Bi hài chuyện xây sân vận động

Thứ Sáu, 02/09/2011, 19:11
Sân vận động huyện Triệu Phong (Quảng Trị) nằm ở trung tâm huyện lỵ. Nhưng nhìn từ ngoài vào chẳng khác nào kho chứa thuốc trừ sâu. Nó giống ở chỗ quang cảnh âm u, ít người qua lại. Và đặc biệt lối vào lổm chổm đất đá, củi mục và cổng đổ nát. Trong khuôn viên sân vận động đang dành cho việc tập lái xe ôtô, có một nhà thi đấu với trần, tường đã bị dột và xuống cấp...

Sân vận động thị xã Quảng Trị nằm cách sân vận động Triệu Phong chừng 5km, cũng được xây dựng rất bề thế ở khu trung tâm. Điều đặc biệt, bên cạnh chức năng phục vụ tập luyện, thi đấu thể dục thể thao, sân vận động này còn là quán cà phê buổi sáng và quán nhậu từ chiều về đêm.

"Mỗi năm chỉ tổ chức 1 - 2 lần các hoạt động thể dục thể thao của thị xã, còn lại dành cho bọn trẻ đá banh. Một công trình lớn như thế này mà bỏ không cũng phí nên người dân tận dụng nó làm chỗ buôn bán", một cán bộ Thị ủy Quảng Trị thật thà cho biết.  

Sân vận động huyện Gio Linh còn bi hài hơn. Công trình được khởi công xây dựng tháng 6/2007 trên bãi đất cát bạc màu ở vùng ven thị trấn về phía Đông. Công trình có tổng mức đầu tư trên 5,7 tỷ đồng, do UBND huyện Gio Linh làm chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án Gio Linh chịu trách nhiệm thực hiện; Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Quảng Trị khảo sát, thiết kế; Công ty TNHH Đường 9 thi công; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng XP giám sát công trình.

Một phần sân vận động Gio Linh đang bị rào kín.

Tháng 6/2010, Ban quản lý các dự án Gio Linh và các bên thiết kế, thi công, giám sát tổ chức bàn giao công trình cho Trung tâm thể dục thể thao Gio Linh theo kiểu chìa khoá trao tay. Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị này đã không thể nhận công trình do thiếu hệ thống điện và nước. Bi hài hơn, một công trình sân vận động hoành tráng nhưng không có lối vào. Một khu vực mặt tiền của sân vận động đã bị Công ty TNHH MTV cấp nước và xây dựng Quảng Trị dùng dây thép gai rào kín.

Ông Đào Bang, Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao Gio Linh cho biết, sở dĩ công ty này làm như vậy là do UBND huyện Gio Linh đã cấp đất ở đây cho họ để xây dựng điểm khoan cấp nước sạch.

Theo các cán bộ trung tâm, việc này chưa bi hài bằng việc khảo sát, thiết kế và xây dựng sân vận động. Nhìn từ ngoài vào thấy công trình sân vận động rất hoành tráng bởi hệ thống hàng rào và mái che bằng bê tông cốt thép. Song vào trong thì nơi đây giống như thung lũng! Mùa hè, các loại cỏ trên đất cát bạc màu đều chết, để lại khoảng sân khô khốc và bụi bặm. Còn mùa mưa thì sân nhanh chóng bị ngập và trở thành một cái... hồ bơi(!). Ngoài những bất cập trên, một số hạng mục của công trình đã nhanh chóng xuống cấp; cửa gỗ bị hư hỏng, hệ thống lan can ở khu vực khán đài đã bị gỉ sét...

Quảng Trị hiện còn là tỉnh nghèo, việc xây dựng các khu công nghiệp nhưng không thu hút được đầu tư hiện đang là khó khăn lớn. Nhưng xét cho cùng việc xây dựng khu công nghiệp ít ra là bắt nguồn từ một chiến lược hẳn hoi. Chiến lược này không ngoài mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Còn chuyện xây dựng các sân vận động cấp huyện thì khác. Người ta ví nó như chuyện một ông bố bà mẹ muốn con mình buôn bán thành đạt, xây cho một cửa hàng nhưng lại là cửa hàng không mà chẳng cho chút vốn liếng nào. Ở Quảng Trị xây dựng nhiều sân vận động nhưng không có một đội tuyển bóng đá hoặc môn thể thao khác là điều dễ hiểu

Phan Thanh Bình

.
.