Biến tướng của hình thức chăn dắt người già ăn xin

Thứ Sáu, 11/10/2013, 15:40
Tại TP HCM, nạn chăn dắt người già ăn xin đã bị dư luận xã hội phản ánh khá gay gắt. Để đối phó, các đường dây chăn dắt đã giở mánh khóe mới với hình thức để người già ngồi bán tăm, đũa trên các ngã tư đường. Hình ảnh này đã khiến nhiều người động lòng xót xa mà rút tiền ra biếu các cụ. Các cụ già ốm yếu đã trở thành cỗ máy kiếm tiền của những tên chăn dắt có sức khỏe nhưng lại lười lao động.

Qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện ra đường dây chăn dắt người già bán tăm bông, đũa tre của hai người tên Lê Ngọc Huy và Phạm Thị Hà (44 tuổi) cùng quê Thanh Hóa. Hàng ngày, công việc của Huy chỉ là đưa đón 4 ông, bà cụ đi bán hàng. Bình quân mỗi ngày các cụ kiếm được 200 ngàn, khi trở về thì Huy và Hà thu 100 ngàn/cụ. Ngôi nhà Huy thuê trọ nằm sâu trong con hẻm 336 Nguyễn Văn Lương, Q.6. Theo ông Lý, bảo vệ dân phố nơi Huy và Hà sống thì hai người này sống khá kín tiếng, chỉ ở trong nhà, ít tiếp xúc với hàng xóm nên không ai biết Huy, Hà làm gì.

15h chiều 29/9, khi chúng tôi đang ngồi bên hông căn nhà Huy thuê trọ thì nghe tiếng mở cửa ken két. Huy dắt chiếc xe ra, theo sau là một ông cụ, Huy lên xe phóng vội đi như sợ có người phát hiện. Một lúc sau, Hà dáng vẻ phốp pháp cũng dắt xe ra, láo liên nhìn xung quanh. Khi thấy chúng tôi, phát hiện ra có người lạ đang ngồi trong xóm, Hà nhìn chằm chằm, dò xét. Sau đó, một bà cụ trèo lên xe và được Hà chở đi theo hướng ngược lại. Chiều đến, khi chúng tôi trở lại ngôi nhà Huy thuê thì thấy hai người này đang nằm phởn phơ trong nhà nói chuyện với nhau. Phát hiện ra chúng tôi, trong suốt hai tiếng, Huy và Hà liên tục ra nhìn ngó, chỉ trỏ cho đến khi chúng tôi dắt xe trở về thì mới thôi

Vợ chồng Hà bắt đầu chở các cụ già đi.

Trong khi đó ở các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3),CMT8 (Q.1), công viên Đầm Sen (Q.11), hình ảnh các cụ già đã ở cái tuổi gần đất xa trời, ốm yếu, nghèo khổ, tiều tụy ngồi ở ngã tư đường đã dấy lên trong lòng người qua lại sự thương cảm và xót xa. Nhiều người đã dừng xe lại và cho các cụ tiền. Mặc dù các cụ có bày hàng để bán nhưng người đi đường vì thấy tội nghiệp nên mua đồ thì ít mà cho tiền các cụ thì nhiều.

Bà Nga (49 tuổi), một người dân sống ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) cho biết, các cụ già ngồi ở đây đã được một thời gian. Hàng ngày, bà đều thấy khi thì người đàn ông, khi thì người phụ nữ chở các cụ già đến và chạy đi rất nhanh. Ngày mưa cũng như ngày nắng, mặc kệ việc các cụ phải dầm mưa, dầm gió, những người này chỉ chịu đến đón các cụ vào khoảng 11h đêm

Khi chúng tôi cùng Tổ dân phố đến tiếp xúc với Huy, Hà thì nhận được lời phân trần: “Chị có đi bán cá nhưng tiền lời từ việc bán cá không đủ để nuôi bản thân và hai đứa con, nên việc này (chăn dắt người già) cũng giúp kiếm thêm được tiền”. Theo lời kể của Huy, sau khi bôn ba lăn lộn nhiều nghề từ hồi trẻ đến giờ, thì đây là “công việc” nhàn hạ nhất của Huy, ngoài việc nuôi bản thân mình ra, mỗi tháng Huy còn gửi được 3 triệu cho gia đình mình.

Cụ già mệt mỏi khi ngồi đến đêm mới được về.

Luật Người cao tuổi quy định cấm việc lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để vụ lợi. Như vậy, rõ ràng trong việc chăn dắt các cụ già đi bán tăm bông rồi về chia lại 50/50 số tiền của Huy, Hà là hành vi vi phạm pháp luật. Trao đổi với Công an phường 14, quận 6, chúng tôi được biết, rất khó có thể xử lý những người chăn dắt ông bà già bán tăm bông . Bởi vì những người này khai đều là họ hàng của nhau, cả hai bên đều tự nguyện làm việc và có đăng ký tạm trú tại địa phương.                                       

Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, người già là đối tượng không có khả năng bảo vệ bản thân. Trong xã hội hiện nay, những hành vi khai thác sức lao động của người già để thu lợi bất chính cho bản thân mình vẫn đang còn tồn tại trong xã hội. Đứng về góc độ pháp lý là hành vi vi phạm pháp luật, còn về đạo lý thì cả xã hội cần phải lên án. Nhưng rất tiếc là những trường hợp này vi phạm rất nhiều, nhưng còn biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật và để được phổ biến công khai trên các phương tiện hiện đại cho mọi người biết nhằm cảnh cáo, ngăn ngừa thì hiện giờ còn rất yếu

Minh Phương
.
.
.