Bi hài xử lý "gái gọi" sau khi bỏ biện pháp buộc phục hồi nhân phẩm

Thứ Sáu, 09/08/2013, 14:58
Ngày 1/7, Luật Xử lý vi phạm hành chính chính thức có hiệu lực, biện pháp đưa người bán dâm vào các trung tâm phục hồi nhân phẩm, cơ sở chữa bệnh bắt buộc được gỡ bỏ. Ở nhiều địa phương, tệ nạn mại dâm đang có nguy cơ bùng phát. Ngay tại Hà Nội, chiến dịch "quét vét" đối tượng gái bán dâm đứng đường” tại các điểm nóng, các địa bàn gặp nhiều khó khăn và lực lượng chức năng gặp không ít tình huống “dở khóc dở cười”.

Gái gọi Iphone “vượt mặt” gái đứng đường  

Số liệu khảo sát từ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho thấy, ước tính hiện nay trên cả nước có khoảng 30.000 đối tượng bán dâm. Trong đó, gần 14.000 người trong diện có trong hồ sơ quản lý. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tỉ lệ gái mại dâm là người ngoại tỉnh rất lớn, đa phần sống lang thang, họ đi xe, đứng tụ trên những tuyến phố để mời chào, chèo kéo khách, tạo thành không ít những con phố “vẫy” như lâu nay dư luận vẫn bức xúc, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và mỹ quan đô thị và là một trong những nguyên nhân gia tăng nạn gái mại dâm đứng đường.

Thực tế hiện nay, tệ nạn mại dâm đang diễn biến rất phức tạp, xuất hiện nhiều hoạt động mại dâm mới. Gần đây, mại dâm không chỉ xảy ra ở khu vực thành thị, các khu du lịch mà còn tràn về cả nông thôn và miền núi. Tại các cửa khẩu tiếp giáp Trung Quốc, tình hình mua bán người vì mục đích mại dâm cũng rất đáng báo động.

Hoạt động mại dâm ngày càng lộ liễu, công khai; phương thức hoạt động đa dạng, hiện tượng "chào hàng", môi giới mại dâm trên Internet, giao dịch qua điện thoại di động đã và đang diễn ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Đáng chú ý, gần đây hoạt động mại dâm theo hình thức “gái gọi” không thông qua môi giới đang có chiều hướng gia tăng. Tình hình mại dâm nam, đồng tính, mại dâm có yếu tố nước ngoài (kể cả người nước ngoài mua dâm) cũng có xu hướng tăng, nhất là tại TP Hồ Chí Minh. Cá biệt đã có cơ sở kinh doanh dịch vụ spa, massage có biểu hiện hoạt động mại dâm đồng tính của giới "gay", hoặc sử dụng các chất kích dục nhằm câu khách... trong khi pháp luật chưa có qui định điều chỉnh để xử lý một cách thống nhất, đồng bộ. Đây là thách thức không nhỏ đối với công tác phòng chống mại dâm.

Trước tình hình này, tại Hội nghị sơ kết toàn quốc công tác phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm vào ngày 8/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy và mại dâm) đã ra chỉ đạo cần nâng cao trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và quy trách nhiệm cá nhân những người đứng đầu chính quyền, Công an tại từng địa phương nếu để xảy ra tình trạng tệ nạn ma túy, mại dâm trắng trợn hoành hành, gây bức xúc trong dư luận.

Vì vậy, thời gian gần đây, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương đã mạnh tay xử lý một số “điểm nóng” mại dâm như tại quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), thị xã Đồ Sơn (TP Hải Phòng), Quất Lâm, huyện Giao Thủy (Nam Định)… và truy quét nhiều tụ điểm mại dâm trá hình, mại dâm dưới vỏ bọc là các quán bar, cà phê, quán cắt tóc gội đầu, nhà hàng, khách sạn…

Ngày 7/8, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố, lực lượng chuyên trách Công an TP Hà Nội và Công an các quận, huyện đã đồng loạt ra quân tổ chức truy quét tại nhiều tuyến phố, các điểm nóng về mại dâm; tăng cường tổ chức thanh, kiểm tra nhiều điểm hoạt động có dấu hiệu nhạy cảm liên quan đến “gái gọi” và tiếp viên dịch vụ trên địa bàn.

Kết quả cho thấy, chỉ trong 1 tuần, đã bắt giữ tổng cộng gần 200 đối tượng, bao gồm gái mại dâm hành nghề tại các điểm công cộng, gái tiếp viên dịch vụ cùng 45 đối tượng chuyên chở gái đến các quán karaoke, các điểm phục vụ khách. Hiện các lực lượng Công an vẫn đang liên tục tổ chức nhiều đợt truy quét. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai và hiệu quả truy quét vẫn còn quá nhiều điều đáng bàn.

Nộp phạt, thả ra lại… gái gọi

Mắt chưa hết đỏ hoe sau cả đêm thức trắng cùng anh em trong đội ra quân truy quét các đối tượng gái gọi, gái dịch vụ chạy xe chở 5 đèo 3 không đội mũ bảo hiểm, lượn lờ đánh võng trên địa bàn quận tối qua, chỉ vào một đối tượng nữ trong số mấy đối tượng vừa bị truy bắt đưa về trụ sở, Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội CSHS Công an quận Cầu Giấy phàn nàn: “Thấy đứa kia mặt quen quá, hóa ra vừa bị Công an quận xử lý và mới thả ra cách đây vài hôm. Trước khi thả, cán bộ trong đội đều có phân tích, răn đe và yêu cầu đối tượng viết cam kết không tái phạm, nhưng vừa thả ra, đâu vẫn hoàn đấy”.

Gái gọi kiêm má mì Nguyễn Thị Nhung tại trụ sở CQĐT.

Chứng kiến buổi lấy lời khai của gái gọi kiêm má mì Nguyễn Thị Nhung (quê quán Nghệ An), bị Công an quận Cầu Giấy bắt quả tang trong đợt truy quét vừa rồi, không ngạc nhiên khi thấy Nguyễn Thị Nhung mạnh dạn quả quyết nhận mình là gái bán dâm, nhưng nhất quyết không thừa nhận là “má mì”. Nhung phân trần ráo hoảnh trước mặt cán bộ điều tra và phóng viên “… em chỉ rủ L. và D. đi khách cùng thôi, em là gái bán dâm chứ không phải là người môi giới cho họ bán dâm…”, nhưng khi bị cán bộ điều tra hỏi lý do “cắt lại” 100.000 đồng từ số tiền bán dâm của mỗi người thì Nhung đành ắc ứ. Điều này là một minh chứng cho thấy, những cô gái mại dâm kia có thể chẳng cần biết đến Luật Phòng chống mại dâm là gì, nhưng lại quá hiểu quy định, hiện nay bán dâm sẽ chỉ bị xử lý hành chính rồi phải thả, vì thế khi bị bắt, họ chẳng ngại ngùng khi thừa nhận “nghề” bán dâm của mình.

Thực tế hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 đã quy định, không bắt buộc phải đưa gái mại dâm vào trung tâm phục hồi nhân phẩm hoặc các trại giáo dưỡng, các cơ sở chữa bệnh bắt buộc như trước đây mà chỉ bị phạt hành chính với mức phạt quy định quá nhẹ tay (từ 100 -  300 ngàn đồng cho mỗi trường hợp theo mức phạt của Nghị định 178/CP) không đủ sức răn đe và thời gian tạm giữ không quá 24h đồng hồ là phải thả.

Vì vậy, không hiếm trường hợp, một gái mại dâm bị bắt đến vài lần, nhưng cứ nộp phạt hành chính một vài trăm ngàn đồng, phạt xong là lại thả mà không có biện pháp để răn đe, ngăn ngừa triệt để, nay bắt mai thả như cơm bữa, đến nỗi cán bộ điều tra phát “ngán” vì quá quen mặt. Nhiều trường hợp, gái mại dâm không có tiền nộp phạt nhưng các lực lượng chức năng vẫn phải thả. Vì vậy, hôm nay quét nơi này, mai thả ra rồi họ lại tiếp tục chạy ra nơi khác hành nghề, lực lượng chức năng vất vả truy quét ngày đêm mà vẫn không xuể, cứ xua chỗ này, gái mại dâm lại chạy sang điểm khác, chẳng khác gì như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Cho dù lực lượng Công an các địa bàn có hết sức “căng mình” giăng quân truy bắt, nhưng thử hỏi hiệu quả ở đâu nếu cứ tái diễn tình trạng “bắt rồi phải thả” mà không có cơ chế xử phạt đủ sức răn đe một cách hữu hiệu như thế này?. Đây cũng là khó khăn, trăn trở chung của lực lượng Công an chức năng khi triển khai công tác truy bắt, triệt phá tệ nạn mại dâm hiện nay. Thực tế này cho thấy, chính sách pháp luật về phòng, chống mại dâm hiện hành của ta đã bộc lộ nhiều hạn chế, rất cần được sửa đổi bổ sung, để hoàn thiện đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống mại dâm trong giai đoạn mới hiện nay

Phạm Tâm
.
.
.