Biến rác thải thành điện bằng công nghệ nội
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh, thời điểm đóng cửa bãi rác Gò Cát vào năm 2007, tổng lượng rác thải đã chôn lấp ở mức 5,3 triệu tấn. Trước đó, ngay từ năm 2001, nhà máy điện rác Gò Cát được Hà Lan hỗ trợ xây dựng, đến năm 2005 đã hoàn thành, hòa vào lưới điện quốc gia. Theo đó, nhà máy thực hiện thu khí mê tan từ bãi rác Gò Cát đã đóng cửa để phát điện.
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động xử lý rác thải thành điện năng, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện để hỗ trợ nhà máy điện rác hoà vào lưới điện quốc gia. Giá bán điện của nhà máy này hiện đang là 7,28 cent/kw.
Từ kết quả này, đầu năm nay, Công ty Môi trường đô thị đã phối hợp cùng Công ty TNHH Thủy Lực - Máy đề xuất thành phố cho phép thực hiện đề án “Xây dựng nhà máy điện - rác Gò Cát”, chuyển hóa chất thải rắn công nghiệp thành năng lượng, tức điện - rác tại khu xử lý chất thải rắn Gò Cát với quy mô công nghiệp để hòa lưới điện quốc gia.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh kiểm tra công nghệ điện – rác tại bãi chôn lấp Gò Cát. |
Khác với dự án điện rác đang có tại bãi rác Gò Cát là sử dụng hoàn toàn công nghệ của nước ngoài, đề án thực nghiệm nhà máy điện - rác của hai công ty trên đã sử dụng hoàn toàn công nghệ của Việt Nam do Công ty TNHH Thủy Lực - Máy nghiên cứu, chế tạo. Ngay khi đề án trên được thành phố phê duyệt, các công đoạn lắp đặt hệ thống dây chuyền thiết bị tiền chế, tiếp nhận rác đã được triển khai. Ngày 20-4, dự án đã đã bắt đầu vận hành đồng bộ và hòa lưới điện quốc gia 2 ngày sau đó.
Ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Lực - Máy cho biết, tính cho đến thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, nhà máy đã xử lý 500 tấn rác thải công nghiệp, phát và hoà vào lưới điện quốc gia 7MW.
“Mấu chốt của công nghệ điện - rác là chuyển hóa chất thải từ dạng rắn sang dạng khí bằng phương pháp nhiệt hóa trong điều kiện thiếu oxy. Công nghệ điện - rác gồm nhiều phần tích hợp thành một dây chuyền hoàn thiện, gồm ba công đoạn là xử lý tiền chế, khí hóa và nguồn năng lượng xanh này được sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong phát điện. Dây chuyền hoàn toàn tự động, khép kín, quá trình khí hóa trong điều kiện thiếu oxy nên không phát thải, không ảnh hưởng đến môi trường.
Đặc biệt, công nghệ điện - rác giúp thành phố có thêm giải pháp trong xử lý chất thải, tiến đến giảm dần xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh như hiện nay để giảm chi phí và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Công nghệ điện - rác có thể xử lý chất thải rắn mà không cần phân loại trước, đây là yếu tố phù hợp với đặc thù rác thải của Việt Nam và là điểm khác biệt đối với một số công nghệ khác hiện nay.
Đối với công nghệ này chất thải vô cơ là tác nhân để chuyển hóa chất thải rắn, tức là sử dụng nhiệt hóa, chuyển hóa chất thải rắn từ thể rắn sang thể khí và tạo ra khí đốt tổng hợp, phần còn lại là than cacbon”, ông Long cho biết thêm.
Sau khi khảo sát công nghệ điện – rác này, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cho rằng ngoài phát huy những kết quả đạt được, các doanh nghiệp cần nghiên cứu thêm việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt đã qua chôn lấp để sản xuất điện.
Với rác thải đã qua chôn lấp, có thể tiến hành thực nghiệm trước với lượng rác thải đang chôn lấp tại Gò Cát. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập hội đồng khoa học để đánh giá hiệu quả công nghệ điện - rác này. Mặt khác, tiếp tục cho phép 2 doanh nghiệp trên lập đề án xử lý điện rác từ rác thải sinh hoạt với công suất chuyển hoá 1.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày thành 20MW điện.
Công đoạn tiền xử lý, tách mô mềm, tạo viên nén từ rác thải sinh hoạt được thực hiện tại bãi rác Phước Hiệp ở huyện Củ Chi, sau đó chuyển về nhà máy điện rác tại Gò Cát để sản xuất điện. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng lưu ý các đơn vị phải nghiên cứu kỹ công tác quản lý quá trình vận hành, không để phát sinh ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.