Bi hài chuyện đi tìm những thiếu nữ "mất tích"

Thứ Hai, 12/04/2010, 14:30
Nhận được đơn trình báo việc con gái mất tích của chị H., các trinh sát đã tổ chức rà soát, lên kế hoạch giải cứu cô bé tận Trùng Khánh (Trung Quốc). Nhưng khi sự việc sáng tỏ thì đó chỉ đơn thuần là do muốn gặp người yêu nên cô nữ sinh này đã tự bỏ nhà đi.
>> Chuyện những nữ sinh mất tích ảo

Bất ngờ một ngày, những "cô chiêu" vốn được bố mẹ cưng chiều đột nhiên "mất tích". Trong lúc tuyệt vọng nhất, các bậc sinh thành chỉ có một chỗ bấu víu là đến cơ quan Công an nhờ giúp đỡ. Vụ việc liên quan đến sinh mệnh một con người nên các cơ quan pháp luật phải huy động tâm trí và sức lực truy tìm "nạn nhân"… Nhưng nhiều khi vụ việc được làm sáng tỏ đó chỉ đơn thuần là một vụ thiếu nữ tự bỏ nhà đi.

Một con số khiến người ta giật mình, đó là 98% các lá đơn tố cáo "mất tích" sau khi xác minh đều là những trường hợp bỏ nhà. Nhiều em đều bị xâm hại tình dục hoặc trở thành nạn nhân trong các đường dây mua bán phụ nữ trong nội địa hoặc qua biên giới.

Ra đi theo "tiếng gọi tình yêu"

"Mẹ ơi, con đang ở Trùng Khánh (Cao Bằng), mẹ cứu con với!...". Nghe giọng thảng thốt của con gái, chị Nguyễn Thị H., trú tại Hà Nội bật dậy như chiếc lò xo, đáp lại chị chỉ là những tiếng tút dài khô khốc… Chị H. sụp xuống, nức nở. Chị vừa thương, vừa giận lại vừa lo cho con gái bé bỏng, chẳng biết nó đang lưu lạc nơi nào.

Chị H. là công chức Nhà nước, còn chồng đang làm việc trong một đơn vị quân đội. 15 tuổi, con gái chị là Tạ Khánh L. đã phổng phao, đầy đặn như một thiếu nữ. Tám giờ vàng ngọc ở công sở lại thêm một núi việc nhà khiến chị ít có thời gian quan tâm đến những thay đổi về tâm sinh lý của cô con gái đang tuổi dậy thì. Sự "mất tích" của L. khiến cả gia đình bàng hoàng, sửng sốt…

Những địa chỉ rồi các mối quan hệ của L., các quán Internet cô bé thường hay lui tới đều được gia đình cất công dò hỏi nhưng đều bặt vô âm tín. Họ đâu biết rằng, L. đã theo tiếng gọi tình yêu vượt 300km đường rừng lên Trùng Khánh (Cao Bằng) gặp người bạn trai mới quen trên mạng Internet. Trong lúc tuyệt vọng nhất, người mẹ ấy đã tìm đến Đội phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ (Đội 12),  Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hà Nội, Công an TP Lào Cai trình báo.

Tiếp nhận đơn tố cáo "mất tích", các trinh sát Đội 12 đã tổ chức rà soát. Khi phát hiện L. ở Cao Bằng, một tổ gồm 5 người vội vã lên đường, lúc ấy trong thâm tâm ai cũng muốn phải đi thật nhanh vì lo ngại cho sự an nguy của cô bé. Lúc ấy, nạn nhân L. đã được người bạn trai là Lương Văn Thái, 21 tuổi, trú tại xã Khâm Thành, huyện Trùng Khánh đưa sang Trung Quốc. Vậy là một kế hoạch giải cứu chi tiết giữa Công an huyện Trùng Khánh và Cao Bằng diễn ra, trong sự căng thẳng đến tột độ. Thế nhưng khi vụ việc được làm sáng tỏ thì đó chỉ đơn thuần là do muốn gặp người yêu nên L. đã tự nguyện đi chơi. 

Hơn 2 năm thành lập, Đội 12 đã tiếp nhận hơn 100 đơn trình báo của gia đình người bị hại về sự "mất tích" của con gái. Từ những lá đơn ấy, lực lượng trinh sát phải dày công xác minh. Có 98% các lá đơn, sau khi xác minh là do các cháu gái bỏ nhà ra đi. Nguyên nhân thì vô số, do đi chơi cùng bạn bè, do yêu đương qua mạng Internet. 10% trong số những trường hợp ấy bị khởi tố về hành vi giao cấu với trẻ em, hiếp dâm và phần lớn trong số đó bị xâm hại về tình dục.  

Những cạm bẫy các nữ teen gặp phải

Các trinh sát Đội 12 kể lại trường hợp của hai cô gái ham chát, quê ở huyện Kinh Môn, Hải Dương. Trong những lần lên mạng, hai cô gái trẻ ấy đã vô tình trở thành nạn nhân của các tên Nguyễn Anh Tuấn, 27 tuổi; Nguyễn Văn Bằng, 20 tuổi, đều trú tại huyện Đông Triều (Quảng Ninh). Những cô gái ấy cũng theo "tiếng gọi của tình yêu" tìm đến với người đàn ông mới quen biết. Sau những lang chạ trong các nhà nghỉ rẻ tiền, họ đã bị chúng lừa bán vào một động mại dâm ở Hà Nội, mỗi ngày phải tiếp cả chục khách mua dâm.

Thực tế hiện nay cho thấy: Hầu hết đối tượng lừa đảo trên mạng đều là những thanh niên trẻ tuổi, am hiểu về Internet. Chúng thực hiện hành vi lừa đảo tại các quán chát đêm với những màn cứu nét ngoạn mục hoặc các trò chơi trực tuyến thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Ban đầu, chúng giả vờ quen biết, sau đó thì đặt quan hệ yêu đương, đưa các nạn nhân đi ăn uống, chơi bời. Khi đã tạo được niềm tin cho các nạn nhân thì lừa bán họ vào các động mại dâm.

Khi lập án, bắt giữ, các lực lượng nghiệp vụ gặp rất nhiều khó khăn bởi đối tượng và nạn nhân quen nhau một cách chóng vánh trên mạng. Trên mạng, có trời mà biết được tên thật của chúng là gì và sử dụng ảnh của ai để làm quen. Hầu hết các đối tượng mua bán phụ nữ đều là những tên có tiền án, tiền sự vì thế chúng quá tinh quái, lẩn trốn sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Ngoài sự tinh thông về nghiệp vụ, các trinh sát phải có am hiểu nhất định về khoa học để đối phó những những chiêu tinh quái của chúng, bởi có những đối tượng cùng lúc sử dụng hàng chục các nick chát. Nạn nhân đều bị bán vào khu du lịch, vui chơi giải trí, bị ép làm gái bán dâm.

Sự bồng bột của tuổi trẻ, thiếu suy nghĩ khiến nhiều em phải trả giá đắt cho sự "vô tư" của mình…

Từ những vụ việc trên thiết nghĩ, các ông bố bà mẹ cần phải quan tâm đến các cô con gái, đặc biệt là những cháu đang phát triển từ lứa tuổi thiếu niên chuyển sang thiếu nữ

Xuân Mai
.
.
.