương Dung (thôn Chánh Thiện, xã Mỹ Chánh), một  đầu mối thu mua ớt, cho biết: "Tôi mới nghe thông tin sáng nay (15/1). Nhưng ớt tự nhiên thì làm sao mà nhiễm chất đó? Thông tin bột ớt tại địa phương nhiễm chất Rhodamine B như thế thì còn ai mà dám  mua bột ớt được chế biến ở đây. Mà khi các cơ sở chế biến này không hoạt động thì cũng chẳng có ai mua ớt khô của nông dân chúng tôi nữa".

Các cơ quan chức năng lấy mẫu hạt và bột điều tại cơ sở chế biến của ông Đỗ Đình Hiểu để gửi đi xét nghiệm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh- cũng cho biết là rất bất ngờ với thông tin bột ớt tại địa phương bị nhiễm hoá chất độc hại. Ông Quang nói: "Chúng tôi chưa hề nhận được thông báo hay kết luận gì của Chi cục VSATTP. Trong quá trình kiểm tra, hai cơ sở chế biến bột ớt tại địa phương có mẫu thử trong bột điều cho kết quả dương tính với phẩm màu công nghiệp nên các cơ quan chức năng chỉ niêm phong chờ kết quả xét nghiệm từ cấp cao hơn".

Theo ông Quang, nghề trồng ớt đã trở thành truyền thống ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện Phù Mỹ. Toàn huyện có khoảng 270 ha đất trồng ớt, tập trung nhiều tại các xã Mỹ Chánh Tây, Mỹ Chánh, Mỹ Hiệp, thị trấn Phù Mỹ, Mỹ Trinh, Mỹ Hoà... Những năm gần đây, nhiều người dân ở huyện Phù Mỹ còn thu mua ớt tươi khắp các tỉnh, thành trong cả nước về phơi khô rồi xuất bán sang Trung Quốc hoặc các cơ sở sơ chế bột ớt tại địa phương kiếm lời. Chỉ tính riêng ở xã Mỹ Chánh có khoảng 100 hộ dân trồng 20 ha ớt, 20 chủ đầu nậu thu mua ớt trái và 4 cơ sở xay bột ớt, mỗi ngày nhập về khoảng 30 đến 40 ngàn tấn ớt tươi...

"Nghề trồng và kinh doanh ớt đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động nông nhàn ở địa phương. Những thông tin bột ớt nhiễm Rhodamine B sẽ khiến các nghề liên quan đến cây ớt ở địa phương rất khó "làm ăn" nên đời sống của nông dân bị đảo lộn rất nhiều. Chúng tôi mong các cơ quan sớm có kết luận chính xác về các cơ sở chế biến bột ớt này để người dân được yên tâm".

Trắng, đen cũng cần làm rõ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 31/12/2009, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế có báo cáo với Cục VSATTP là bột ớt nhiễm hoá chất Rhodamine B vừa được phát hiện tại tỉnh này có nguồn gốc từ  hai tỉnh Bình Định và Quảng Nam. Cụ thể là số bột ớt này được xuất đi từ cơ sở của bà Phúc có SĐT 0905 245 267, ở thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) và bà Chanh tại Bình Định, có SĐT 0914 237 156. Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Cục VSATTP đề nghị các cơ quan chức năng hai tỉnh Bình Định, Quảng Nam tiến hành kiểm tra các cơ sở nói trên. Sau đó, Chi cục VSATTP tỉnh Bình Định đã tiến hành điều tra và xác định bà Chanh có tên là Nguyễn Thị Chanh ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ.  Đoàn kiểm tra do Chi cục VSATTP chủ trì đã kiểm tra tất cả 4 cơ sở chế biến bột ớt tại xã Mỹ Chánh. Trong quá trình kiểm tra, bà Chanh khai nhận là đã mua lại bột ớt từ cơ sở của ông Đỗ Đình Hiểu.

Bà Trần Thị Ánh Hồng - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Bình Định - cho biết: "Tại xã Mỹ Chánh, chúng tôi đã kiểm tra nhanh tại chỗ các mẫu ớt và hạt điều nguyên liệu, kết quả các hạt điều nguyên liệu và bột hạt điều tại cơ sở các ông Đỗ Đình Hiểu và Huỳnh Tấn Ảnh đều cho kết quả dương tính với phẩm màu bazơ (phẩm màu công nghiệp). Chúng tôi đã lập biên bản, niêm phong số lô hàng còn lại của cơ sở chờ kết quả xét nghiệm chính xác của cơ quan cấp trên về phẩm màu bazơ và có phải là chất Rhodamine B gây ung thư hay không? Những thông tin cho rằng bột ớt ở Bình Định nhiễm Rhodamine B là không chính xác và sẽ gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở sản xuất".

Theo kết luận của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế thì bột ớt có chứa chất Rhodamine B có xuất phát từ lô hàng của bà Chanh ở Bình Định. Tuy nhiên bột ớt nguyên chất thì nhất định sẽ không thể tồn tại loại chất nguy hại này được. Vậy là đã rõ, trong quá trình mua bán có kẻ pha trộn tạp chất có Rhodamine B vào bột ớt để thu lợi mà bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng của người tiêu dùng. Việc phát hiện và xử lý những kẻ trộn Rhodamine B  vào bột ớt không chỉ bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng mà còn trả lại sự công bằng cho người trồng và kinh doanh ớt ở Phù Mỹ. Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc và sớm có câu trả lời cho dư luận

Hoàng Minh
.
.
.