Bị động và lúng túng trước diễn biến bệnh mới

Thứ Bảy, 21/04/2012, 18:44
Có thể nói rằng, trước một số vấn đề có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, nhưng dường như Bộ Y tế luôn ở tình thế “thúc thủ”, thay vì chủ động bảo vệ sức khỏe nhân dân theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Quá dễ để thấy điều này qua vấn đề đang nóng bỏng hiện nay là căn “bệnh lạ” xuất hiện ở Quảng Ngãi; bệnh đã kéo dài tới 6 tháng, với nhiều người chết, Bộ Y tế mới có một đoàn về địa phương để kiểm tra và sau đúng một năm, khi số người mắc đã lên đến gần 200 và số tử vong cũng tới 19 người, thì lần thứ 2 Bộ Y tế mới chính thức đến, mà là sau 4 tháng chính quyền địa phương có công văn hoả tốc cầu cứu? Trong khi căn bệnh mới nổi này gây hoang mang cho không chỉ người dân mà cả chính quyền, thì việc chậm trễ tiếp cận và có hướng giải quyết của Bộ chủ quản càng khiến người dân hoang mang.

Dư luận cho rằng, hình như Bộ Y tế đã thờ ơ xem nhẹ trách nhiệm. Để tới 19 người chết trong vòng 1 năm vì bệnh mới nổi, lẽ nào ngành Y tế không có trách nhiệm? Đó là chưa nói những hệ quả xã hội khi các gia đình có người bị bệnh tử vong bị xa lánh, số trẻ bỏ học cũng tăng vì lo sợ lây bệnh, tất cả chỉ vì không rõ nguyên nhân.

Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị mời Tổ chức Y tế thế giới vào cuộc để tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục, nhằm ngăn chặn số người mắc và tử vong. Điều này khiến nhiều người băn khoăn: Sao không phải là Bộ Y tế đề xuất việc mời WHO vào cuộc nếu thấy quá sức, bởi đó chính là chuyên ngành của Bộ? Hơn nữa, bệnh xuất hiện đã cả năm, nhất là khi, theo PGS.TS Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TW thì “các bệnh nhân mắc bệnh viêm da lạ ở huyện Ba Tơ… tiến triển bệnh nguy hiểm, tử vong rất nhanh” mà Bộ vẫn chưa xác định nguyên nhân gây bệnh, thì đúng ra, Bộ phải chủ động nhờ các chuyên gia giỏi của thế giới, hoặc chủ động tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cùng vào cuộc, để ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm, chứ lẽ nào cứ để người dân chịu trận? Liệu số người mắc và tử vong tăng đến bao nhiêu mới được Bộ Y tế chú ý?

Đây không phải là lần đầu tiên, ngành Y tế chưa làm tròn chức năng của mình. Cuối năm 2010, khi tin đồn cá kèo gây ung thư rộ lên đã khiến nông dân ở phía Nam điêu đứng vì giá sụt giảm, người dân, chính quyền thì hoang mang vì không rõ thực hư, nhưng Bộ Y tế vẫn… lặng như tờ, dù lúc này, ý kiến chuyên ngành cực kỳ quan trọng. Ít lâu sau, lại có tin đồn về cá rô đầu vuông gây ung thư, Bộ Y tế vẫn không lên tiếng bác bỏ hay phủ nhận, càng khiến dư luận và chính quyền địa phương bối rối.

Để có câu trả lời rõ ràng cho người dân yên tâm, báo giới vẫn phải tự tìm gặp các giáo sư, chuyên gia về lĩnh vực ung thư trong ngành Y tế để hỏi han, làm rõ và tuyên truyền. Trong khi đó, các đơn vị truyền thông của ngành Y tế hình như lại đứng ngoài cuộc. Nhiều chuyên gia đã rất ngạc nhiên trước thái độ bàng quang của Bộ Y tế ở một lĩnh vực do chính Bộ quản lý. Nếu sức khỏe người dân không phải là vấn đề mà Bộ Y tế quan tâm, thì điều gì mới được Bộ coi trọng và chức năng, nhiệm vụ thực sự của ngành là gì?

Thanh Hằng
.
.
.